60 Phút Cho Một Chuyến Trở Về
Khoảng hai tháng nay, bộ phim tài liệu Da cam đã được trình chiếu liên tục ở một số trường ĐH Mỹ. Dài 60 phút, bộ phim là kết quả của chuyến trở về quê hương đầu tiên của một chàng trai trẻ người Mỹ gốc Việt...
Trần Uy Vũ |
Da cam đã và đang tiếp tục trình chiếu ở một số trường ĐH (Mỹ). Toàn bộ số tiền thu từ phim được chuyển thẳng vào quĩ của Hội Đà Nẵng Quảng Nam (một tổ chức phi chính phủ của Mỹ do GS Kenneth Hermann lập ra) để giúp đỡ những người nhiễm CĐDC và gây quĩ học bổng cho những em đang đi học. Theo GS Kenneth Hermann, giới trẻ Mỹ phải biết thế nào là CĐDC và hậu quả của nó ở VN... Ảnh trong phim: những SV Mỹ tình nguyện đến với nạn nhân CĐDC
Một ngày kia, lang thang trên Internet, gõ “Viet Nam”, vô tình anh bắt gặp hình ảnh cô bé Phạm Thị Thùy Linh (11 tuổi) - nạn nhân của chất độc da cam (CĐDC), mất cả đôi tay - đang cong lưng dùng bàn chân làm toán, trái tim chàng trai Mỹ gốc Việt như bị một mũi dao cứa vào.
Anh bị sốc! Lần đầu tiên anh mới biết thế nào là nạn nhân CĐDC. Lần đầu tiên anh mới biết thế nào là hậu quả của thứ hóa chất ghê rợn kia. Hàng loạt câu hỏi xuất hiện dồn dập: “Họ đã sống như thế nào? Tương lai họ sẽ ra sao? Phải làm gì để giúp đỡ, chia sẻ cùng đồng bào mình?”...
Vừa tốt nghiệp chuyên ngành điện ảnh, anh quyết định về VN ngay để làm phim. Vùng đất đầu tiên anh đặt chân sau 14 năm xa quê hương (anh sang Mỹ từ năm 11 tuổi) là Quảng Nam - Đà Nẵng - nơi chôn rau cắt rốn và cũng là mảnh đất bị ảnh hưởng CĐDC nặng nề.
Không đủ kinh phí thực hiện bộ phim, anh viết thư gửi thầy cô ở ĐH Minneapolis College of Art nói về dự định của mình. Thầy cô, bạn bè và gia đình sẵn lòng ủng hộ, khích lệ anh (hai người bạn Mỹ của anh viết phần lời và nhạc cho bài hát trong phim Da cam).
Nhưng với một người trẻ xa quê lâu năm muốn làm một bộ phim tài liệu về quê hương không phải đơn giản: “May là từ nhỏ tôi đã thích đọc những cuốn sách về lịch sử, văn hóa VN qua người thân, bạn bè và Internet. Khi về VN, một số tổ chức và nhiều cá nhân đã giúp tôi rất nhiệt tình. Do đó, việc tiếp cận, ứng xử với người VN không quá khó khăn cho tôi”.
Trở ngại lớn nhất là việc tiếp cận những người bị nhiễm CĐDC. Anh kể: “Làm sao để hiểu được tâm lý, suy nghĩ của chính những người bị nhiễm CĐDC? Đừng tưởng họ không biết gì. Biết hết đấy nhưng không nói được thôi. Trong quá trình làm phim, tôi lúc nào cũng lởn vởn ý nghĩ: mình có làm họ tổn thương không khi chĩa chiếc máy quay vào họ?”...
“Ấn tượng nào tác động tới anh nhiều nhất trong thời gian thực hiện bộ phim?”. Đôi mắt anh chợt long lanh đầy xúc cảm. “Khi tôi đến nhà một gia đình chỉ có người mẹ góa và cô con gái bị nhiễm CĐDC, đã 22 tuổi nhưng nhìn như một em bé. Nhà rất nghèo. Tôi hơi vô tâm khi hỏi người mẹ: “Em có nói được không chị?” làm cô gái òa lên khóc. Khóc tức tưởi như bao nhiêu nghẹn ngào và tủi thân bị dồn nén lại, vỡ òa ra. Có lẽ suốt cuộc đời tôi không thể quên được tiếng khóc ấy. Tôi đứng ngây ra một lúc, chết trân và bối rối. Rồi hình ảnh cậu bé có quả tim bị lộ ra ngoài nhìn thấy rõ từng nhịp đập cũng ám ảnh tôi mãi... Tôi không ngờ hậu quả của CĐDC lại khủng khiếp đến thế và cũng không thể tưởng tượng nổi sự đau đớn, cam chịu và mất mát của người dân mình lại quá sức như vậy”.
“Tại sao anh hướng đến đối tượng là người Mỹ?”. “Khi tôi hỏi những người bạn Mỹ về CĐDC, hầu hết đều không biết hoặc biết rất ít. Chính vì thế, tôi mong muốn bộ phim sẽ mang đến cho họ một cái nhìn về chiến tranh ở VN và nếu được, bộ phim sẽ là cầu nối giữa thế hệ người trẻ Mỹ với VN”.
Khởi quay trong tháng 6-2005, hoàn thành vào tháng 3-2006, bộ phim chỉ có một tập dài 60 phút, nhưng đằng đẵng chiều dài và bề sâu của những mảnh đời, những số phận nạn nhân CĐDC.
Mở đầu phim là cảnh làng quê thanh bình, yên ả với con trâu đang thung thăng trên đồng lúa xanh mượt mà... Đằng sau sự yên ả ấy là những cuộc đời dậy sóng, đau thương. Phim có nhiều cảnh quay đẹp, giản dị mà xúc động. Kết thúc là nụ cười rất tươi của những đứa trẻ ít hoặc không bị nhiễm CĐDC.
“Tôi thích nụ cười. Nó xóa đi nỗi buồn và gợi lên sự tươi vui, sức sống, niềm tin. Ngay cả với những con người bất hạnh như họ”. Chàng Việt kiều ấy vẫn giữ cái tên thuần Việt: Trần Uy Vũ.
Vũ vừa trở về VN lần hai với dự kiến rong ruổi trên quốc lộ 1 để tìm hiểu cuộc sống của người dân quê mình...
Nguồn: Tuổi trẻ Online.