Kỷ niệm 15 năm quan hệ Việt-Mỹ tại Washington
(VNA) Sáng 15/7 (giờ Việt Nam), tại thủ đô Washington của Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng Đại sứ quán Việt Nam đã tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 15 năm ngày bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước (12/7/1995-12/7/2010).
Đến dự lễ kỷ niệm có cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, các Thượng nghị sĩ John Kerry và John McCain, Hạ nghị sĩ Eni Faleomavagea cùng nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ.
Khai mạc buổi lễ, Đại sứ Lê Công Phụng bày tỏ sự cám ơn đối với cựu Tổng thống Clinton và các nghị sỹ có mặt tại buổi lễ cũng như nhiều thành viên khác của Quốc hội Mỹ đã ủng hộ quan hệ Mỹ-Việt. Đại sứ nhấn mạnh cách đây 15 năm, Tổng thống Mỹ khi đó, ông Clinton, đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước.
Theo Đại sứ, những thành tựu đạt được trong quan hệ song phương đến hôm nay đã thể hiện quyết tâm và ý chí của lãnh đạo và nhân dân hai nước trong việc thúc đẩy mối quan hệ này.
Đại sứ Lê Công Phụng nói: "Dù ngắn ngủi, nhưng giai đoạn 15 năm qua đã đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ song phương trong tương lai. Sự phát triển của quan hệ Việt-Mỹ phục vụ cho lợi ích của hai quốc gia, của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, thịnh vượng và an ninh của khu vực và thế giới, giúp giải quyết các vấn đề quan trọng mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt."
Phát biểu trước các quan khách, cựu Tổng thống Clinton đã ôn lại giai đoạn từ khi ông nhậm chức (năm 1993) đến khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Ông cũng nhắc lại kỷ niệm về các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Việt Nam trong thời gian ông tại vị, đặc biệt là chuyến thăm Việt Nam hồi năm 2000.
Cựu Tổng thống Clinton đã điểm lại sự phát triển của quan hệ Mỹ-Việt trên nhiều lĩnh vực. Ông cũng cảm ơn chính phủ hai nước trong những năm sau này đã tạo điều kiện để ông tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của mối quan hệ song phương, với việc thành lập Quỹ Clinton hỗ trợ bệnh nhân HIV/AIDS ở Việt Nam.
Là một người ủng hộ nhiệt thành việc bình thường hóa và có nhiều đóng góp trong việc thúc đẩy quan hệ Mỹ-Việt, Thượng nghị sĩ Jonh Kerry điểm lại những nỗ lực của chính phủ hai nước từ hơn hai thập kỷ trước để tiến tới bình thường hóa quan hệ.
Ông nhấn mạnh sự hợp tác của Việt Nam trong việc tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh cả trước và sau khi bình thường hóa quan hệ là một nhân tố quan trọng thúc đẩy quan hệ hai nước. Thượng nghị sĩ Kerry cho biết ông mang ấn tượng sâu đậm khi nhìn lại toàn bộ quá trình quan hệ Mỹ-Việt.
Ông chúc mừng những thành công mà Việt Nam đã đạt được trong công cuộc đổi mới. Thượng nghị sĩ nói: "Tôi nhớ vào năm 1991, tỷ lệ người nghèo của Việt Nam là 60%, nay tỷ lệ này còn 10%."
Minh họa cho sự phát triển của quan hệ hai nước, Thượng nghị sĩ Kerry nói: "15 năm trước, chỉ có 800 sinh viên Việt Nam học tập tại Mỹ, hiện con số này là 13.000 người. Nếu như 15 năm trước, rất hiếm người Mỹ đến Việt Nam, thì năm 2009 đã có tới 50.000 du khách Mỹ đến Việt Nam." Với người dân Mỹ, ông khẳng định ngày nay, Việt Nam không còn là một cuộc chiến tranh, mà là một đất nước và là một người bạn.
Về phần mình, Thượng nghị sĩ John McCain đã có những phát biểu rất tích cực về mối quan hệ Mỹ-Việt hiện nay. Theo ông, 15 năm qua, quan hệ hai nước đã không dừng lại ở chỗ bình thường hóa mà đã phát triển ngày càng mạnh mẽ và sâu sắc.
Ông khẳng định: "Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác quan trọng nhất, nhiều hứa hẹn nhất của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương." Dù quan hệ thương mại hai nước năm 2009 cao gấp 30 lần so với thời điểm hai nước mới bắt đầu bình thường hóa quan hệ, nhưng Thượng nghị sĩ McCain cho rằng đây vẫn chỉ là sự khởi đầu và bày tỏ hy vọng quan hệ hai nước sẽ còn tiến xa hơn nữa.
Đại diện cho Bộ Ngoại giao Mỹ, Trợ lý Ngoại trưởng Kurt Campbell nhắc lại những kỷ niệm của ông trong vai trò một nhà ngoại giao đã tham gia vào quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt từ những ngày đầu. Về tương lai của quan hệ hai nước, ông đánh giá: "Nhìn lại những bạn bè của chúng ta ở Đông Nam Á, có thể thấy quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam có rất nhiều triển vọng"./.