ĐS Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Công Phụng trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN
Hà Nội (TTXVN 4/1) Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN nhân dịp bước sang Năm mới 2009, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Lê Công Phụng đã nhận định: "Có thể nói năm 2008 là một năm rất sáng trong quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ, thể hiện quyết tâm chính trị, ý tưởng của lãnh đạo hai bên và mong muốn của nhân dân hai nước".
Sau đây là toàn văn cuộc phỏng vấn:
Phóng viên TTXVN (PV): Xin Đại sứ phác họa toàn cảnh quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong năm 2008? Trong tổng quan đó, những sự kiện và vấn đề nào là nổi bật nhất?
Đại sứ Lê Công Phụng (ĐS): Năm 2008 là một năm rất sôi động trong quan hệ song phương Việt Nam - Hoa Kỳ. Bởi lẽ điều đầu tiên chúng ta thấy là ngay từ đầu những năm 2000 cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều bày tỏ một quyết tâm rất rõ là làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hợp tác song phương. Chúng ta đã chứng kiến nhiều chuyến đi quan trọng của các lãnh đạo cấp cao, như Thủ tướng Phan Văn Khải thăm Hoa Kỳ năm 2004; Tổng thống Gioóc-giơ Bu-sơ (George W.Bush) thăm Việt Nam năm 2006; Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm Hoa Kỳ năm 2007 và gần đây nhất là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Hoa Kỳ năm 2008. Có thể nói rằng trong quá trình phát triển quan hệ như vậy thì năm 2008 là một năm hết sức quan trọng. Bởi lẽ, theo chúng tôi, nó đã đến độ chín và cả hai bên đều nhìn nhận và thấy có một yêu cầu rất lớn là quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phải được nâng lên một tầm cao hơn nữa. Do vậy, chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 6/2008 đánh dấu một bước rất quan trọng. Nếu để đến năm 2009 thì khó khăn vì cuối năm 2008 và đầu 2009 Hoa Kỳ có những vấn đề nội bộ cần giải quyết như bầu cử tổng thống, sắp xếp chính quyền mới. Cho nên năm 2008 mặc dù thời gian rất ngắn, cấp bách nhưng cả Việt Nam và Hoa Kỳ đều chung sức chuẩn bị cho chuyến thăm. Và như các bạn đã biết chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã mang lại một kết quả rất lớn. Về bề nổi, đó là sự trao đổi cấp cao giữa hai nước và đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới, với chiều hướng và ý nguyện của hai bên là tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực và ngày càng toàn diện hơn. Về thực chất, năm 2008 với chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và những việc chúng ta đã làm, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đi vào chiều sâu và chất lượng cao hơn. Hay như chúng tôi vẫn thường nói là đã đến lúc "nói ít làm nhiều". Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển sâu trên tất cả các lĩnh vực.
Về chính trị, chúng tôi cho rằng hợp tác chính trị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong năm 2008 thể hiện quyết tâm không chỉ là thúc đẩy quan hệ song phương mà còn làm cho mối quan hệ đó ngày càng sâu sắc hơn, đan xen lợi ích hơn về mặt chính trị. Việt Nam là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nghe ra tưởng không vấn đề gì, nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á đã nắm chiếc ghế này. Nhưng đối với vai trò và vị thế của Việt Nam hiện nay, Hoa Kỳ rất cần tiếng nói của Việt Nam trong khu vực. Bởi lẽ chúng ta có tư cách để nói, chúng ta có quyền để nói và chúng ta nói là vì lợi ích chung, vì lợi ích của hòa bình thế giới, vì lợi ích của các nước đang phát triển nhất là các nước Đông Nam Á. Chúng tôi thấy rằng trong hơn một năm qua, hợp tác giữa Hoa Kỳ và Việt Nam trong Hội đồng Bảo an là một trong những sự hợp tác rất nổi. Hoa Kỳ thường xuyên tham khảo, trao đổi ý kiến với Việt Nam trước khi đưa ra lập trường của mình về các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh thế giới. Việt Nam, với tư cách là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an, đồng thời chúng ta cũng thể hiện được sự quan tâm của chúng ta đối với tất cả các vấn đề của thế giới và khu vực và các vấn đề liên quan đến quan hệ song phương. Mặt thứ hai chúng ta thấy rất nổi là hợp tác về an ninh-chính trị, đặc biệt là đối thoại chiến lược về chính trị và an ninh là cơ chế được thành lập trong khuôn khổ chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đã tiến hành họp lần đầu và sẽ họp lần hai và sẽ là cơ chế thường xuyên, định kỳ, hàng năm. Việc thiết lập cơ chế này đã đánh dấu một bước chuyển biến trong quan hệ giữa hai nước, vốn là đối thủ của nhau trong chiến tranh. Trải qua một thời kỳ dài, Việt Nam và Hoa Kỳ đã có những bước đi rất quan trọng để đạt được sự tin cậy lẫn nhau ban đầu trong lĩnh vực hết sức nhạy cảm.
Ngoài ra, còn một cơ chế quan trọng khác là đối thoại giữa hai Bộ Quốc phòng hai nước. Điều này nghe thì cũng bình thường nhưng đối thoại quốc phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là một chuyện đặc biệt. Việc này cho thấy Hoa Kỳ cũng mong muốn có sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực quốc phòng, hợp tác đi vào chiều sâu và thực chất.
Các lĩnh vực khác cũng có nhiều bước tiến quan trọng, ví dụ như khoa học-kỹ thuật, giáo dục. Sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Việt Nam và Hoa Kỳ đã thành lập nhóm công tác về hợp tác giáo dục giữa hai nước. Nhóm này đã họp phiên thứ nhất, thứ hai và chuẩn bị họp phiên thứ ba. Việc này thể hiện hai điểm. Thứ nhất Việt Nam nhìn nhận Hoa Kỳ như là một địa bàn quan trọng để tăng cường hợp tác quốc tế về lĩnh vực giáo dục - một lĩnh vực mang tính chiến lược mà chúng ta rất cần để làm sao có đủ lực lượng lao động có trình độ đóng góp vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hoa Kỳ cũng thực sự muốn hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục. Ở đây không chỉ là tuyên bố của lãnh đạo cấp cao của chính quyền Hoa Kỳ, ví dụ như Tổng thống Gioóc-giơ Bu-sơ tuyên bố sẽ hợp tác và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục, Quốc hội Hoa Kỳ và giới doanh nhân nước này cũng tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam mà các tổ chức liên quan đến giáo dục, các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ cũng bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa sự hợp tác giáo dục giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Họ sẵn sàng hỗ trợ chúng ta trong các vấn đề như trao đổi sinh viên, trao đổi chương trình, giáo trình, cấp học bổng, trao đổi chuyên gia, giáo sư, đặc biệt hiện nay hai bên đang trao đổi cụ thể về việc thiết lập các trường đại học của Hoa Kỳ tại Việt Nam hoặc hợp tác để cùng thành lập các trường đại học Việt-Mỹ tại Việt Nam. Chúng tôi cho rằng đây là một lĩnh vực hết sức thiết thực đối với Việt Nam.
Một điểm nữa mà chúng tôi thấy cũng hết sức nổi bật và đáng mừng là sự hợp tác về kinh tế và thương mại. Việc thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại với Mỹ đã có đà từ những năm 2000, đặc biệt là khi quá trình đổi mới, mở cửa và hội nhập của chúng ta đã thu được những kết quả quan trọng. Chính giới Hoa Kỳ, doanh nhân Hoa Kỳ và người Mỹ nói chung đều mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại với Việt Nam. Chúng tôi có điều kiện đi tới nhiều bang ở Hoa Kỳ và đã gặp rất nhiều các doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới Việt Nam. Họ cho rằng Việt Nam là địa bàn, thị trường hết sức hấp dẫn để có thể đầu tư, làm ăn, buôn bán. Chúng ta biết rằng đầu năm 2008 kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, tài chính-tiền tệ có nhiều vấn đề nan giải, lạm phát tăng cao, nhưng mà đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam đã tăng cao một cách bất ngờ. Tuy Hoa Kỳ hiện nay không phải là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, nhưng riêng trong năm 2008 thì lượng đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam là lớn nhất nếu so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Ở đây có thể thấy mặc dù lạm phát của Việt Nam cao nhưng chúng ta có sự ổn định, có sự đảm bảo chắc chắn trong việc đầu tư và các nhà đầu tư của Hoa Kỳ nhìn thấy xu hướng Việt Nam sẽ phát triển trong tương lai. Có thể nói chuyến đi của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 6/2008 không chỉ đánh dấu một bước quan trọng trong tiến trình hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ mà còn tạo đà mới thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương. Có thể nói năm 2008 là một năm rất sáng trong hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ, thể hiện quyết tâm chính trị, ý tưởng của lãnh đạo hai bên và mong muốn của nhân dân hai nước.
PV: Thưa Đại sứ, xin Đại sứ cho biết phương hướng phát triển quan hệ giữa hai nước trong năm 2009, những khó khăn và thuận lợi?
ĐS: Trong năm 2009 sẽ không có nhiều họat động trao đổi cấp cao như năm 2008. Hoa Kỳ sẽ phải tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ như sắp xếp bộ máy chính quyền và các vấn đề khác nên sẽ chưa thể thu xếp được các chuyến thăm tới Việt Nam hoặc lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm Hoa Kỳ. Dù vậy, cũng có thể thấy năm 2009 sẽ là năm rất sôi động trong việc thực hiện các cam kết và thỏa thuận đã đạt được, đồng thời sẽ làm sâu sắc hơn những điều mà chúng ta đã làm và tiếp tục tiến hành những việc chúng ta chưa làm được.
Về mặt chính trị, chúng tôi cho rằng trong năm 2009 sự trao đổi giữa các ngành, các cấp liên quan đến lĩnh vực an ninh-chính trị sẽ tiếp tục được thúc đẩy. Chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác với Hoa Kỳ trong Hội đồng Bảo an, sẽ có các chuyến thăm liên quan đến quốc phòng-an ninh giữa hai bên. Chúng ta sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hợp tác về giáo dục và khoa học-kỹ thuật, thúc đẩy hợp tác về đầu tư, thương mại. Chúng ta cũng đã đồng ý tham gia Tổ chức hợp tác kinh tế xuyên châu Á-Thái Bình Dương (TPP) với tư cách là thành viên liên kết. Việt Nam và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục xem xét mối quan hệ về chính trị, kinh tế và giáo dục để bàn các biện pháp thúc đẩy. Tuy nhiên, có thể thấy một hạn chế là do cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính ở Hoa Kỳ, đồng thời do một số luật lệ nên hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng sẽ bị ảnh hưởng. Kim ngạch thương mại năm 2009 có thể không bằng năm 2008 nhưng sẽ vẫn giữ được mức tăng trưởng cao. Về đầu tư thì chúng tôi an tâm, sẽ tiếp tục có đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Những nhà đầu tư đang làm ăn hoặc sẽ làm ăn với Việt Nam là những nhà đầu tư có tiềm năng, sắp tới sẽ có nhiều đoàn doanh nghiệp và các nhà đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng với cam kết và quyết tâm của họ, chắc chắn đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam sẽ không giảm nhiều. Chúng ta có thể thấy cũng như chính quyền Tổng thống Gioóc-giơ Bu-sơ, chính quyền của ông Ba-rắc Ô-ba-ma (Barack Obama) chắc chắn vẫn sẽ coi Việt Nam là một đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á.
PV: Đại sứ đánh giá như thế nào về đóng góp của cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ, cộng đồng người Việt lớn nhất ở nước ngoài, đối với Tổ quốc?
ĐS: Cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ hiện nay có khoảng 1,5 triệu người, chiếm gần 50% cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm ăn ở các nước trên thế giới. Đây là một cộng đồng khá phức tạp do hậu quả của chiến tranh. Nếu so từ sau năm 1975 đến bây giờ thì có thể thấy sự chuyển biến trong cộng đồng là hết sức rõ rệt. Trong số người Việt ở Hoa Kỳ hiện nay có nhiều người đã tham gia vào các cơ chế chính quyền sở tại và thế hệ trẻ đã và đang hội nhập với văn hóa Mỹ, xã hội Mỹ. Có thể nói rằng các phần tử chống đối chế độ chúng ta trong cộng đồng người Việt ngày càng ít đi làm cho cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ ngày càng thuần khiết hơn. Những ý kiến đóng góp thẳng thắn và chân tình đối với đất nước ngày càng nhiều hơn. Có nhiều nguyên nhân, có thể do họ già yếu hoặc họ đã chứng kiến quá trình hội nhập của Việt Nam, nhưng chúng tôi cho rằng điều quan trọng nhất là vì đất nước chúng ta mạnh lên, Việt Nam có những bước tiến dài trong việc phát triển kinh tế-xã hội, con người. Vì vậy, những lực lượng chống đối không có nhiều cớ để phê phán chúng ta. Nguyên nhân thứ hai chúng tôi cho là cũng hết sức quan trọng, đó là chúng ta coi cộng đồng người Việt ở nước ngoài như đồng bào ở trong nước. Vì vậy, trong thời gian qua chúng ta đã đưa ra nhiều chính sách thực hiện đại đoàn kết dân tộc, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo nhà nước, của đồng bào trong nước với những người Việt Nam đang ở nước ngoài như áp dụng các chính sách mới về visa, hộ chiếu và sắp tới sẽ áp dụng chính sách hai quốc tịch. Điều này cho thấy đồng bào và chính phủ Việt Nam luôn luôn nghĩ đến con em của mình ở nước ngoài và luôn luôn cố gắng làm hết sức mình cho những người con xa Tổ quốc, coi họ là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Chính việc triển khai chính sách đó một cách nghiêm túc, có hiệu quả đã tạo nên một hứng khởi mới trong cộng đồng người Việt. Chúng tôi cho rằng đại bộ phận đồng bào ta ở nước ngoài là hướng về Tổ quốc, họ muốn làm sao để đất nước mình giàu mạnh, dân mình được hạnh phúc và cuộc sống ngày càng tốt đẹp. Họ thấy chính phủ Việt Nam hiện nay đang vì sự lớn mạnh của Tổ quốc, của dân tộc, cho nên họ ủng hộ chủ trương, chính sách của Chính phủ. Họ càng ngày càng có những đóng góp quan trọng về tri thức, vật chất và tài chính đối với Tổ quốc. Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp của doanh nhân và trí thức người Việt tại Hoa Kỳ đối với đất nước. Họ là nguồn lực quan trọng. Chúng tôi cho rằng với sự chuyển biến như hiện nay, thì số lượng người Việt tại Hoa Kỳ về nước ngày càng nhiều, số lượng kiều hối gửi cho thân nhân ngày càng nhiều, và có nhiều sự đóng góp hơn nữa của đồng bào ta ở Hoa Kỳ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
PV: Xin chân thành cảm ơn Đại sứ./.