Tôn Vinh Những Sứ Giả Lạc Hồng

Tối 5/2, Lễ trao danh hiệu Vinh danh nước Việt lần thứ 2 do Báo Điện tử VietNamNet và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức vừa diễn ra trong không khí linh thiêng, trang trọng tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Dự Lễ vinh danh có đại diện lãnh đạo Quốc hội, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, UBND TP Hà Nội, Đại sứ quán Hoa Kỳ, Đại sứ quán Nga và đặc biệt là 10 trong số 15 gương mặt được bình chọn danh hiệu Vinh danh nước Việt năm 2005.images894483_7.jpg

Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Lê Truyền đã trao tặng biểu tượng Vinh danh nước Việt cho gương mặt Việt kiều đầu tiên đã làm rạng danh nước Việt thông qua lĩnh vực văn hoá nghệ thuật - Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất.

Trước khi diễn ra Lễ vinh danh, nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất đã bày tỏ nguyện vọng: được nói về tình hữu nghị Việt - Nga bởi vì cả cuộc đời ông là để dành cho tình hữu nghị đó. Tâm nguyện của nhạc sĩ đã thành hiện thực ngay khi Lễ vinh danh vừa diễn ra ít phút trong không khí linh thiêng, huyền bí. Run run xúc động, nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất nói: "Trong những năm còn lại của đời mình, tôi sẽ tham gia tích cực phát triển quan hệ Việt - Nga, tăng cường tình hữu nghị truyền thống vốn có giữa hai nước".

Dù không trực tiếp đón nhận danh hiệu tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, song, từ Paris xa xôi, hoạ sĩ Lê Bá Đảng và nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo đều bày tỏ cảm xúc của mình qua ống kính truyền hình. Nếu hoạ sĩ Lê Bá Đảng bộc bạch nỗi lòng "luôn luôn nghĩ đến quê nhà" thì với nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo, người vinh dự được ghi tên vào từ điển Danh nhân thế giới (Le Petit Larousse), tình cảm sâu nặng với quê hương của ông thể hiện qua câu nói: "Người sáng tác phải bám đất quê hương, linh hồn và trái tim phải nằm gọn trong lòng dân tộc" đã làm nhiều người có mặt tại Lễ vinh danh cảm động.

Tại Lễ Vinh danh, chuyên gia Tài chính Bùi Kiến Thành - người được trao danh hiệu Vinh danh nước Việt 2004 cho biết, điều tâm đắc nhất của ông là trong năm 2005, Nhà nước Việt Nam đã phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. images894443_vinhdanh.jpg

Để bà con kiều bào dù ở phương trời nào cũng hướng về dân tộc, đóng góp xây dựng đất nước, ông Bùi Kiến Thành cho rằng, Đảng và Nhà nước đã quan tâm rồi thì nên tạo điều kiện thêm nữa để công nhận người Việt Nam dù bất kể nơi nào cũng là công dân Việt Nam, giống như người Do Thái, dù phiêu bạt 2000 năm qua vẫn luôn luôn giữ nguyên gốc là người Do Thái.

Ngoài 3 Việt kiều hoạt động trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật, còn 6 gương mặt khác thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và 6 Việt kiều là những nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ cũng được vinh danh lần này. Tuy không có điều kiện tề tựu đông đủ, song sự có mặt của 10 người trong số đó cũng đã làm nên thành công của buổi Lễ.

"Tôi có thể quên ngôi nhà nơi cha mẹ sinh ra tôi, có thể quên ít nhiều ngôn ngữ nhưng không bao giờ quên tình thương có với Việt Nam" - vốn liếng tiếng Việt của TS Lê Phước Hùng còn khiêm tốn vì so với 26 năm định cư tại Mỹ, anh mới chỉ sống tại Việt Nam 10 năm đầu đời, song qua những lời tâm sự chân thành của anh, những người có mặt đều có thể cảm nhận được tình yêu quê hương luôn cháy bỏng trong chàng trai trẻ sớm thành đạt này.

TS Lê Phước Hùng bộc bạch dự định: Tương lai sẽ cố gắng sắp xếp để đưa sinh viên Việt Nam sang một số trường ở New York và các bang khác ở Mỹ để học tập, nghiên cứu.

Cảm động vì lòng bao dung của người mẹ hiền - tổ quốc

Trong những phút giao lưu ngắn ngủi, doanh nhân Phan Thành (VK Canada), Chủ tịch HĐQT Hiệp hội doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh xúc động cám ơn VietNamNet đã tổ chức chương trình Vinh danh nước Việt.

"Chương trình Vinh danh nước Việt là sự động viên, khích lệ gián tiếp đối với kiều bào, điều đó quan trọng hơn là chính sách và lời kêu gọi. Hy vọng sẽ có nhiều cuộc vinh danh như thế này đối với bà con kiều bào trong thời gian tới" - ông Thành nói.

Khi được hỏi về những nhận xét của mình đối với môi trường đầu tư ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, ông Thành cho rằng, dù ở đâu thì điều quan trọng nhất vẫn là chính sách rõ ràng của Nhà nước.

"Chính sách Nhà nước cần rõ ràng, thông thoáng; luật pháp ngày càng mở - đó chính là môi trường thuận lợi để kêu gọi bà con kiều bào trở về đóng góp, chung tay xây dựng đất nước" - ông Thành đề nghị.

Và đây là những bộc bạch của TS Nguyễn Trí Dũng (VK Nhật), Giám đốc Công ty NICD - Minh Trân khi ông nói về ý tưởng thành lập CLB Khoa học Việt kiều của mình.

"30 năm trước đặt chân về Việt Nam, tôi nhìn thấy đầy rẫy những khó khăn nhưng vẫn quyết tâm về Việt Nam vì tự hào với truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Và hôm nay, sau 30 năm, nhờ chính sách thông thoáng của Đảng và Nhà nước, từ nông thôn đến thành thị, bộ mặt đất nước đã hoàn toàn đổi khác, đặc biệt là trong những ngày gần đây.

Tôi cho rằng, sức đóng góp của các nhà khoa học kiều bào ở nước ngoài và trong nước sẽ tạo nên giấc mơ của Việt Nam trong hiện tại và tương lai. Chúng ta có quyền mơ một tương lai chắc chắn sẽ đến với đất nước ta" - TS Dũng nói.

TS Nguyễn Quý Đạo, Việt kiều Pháp xúc động tiếp lời: "Tôi cảm động vì tổ quốc đánh giá rất cao những nhà khoa học trong nước và nước ngoài với tất cả lòng bao dung của người mẹ hiền".

Vinh danh nước Việt là hoạt động thiết thực để cụ thể hoá Nghị quyết 36

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ông Lê Truyền đã nhận xét như vậy tại Lễ trao danh hiệu Vinh danh nước Việt, được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam.

"Chương trình Vinh danh nước Việt là cách động viên, hướng dẫn, nêu gương để người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho tổ quốc. Việc làm này tôi coi là hoạt động thiết thực để cụ thể hoá Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị" - ông Lê Truyền khẳng định.

"Chương trình Vinh danh nước Việt là cách động viên, hướng dẫn, nêu gương để người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho tổ quốc. Việc làm này tôi coi là hoạt động thiết thực để cụ thể hoá Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị" - ông Lê Truyền khẳng định.

Thay cho lời kết, Tổng Biên tập Báo Điện tử VietNamNet, anh Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ mong muốn: "Thông qua chương trình Vinh danh nước Việt, Báo Điện tử VietNamNet mong 80 triệu người Việt Nam ở trong nước cùng hơn 3 triệu kiều bào ở nước ngoài cùng chung ý chí, nhịp đập, chung sức chung lòng phát triển đất nước để Việt Nam có thể sánh vai với các cường quốc 5 châu như sinh thời, Bác Hồ của chúng ta hằng mong muốn".

Với chủ đề “Những Sứ giả Lạc Hồng”, chương trình đã được Đài truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 và được VietNamNet tiếp sóng trực tiếp trên Internet để phục đông đảo khán giả trong nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài.

Đây là lần thứ 2, Báo điện tử VietNamNet trao tặng danh hiệu Vinh Danh Nước Việt. Chương trình “Vinh Danh Nước Việt 2004” với chủ đề “Mùa chim về tổ“ có 19 gương mặt được vinh danh.

Với chủ đề “Những Sứ giả Lạc Hồng”, việc trao tặng “Danh hiệu Vinh danh nước Việt” năm nay nhằm tôn vinh những Việt Kiều là cầu nối hữu hiệu giữa trong và ngoài nước. Qua hình ảnh và hoạt động của họ ở nước sở tại, cộng đồng quốc tế sẽ hiểu hơn về con người và đất nước Việt Nam; đồng thời qua nhiệt huyết và hành động của họ tại quê nhà, thì những thay đổi và thiện chí Nhà nước Việt Nam sẽ được kiều bào và quốc tế ghi nhận.

Công việc bình chọn được Hội đồng tuyển chọn (gồm Ban biên tập Báo điện tử VietnamNet, Hội đồng cố vấn và đại diện một số cơ quan, ban ngành) xem xét dựa trên các tiêu chí: có nhiều thành tích trong nghiên cứu khoa học, hoạt động kinh doanh, hoạt động văn hoá nghệ thuật..., đồng thời có những đóng góp thiết thực đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng như với đất nước trong thời gian vừa.

Việc bình chọn này được duy trì hàng năm và đến nay đã được rất nhiều kiều bào hưởng ứng và nhiều tổ chức liên quan, đồng bào trong nước tán thành, ủng hộ. Trong một năm qua, đa số Việt Kiều được vinh danh lần thứ nhất cũng đã có nhiều hoạt động tích cực để củng cố danh hiệu của mình.

Nguồn: VietNamNet

Lương Bích Ngọc - Nguyệt Minh - Đông Quân
Ảnh: Lê Anh Dũng - Phạm Hải

05/02/2006