Doanh nghiệp Mỹ phản đối lập cơ chế giám sát hàng dệt may VN
Trong phiên điều trần về kế hoạch thiết lập cơ chế giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam, đông đảo các tập đoàn và doanh nghiệp Mỹ đã phản đối mạnh mẽ kế hoạch trên của Bộ Thương mại Mỹ.
Phiên điều trần diễn ra trong hơn 2 tiếng đồng hồ buổi sáng 24/4 (giờ Mỹ) tại trụ sở Bộ Thương mại Mỹ ở thủ đô Oasinhtơn, với sự tham gia của khoảng 150 người gồm đại diện Bộ Thương mại Mỹ, đại diện của Việt Nam, lãnh đạo và luật sư các tập đoàn doanh nghiệp, các tập đoàn bán lẻ Mỹ.
10 trong tổng số 12 ý kiến được đưa ra đã không đồng tình với cơ chế này.
Phát biểu tại cuộc điều trần, ông Nguyễn Duy Khiên, Trưởng Văn phòng đại diện của Bộ Thương mại Việt Nam tại Mỹ, đại diện cho Chính phủ Việt Nam, khẳng định chương trình của Bộ Thương mại Mỹ là một hành động mang tính phân biệt đối xử, đi ngược lại nguyên tắc quan trọng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), vi phạm Hiệp định của WTO về chống bán phá giá. Ông Khiên nhấn mạnh đây là một hành động có hại cho cả Việt Nam và các công ty nhập khẩu của Mỹ.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam Lê Xuân Dương đã đưa ra một loạt dẫn chứng cụ thể về những hậu quả tiêu cực do chủ trương sai lầm này của Mỹ gây ra và mạnh mẽ hối thúc Bộ Thương mại Mỹ nhanh chóng xem xét lại chương trình này để không gây tổn hại thêm cho 2 triệu người lao động trong ngành dệt may Việt Nam.
Về phía Mỹ, ông Ronald Shulman, Chủ tịch công ty mua bán JCPeney, khẳng định cơ chế này không chỉ tác động tiêu cực tới ngành công nghiệp dệt may Việt Nam mà còn có hại cho các công ty bán lẻ và người tiêu dùng Mỹ.
Bà Stephenie Lester, Phó Chủ tịch phụ trách buôn bán quốc tế của Hiệp hội các nhà lãnh đạo ngành công nghiệp bán lẻ Mỹ (RILA) tuyên bố "RILA mạnh mẽ phản đối quyết định này của Bộ Thương mại Mỹ". RILA là tập đoàn bán lẻ gồm các thành viên lớn như Wal-Mart, Target, Nike và GapInc., có tổng cộng hơn 100.000 cửa hàng, cơ sở sản xuất và trung tâm phân phối trên khắp thế giới với doanh số hàng năm hơn 1.500 tỷ USD. Theo RILA, đây là một hành động không thích hợp, sử dụng sai các nguồn lực của chính phủ Mỹ vào việc giám sát cả những sản phẩm mà không một nhà sản xuất nội địa nào của Mỹ làm ra. Bà Lester hối thúc Bộ Thương mại Mỹ cân nhắc kỹ những hậu quả nghiêm trọng của quyết định này.
Đại diện cho liên minh các công ty sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm dệt may vào Việt Nam và từ Việt Nam (VPEG), ông Thomas Vakerics, cảnh báo rằng chương trình giám sát hàng dệt may nhập khẩu từ Việt Nam đã và đang gây ra một tình trạng không chắc chắn trong mối quan hệ buôn bán giữa Mỹ với Việt Nam.
Ngoài ra, các đại diện của tập đoàn công ăn việc làm toàn cầu Hampshire Group, tập đoàn dệt may quốc tế, Liên đoàn bán lẻ toàn quốc và Hiệp hội các nhà nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ cũng đồng thanh lên tiếng phản đối và đề nghị Bộ Thương mại Mỹ xem xét lại quyết định sai trái này.
Luật sư Matthew Nicely, đại diện cho Hiệp hội Thương mại Quốc tế Hàn Quốc (KITA), cho rằng cơ chế mà Bộ Thương mại Mỹ định áp đặt trong cuộc điều trần này chỉ nhận được sự ủng hộ đơn độc của các công ty dệt may nội địa Mỹ, những công ty muốn duy trì chính sách bảo hộ mậu dịch lỗi thời. Ông Nicely khẳng định đây "không chỉ là một chương trình mang tính chất phân biệt đối xử mà còn vi phạm luật lệ WTO". Luật sư Matthew Nicely cho rằng Mỹ là quốc gia lớn tiếng nhất hô hào cho sự minh bạch trong quan hệ buôn bán quốc tế, do vậy "nên tiếp tục truyền thống này" trong quan hệ với Việt Nam.
Tại cuộc điều trần, chỉ có hai tiếng nói lẻ loi đại diện của các công ty dệt may Mỹ là Hiệp hội tất và dệt may Mỹ (AAFA) và Hội đồng toàn quốc các tổ chức Dệt may của Mỹ (NTCO) ủng hộ chủ trương sai trái của Bộ Thương mại Mỹ./.
VNA