Môi trường kinh doanh ở Việt Nam cải thiện rõ rệt
(Chinhphu.vn) – Tăng 10 bậc so với năm 2009 lên hạng 78/183 nước, đứng thứ 4/10 nền kinh tế cải cách nhiều nhất về mức độ thuận lợi môi trường kinh doanh, đó là những bước tiến mạnh mẽ trong cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2010.
Ngày 28/3 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2010. Báo cáo nhận định, Việt Nam đã có những cải thiện về môi trường kinh doanh trong năm 2010, tiến 10 bậc so với năm 2009 (đứng thứ 78/183 nước) và đứng thứ 4 trong số 10 nền kinh tế cải cách nhiều nhất về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh. Trong đó phải kể đến là tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao 6,78%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 25,5% so với năm 2009.
Ghi công Đề án 30
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện là nhờ những nỗ lực rất lớn từ việc thực hiện một cách rộng rãi và quyết liệt Đề án 30 về cải cách TTHC.
Ngoài ra, việc cải thiện môi trường pháp lý với những thay đổi quan trọng liên quan đến gia nhập thị trường, quản trị doanh nghiệp cụ thể là sự ra đời của Nghị định 43 về đăng ký kinh doanh và một số văn bản luật liên quan đến doanh nghiệp bắt đầu có hiệu lực. Có thể nói nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện, số lượng DN đăng ký mới tiếp tục gia tăng. Tính đến hết năm 2010, tổng số DN đăng ký thành lập đã đạt 544.394 DN vượt mục tiêu đề ra của Chính phủ là 500.000 DN.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, Báo cáo cũng chỉ ra những yếu tố tác động không tốt đến hoạt động của DN trong năm 2010 như lãi suất ngân hàng luôn ở mức cao cùng với tình trạng lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vẫn tăng cao.
Một số chuyên gia cho rằng những bất lợi xuất phát từ tình trạng nền kinh tế luôn phải đối phó với tình trạng nhập siêu, bội chi ngân sách ngày càng gia tăng, sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ chưa nhịp nhàng, năng lực dự báo còn hạn chế.
Điểm sáng của thu hút FDI là việc tốc độ giải ngân vốn thực hiện được cải thiện đáng kể .Tuy nhiên, mục tiêu dự kiến ban đầu trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2010 lại không đạt được và xu hướng đầu tư vào kinh doanh bất động sản vẫn cao.
Những điểm yếu chung về nội tại như cơ sở hạ tầng, giao thông phục vụ sản xuất kinh doanh, cung cấp điện, năng suất lao động thấp hay những bất ổn từ kinh tế thế giới cũng ảnh hưởng không tốt tới môi trường kinh doanh.
Thực hiện tái cấu trúc DN
Kinh tế thế giới trong năm 2010 và các năm tiếp theo sẽ chứng kiến sự suy giảm vai trò của các nền kinh tế lớn Mỹ, EU, Nhật Bản nhưng lại chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các nước mới nổi và các nước đang phát triển. Điều này có thể là cơ hội cho Việt Nam trong việc tham gia vào nền sản xuất khu vực và toàn cầu. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo DN cần phải tiến hành tái cấu trúc để cải thiện năng suất lao động, hội nhập tốt hơn với kinh tế quốc tế, tạo cơ sở cho tăng trưởng bền vững.
Do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới, các DN khu vực kinh tế tư nhân đã có xu hướng chuyển dịch vào các ngành có đòi hỏi cao về chất lượng lao động cao như thông tin truyền thông, dịch vụ chuyên môn và khoa học công nghệ… trong khi các ngành tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, khai khoáng.. lại là những lĩnh vực có tốc độ gia tăng số lượng thấp.
Đối với khu vực nhà nước, cần tách biệt rõ chức năng quản lý và chức năng chủ sở hữu đối với DNNN trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Vai trò của nhà nước chính là ở chỗ tạo điều kiện cho các chủ thể này kinh doanh hiệu quả và thực hiện chức năng chủ đạo của kinh tế nhà nước.
Cụ thể, quá trình sắp xếp đổi mới DNNN đã đạt được kết quả rất tốt, hiện tại số DNNN chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên chiếm gần 81%, cổ phần hóa chiếm hơn 13%, còn lại là các hình thức khác.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng trong thời điểm này, Nghị quyết 11 của Chính phủ cần phải được thực hiện quyết liệt.
Còn bà Victoria Kwawa, Giám đốc WB tại Việt Nam cho hay, việc tạo môi trường kinh doanh thật sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đóng vai trò quan trọng. Việc triển khai các cụm DN tương hỗ ở Việt Nam cũng rất đúng hướng và WB sẽ tích cực ủng hộ.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục phát triển DNVVN cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành, địa phương triển khai việc đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại và đổi mới khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ DNVVN.