Lễ hội Nam Giao 2006 - Cuộc quảng diễn đậm dấu ấn văn hóa
Huế, trong cái nắng gay gắt nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới gần 40 độ C, nhưng từ hai giờ chiều ngày 10-6, hàng nghìn du khách và người dân cố đô đã đổ ra những ngả đường chính chờ đón để cùng tham gia Lễ hội Nam Giao hoành tráng và trang nghiêm, tái hiện đầy đủ ba phần chính lễ hội cung đình xưa.
Khác với lễ năm 2004 chỉ tái hiện lễ rước đoàn ngự đạo hồi cung, Lễ hội Nam Giao 2006 được tái hiện đầy đủ ba phần chính: Lễ xuất cung, Lễ tế và Lễ hồi cung. Đoàn rước gồm 529 diễn viên, năm con voi, sáu con ngựa, 70 lá cờ với chín loại cờ và 15 loại nghi trượng thể hiện đầy đủ sự uy quyền của đoàn ngự đạo.
Sau chín phát đại bác báo hiệu đoàn ngự đạo sắp xuất cung, đoàn ngự đạo với hàng quan binh chỉnh tề lần lượt tiến qua các trục phố lớn, qua cầu Tràng Tiền đến đàn Nam Giao trong sự chào đón của hàng vạn cư dân thành phố và du khách.
Ông Diên Thống, 83 tuổi, người dân phường Thuận Hòa, Huế nói rằng, ngày xưa mỗi lần có đám rước của vua, người dân phải thỉnh hương án ra lề đường, kính cẩn thắp hương, quỳ, khấu đầu xuống đất. Còn bây giờ “vua” được đi trong sự hân hoan đón chào của người dân, đó cũng là cái thú.
Ông Trần Đại Vinh - Phó Ban tư vấn lễ hội cho biết: Ngày xưa lễ tế giao là lễ tế rất quan trọng, nhằm cầu mong thái bình, thịnh trị cho đất nước. Để tái hiện lễ tế giao Festival Huế 2006, Ban tổ chức đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu lễ tế xưa, và trong lễ tế này, ngoài những vật thực dâng cúng như nghé, dê, lợn, ngọc lụa, xôi…, BTC cũng đã cho tái hiện lại những điệu nhạc lễ cung đình với những lễ nghi truyền thống.
Lễ tế giao tạo một bầu không khí thật đặc biệt. Ngay trong chương trình lễ tế (diễn ra trong vòng 60 phút), nhiều diễn viên trong vai quan, binh, “vua”, cùng du khách đều bày tỏ thái độ thành kính trước trời đất, như được sống lại trong không khí lễ tế xưa. Tiếng chuông, trống và cả những lời cầu khấn, dù “diễn” nhưng vẫn đủ sức lay động tâm linh trong mỗi con người. Kết thúc lễ tế, đoàn ngự đạo hồi cung trong sự luyến tiếc của người dân và du khách.
Khi phục dựng lễ hội Nam Giao, Ban tổ chức Festival 2006 xác định đây là một trong ba “điểm nhấn” quan trọng của lễ hội có quy mô, từ chất liệu của lễ Tế Giao trong lịch sử, lễ phục dựng mang tính phô diễn những giá trị thẩm mỹ truyền thống.
Nghi lễ Tế Giao, một lễ hội cung đình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mà trên hết là tinh thần hoà ái với thiên nhiên với ước nguyện mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, lễ hội Nam Giao được phục dựng nhằm tôn vinh vẻ đẹp truyền thống trên cơ sở kế thừa, giàu tính nhân văn.
Theo đánh giá của những người tham gia lễ hội này thì đây thật sự là một cuộc quảng diễn có quy mô, đã phô bày được vẻ đẹp truyền thống của một lễ hội xưa, đậm bản sắc cung đình Huế.
Ban tổ chức Festival kỳ vọng với sự lựa chọn quy mô phù hợp với khả năng và điều kiện thực hiện, nhưng vẫn giữ được những yếu tố chuẩn mực, có tính chất biểu trưng, đây sẽ là bước chuẩn bị để tiến tới đề nghị xây dựng hồ sơ trình UNESCO xét công nhận Lễ hội Nam Giao tại Huế là Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Từ đầu triều Nguyễn, mỗi năm một lần triều đình cho tổ chức lễ tế Nam giao vào tháng hai âm lịch. Từ năm 1890 trở đi, cứ ba năm một lần, lễ tế lại được tổ chức, công việc này được giao cho Bộ Lễ và Bộ Công chịu trách nhiệm tổ chức. Thành phần tham dự có nhiều hoàng thân quốc thích, quan lại, binh lính.
Tám giờ sáng, từ Hoàng thành, nhà vua ngự liễn theo đoàn ngự đạo lên Nam Giao để trai giới. Ngày hôm sau, lễ Tế diễn ra từ hai giờ sáng, vua rời Trai Cung đến đàn làm chủ tế. Nghi thức của lễ tế hết sức phức tạp với hàng trăm nghi tiết khác nhau gắn liền với các nghi tiết của tế lễ như cử Đại nhạc, nhạc Bát âm, mua Bát Dật… tất cả đều gắn với chữ Thành, với ý nghĩa thành công. Nghi lễ kéo dài khoảng ba tiếng đồng hồ.
Sáng hôm sau, các quan làm lễ khánh hạ, lạy mừng vua hoàn tất lễ. Đội hình của đoàn ngự đạo hồi cung. Khi vua về đến Đại Cung bên trong hoàng thành, đội hoả pháo sẽ nổ chín phát súng mừng và lễ chấm dứt. Sử sách vẫn còn ghi rõ lễ tế Nam Giao cuối cùng diễn ra vào ngày 23-3-1945 dưới triều vua Bảo Đại.
Nguồn: Nhân dân