Tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2009

1. Về ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững
(1) Sản xuất công nghiệp đang trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng liên tục trong 6 tháng qua
Giá trị sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng 2,3% so với tháng 6 năm 2009 và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó: khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 8% và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng 8,7%. Như vậy, trừ tháng 1 có tốc độ tăng trưởng âm, 6 tháng còn lại giá trị sản xuất công nghiệp đều tăng nhanh qua từng tháng. Tính chung 7 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước (3 tháng đầu năm tăng 2,1%, 4 tháng tăng 3,3%, 5 tháng tăng 4%, 6 tháng tăng 4,8%). Trong đó, khu vực kinh tế nhà nước tăng 1,5%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 7,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 5,3%.
Lĩnh vực xây dựng tiếp tục phát triển thuận lợi nhờ chính sách kích cầu đầu tư và sự phục hồi của thị trường bất động sản.

(2) Khu vực dịch vụ nhìn chung vẫn duy trì mức tăng trưởng khá cao
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 7 tháng đầu năm 2009 tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó thương nghiệp tăng 17,7%; khách sạn, nhà hàng tăng 17,9%, du lịch tăng 20,1%; dịch vụ khác tăng 24,0%.
Khối lượng vận chuyển hàng hoá 7 tháng năm 2009 ước đạt 367,8 triệu tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2008, khối lượng luân chuyển ước đạt 107,6 tỷ tấn.km, tăng 7,6% so với cùng kỳ; số lượng vận chuyển hành khách ước đạt 1.129,3 triệu lượt hành khách, tăng 8,5%; khối lượng luân chuyển hành khách tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2008.
Tổng số thuê bao điện thoại phát triển mới trong 7 tháng đầu năm đạt 25,55 triệu thuê bao, nâng tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng đến hết tháng 7/2009 lên 107,8 triệu thuê bao (trong đó thuê bao di động chiếm khoảng 86%), đạt mật độ 123,9 máy/100 dân. Tổng số thuê bao Internet băng rộng phát triển mới trong 7 tháng đạt 710 nghìn thuê bao, nâng tổng số thuê bao Internet băng rộng lên 2,64 triệu thuê bao, đạt mật độ 3,03 thuê bao/100 dân.

(3) Về sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản
Trong tháng 7, mưa lũ lớn trên diện rộng ở đồng bằng và trung du, miền núi Bắc bộ ảnh hưởng lớn đến sản xuất vụ mùa. Tính đến ngày 15/7/2009, gieo cấy lúa mùa tăng 5,2% so với cùng kỳ, trong đó miền Bắc tăng 4,7%, miền Nam tăng 7,7%.
Diện tích trồng rừng mới tập trung 7 tháng đầu năm đạt 80 nghìn ha, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 33,6% kế hoạch năm. Sản lượng gỗ khai thác đạt 1,7 triệu m3, tăng 20% so với năm 2008. Hiện tượng cháy, phá rừng vẫn diễn ra ở một số tỉnh.
(4) Xuất khẩu còn nhiều khó khăn, nhập siêu thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước
Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 7 năm 2009 ước đạt 4,75 tỷ USD, tăng 0,3% so với tháng trước. 7 tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 32,35 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 12,24 tỷ USD, giảm 8,8%.
Hầu hết các mặt hàng có thống kê về lượng, mức giá bình quân tính được đều giảm rất mạnh như giá dầu thô giảm 53,1%, giá cao su giảm 45,8%, giá hạt tiêu giảm 33,2%, giá cà phê giảm 29,24%, giá gạo giảm 28,6%, giá hạt điều giảm 19,5%, giá than đá giảm 15,8%, chè giảm 9%... Ước tính sơ bộ, với việc giảm giá xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu như trên, kim ngạch xuất khẩu giảm do giá xuất khẩu lên tới trên 6 tỷ USD.
Thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2009 hầu hết đều bị thu hẹp mạnh, đặc biệt là thị trường Châu Úc và Châu Á; so với cùng kỳ năm 2008, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường này giảm lần lượt là 40,2% và 21,2%. Kim ngạch xuất khẩu sang Châu Mỹ giảm nhẹ hơn, ở mức 7,7%. Riêng thị trường Châu Âu và Châu Phi có mức tăng trưởng dương, lần lượt là 19,3% và 49,3%.
Xuất khẩu sang Châu Âu tăng nhưng riêng xuất khẩu vào các nước trong khối EU lại giảm 13,6% so với cùng kỳ. Mặc dù có sự sụt giảm mạnh nhưng Châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam với tỷ trọng khoảng 44%, tiếp theo lần lượt là Châu Âu (tỷ trọng 27%), Châu Mỹ (22%)… Trong vài tháng trở lại đây, đã có những tín hiệu hồi phục lạc quan từ các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN lại giảm khá mạnh.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 7 năm 2009 ước đạt 6 tỷ USD, tăng 1,68% so với tháng trước. 7 tháng đầu năm 2009, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 35,374 tỷ USD, giảm 34% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ước đạt 12,69 tỷ USD, giảm 22,9%.
Nhập siêu trong 7 tháng đầu năm khoảng 3,38 tỷ USD, tương đương 10,5% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2008 (40,8%).

2. Về tài chính và ổn định kinh tế vĩ mô

(1) Thu chi ngân sách nhà nước
Thu ngân sách nhà nước 15 ngày đầu tháng 7 năm 2009 ước đạt 15 nghìn tỷ đồng, nâng tổng số lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/7/2009 lên 198,3 nghìn tỷ đồng, bằng 50,9% dự toán năm.
Chi ngân sách nhà nước 15 ngày đầu tháng 7 ước đạt 19,7 tỷ đồng, lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/7/2009 ước đạt khoảng 240,6 nghìn tỷ đồng, bằng 49,0% dự toán năm; trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 56,4 nghìn tỷ đồng, bằng 50,0% dự toán năm; chi thường xuyên đạt 144,1 nghìn tỷ đồng, bằng 53,5% dự toán năm.

(2) Chỉ số giá tiêu dùng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 0,52% so với tháng trước, thu hẹp so với mức tăng tháng 6 là 0,55%. So với tháng 12 năm 2008, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 tăng 3,22% (cùng kỳ tăng 19,78%). Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 7 tháng đầu năm 2009 đã giảm xuống một con số, với mức tăng 9,25% so với 7 tháng đầu năm 2008.

(3) Về đầu tư phát triển
Vốn đầu tư từ NSNN thực hiện trong tháng 7 ước đạt 13,4 nghìn tỷ đồng, bằng 9,3% kế hoạch năm, 7 tháng đầu năm ước đạt 70,9 nghìn tỷ đồng, bằng 49,3% kế hoạch năm, tăng 48,7% so với cùng kỳ năm trước.
Giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ cho giao thông và thủy lợi 7 tháng đầu năm ước đạt 7,1 nghìn tỷ đồng, bằng 28,9% kế hoạch năm; cho y tế ước đạt 2,7 nghìn tỷ đồng, bằng 72% kế hoạch. Vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước thực hiện đạt khoảng 29 nghìn tỷ đồng, bằng 64,1% kế hoạch.
Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong 7 tháng đầu năm đã đăng ký mới và tăng vốn cho 510 dự án với tổng vốn là 10,1 tỷ USD, bằng 18,8% cùng kỳ trước; trong đó vốn đăng ký mới là 5,4 tỷ USD, bằng 11,0%, vốn tăng thêm là 4,7 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Thực hiện vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 4,65 tỷ USD, giảm 22,5% so với cùng kỳ năm 2008.
Tổng giá trị vốn ODA được ký kết thông qua các Hiệp định với các nhà tài trợ tính từ đầu năm đến ngày 15/7/2009 đạt 2.187,6 triệu USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2008. Tổng số vốn ODA giải ngân 7 tháng ước đạt 1.474 triệu USD, bằng 78% kế hoạch năm, bao gồm vốn vay khoảng 1.350 triệu USD; vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 124 triệu USD.

(4) Về phát triển doanh nghiệp
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 7 ước đạt 7 nghìn doanh nghiệp, tăng 34,6% so với tháng 7 năm 2008; tổng số vốn đăng ký mới đạt trên 33 nghìn tỷ đồng, tăng 27,3% so với tháng 7 năm 2008.
Ước 7 tháng đầu năm cả nước có khoảng 48 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2008. Tuy nhiên, số vốn đăng ký mới trong 7 tháng đầu năm giảm sút khá lớn so với cùng kỳ, ước đạt 207,6 nghìn tỷ đồng, giảm 34,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

(5) Về giáo dục, y tế, an sinh xã hội và các lĩnh vực xã hội khác
Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông năm học 2008-2009 trong toàn quốc đạt 83,8%, cao hơn tỷ lệ đỗ lần 1 của năm 2008 là 7,8%. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên trong toàn quốc đạt 39,6%, thấp hơn cùng kì năm 2008 là 2,8%. Trong tháng 7, ngành giáo dục và đào tạo đã tổ chức tốt kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2009, với trên 2,1 triệu hồ sơ đăng ký dự thi. Nhìn chung, kỳ thi tuyển sinh được tổ chức tốt, bảo đảm bí mật đề thi, an toàn và trật tự. Đến nay, hầu hết các trường đã công bố kết quả thi tuyển sinh.
Về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân: Ngành y tế đã thực hiện tốt công tác kiểm dịch y tế, nhanh chóng phát hiện các trường hợp nhiễm cúm A (H1N1). Đáng chú ý là cúm A (H1N1) đã xuất hiện và lây lan tại một số trường học. Công tác phòng chống các loại bệnh dễ gây dịch khác, như sốt xuất huyết, tả, sốt rét, viêm màng não, v.v… tiếp tục được tăng cường. Giám sát chặt chẽ tình hình mắc sốt xuất huyết và cung cấp thuốc, hướng dẫn phun hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết tại các tỉnh, thành phố trọng điểm. Trong tháng 7, ngành y tế đã phối hợp tốt với các trường đại học, cao đẳng bảo đảm sức khỏe cho các thí sinh đi thi; sẵn sàng đáp ứng khi có thí sinh bị ốm hoặc dịch bệnh xảy ra.
Về tình hình lao động, việc làm: Ước trong tháng 7 tạo việc làm cho khoảng 122 nghìn lượt người, bằng 87,1% so với cùng kỳ năm 2008; trong đó xuất khẩu lao động đạt 5.700 người, bằng 81,4% so với cùng kỳ năm ngoái. 7 tháng đầu năm, tổng số lượt lao động được giải quyết việc làm ước đạt 722 nghìn người, bằng 83,9% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 4 vạn người, bằng 80% so với cùng kỳ năm 2008.
Về công tác đền ơn, đáp nghĩa, các bộ, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 62 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27-7), thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng chính sách, người có công.
Tai nạn giao thông trong tháng 6 có 1.048 vụ, làm chết 985 người và làm bị thương 654 người. Tai nạn giao thông 6 tháng giảm cả về số vụ, số người chết và bị thương so với cùng kỳ năm 2008. Trong 6 tháng đầu năm 2009, đã xảy ra 6.231 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.827 người và làm bị thương 3.975 người. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông giảm 3,6%, số người chết giảm 1,6% và số người bị thương giảm 7,1%.
Về lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, trong tháng 7 đã tập trung tuyên truyền kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27-7, sự chỉ đạo, lãnh đạo của Chính phủ thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động hợp tác với các nước,... Tuyên truyền, phổ biến thông tin về biện pháp phòng, chống cúm A (H1N1); đưa tin kịp thời về dịch cúm A (H1N1) tại nhiều nước trên thế giới và của Việt Nam; thường xuyên cập nhật thông tin về số người mắc hiện nay ở Việt Nam và công tác phòng chống dịch bệnh này. Tiếp tục tập trung chuẩn bị cho Đại hội thể thao châu Á trong nhà (AI games 3) tổ chức tại Việt Nam, chuẩn bị tham dự Seagames 26 và Paragames tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào vào cuối năm 2009. Một số môn thể thao trong nhà có thế mạnh của Việt Nam (như Vật, bóng bàn, wushu, võ cổ truyền,…) đã được gửi đi tập huấn tại Trung Quốc và Hàn Quốc.

Đánh giá chung, tình hình kinh tế, xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm tuy còn nhiều khó khăn nhưng tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực. Sản xuất nông nghiệp ổn định, ngành công nghiệp tiếp tục phục hồi và liên tục tăng trưởng trong 6 tháng qua; khu vực dịch vụ, đặc biệt là thị trường trong nước vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, trong từng ngành, lĩnh vực còn nhiều khó khăn, nhất là hoạt động xuất khẩu giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước. Các chỉ số tiền tệ, tín dụng đang tăng khá cao, cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ để tránh gây tái lạm phát...