Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt: "Ðại đoàn kết dân tộc - cội nguồn sức mạnh của chúng ta"

Nhân Dân, Cập nhật 11:07 ngày 29-08-2005

VVKiet.jpgNhân kỷ niệm 60 năm ngày Quốc khánh, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt có bài viết khẳng định đại đoàn kết dân tộc là cội nguồn sức mạnh của đất nước. Theo ông, bài học này đã được minh chứng hùng hồn qua cuộc Cách mạng Tháng Tám, và giờ đây đại đoàn kết dân tộc sẽ là sức mạnh giúp dân tộc ta vượt qua các thử thách, mang lại sức sống, niềm tin, niềm vui, nghĩa tình và hạnh phúc.

Mấy hôm nay, thủ đô Hà Nội đang chuẩn bị lễ kỷ niệm 60 năm Quốc khánh. Ði qua Quảng trường Ba Ðình lịch sử, tôi thấy anh em đang dựng một khẩu hiệu rất lớn: "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Với hơn 60 năm tham gia chiến đấu và xây dựng, tôi không nhìn khẩu hiệu đó như một vật trang trí bằng gỗ, bằng giấy, bằng vải... Tôi bồi hồi xúc động với nhận thức rằng nó là một tư tưởng lớn của Bác Hồ, một đạo lý lớn của dân tộc. Từ 60 năm trước, nó đã thể hiện ở chính nơi đây, nó vẫn thấm trong tim của Người đã yên nghỉ trong Lăng kia.

Nhân những ngày này, ngẫm lại, tôi càng thấy thấm thía tư tưởng lớn đó của Bác: Ðoàn kết là bản năng của nhiều loài sinh vật (đàn chim, bầy kiến, bầy ong,...). Ở loài người, bản năng đó đã phát triển thành một nhu cầu có ý thức. Tùy nơi, tùy lúc, ý thức đó có thể đậm hay nhạt. Mà nghiệm trong lịch sử Việt Nam và lịch sử các dân tộc trên thế giới, thấy sự đậm nhạt này có quan hệ mật thiết với sức mạnh của quốc gia, với sự hưng thịnh của các nền văn minh.

Trong tác phẩm "Nên học sử ta", viết vào đầu năm 1942, Bác đã viết: "Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào nhân dân ta đoàn kết muôn người như một thì đất nước ta độc lập tự do. Trái lại, lúc nào nhân dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn. Vậy nay ta phải biết đoàn kết, đoàn kết mau, đoàn kết chắc chắn thêm lên mãi..."(1)

Ngay từ năm 1941, trong bài "Kính cáo đồng bào", Bác viết: "Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật, ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết... Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy. Chúng ta phải đoàn kết lại... Cứu quốc là việc chung. Ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm...".(2)

Cách mạng Tháng Tám là một kết quả rực rỡ của tư tưởng đó.

Không chỉ có sĩ, nông, công, thương, binh, mà cả vua quan triều Nguyễn cũng ngả theo cách mạng. Nhờ đó, kẻ xâm lược mất đi chỗ dựa ban đầu. Kẻ thù trong nước bị tê liệt. Còn những người có tâm huyết với nước với dân thì được thu phục và tận tụy đến cùng với cách mạng và kháng chiến.

Ðoàn kết đồng thời có nghĩa là phải khoan dung. Chính phủ Hồ Chí Minh chủ trương xóa bỏ mọi hận thù và chia rẽ do chế độ cũ để lại, sẵn sàng thu dụng những người có tài, có năng lực, có tâm huyết, mà không kể đến quá khứ. Bác đã tuyên bố: "Chính phủ không để tâm moi ra những tội cũ để đem ra làm án mới làm gì".(3)

Ở Bác, đại đoàn kết không chỉ đóng khung trong phạm vi quốc gia, mà được thể hiện cả trên phạm vi quốc tế. Ngay từ trước cách mạng, Bác đã ra sức tìm kiếm những quan hệ với bất cứ nước nào có thể đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó, tư tưởng này không phải lúc nào cũng đem lại kết quả như ý, nhưng ít nhất thì tấm lòng chân thành của Bác cũng đã có sức mạnh kiềm chế kẻ thù, giảm thiểu được khả năng đối đầu, trì hoãn những xung đột bất lợi, bảo vệ những thành quả đầu tiên của cách mạng...

Ðến Ðại hội Ðảng lần thứ II đầu năm 1951, vấn đề đại đoàn kết được đặt ra và nhìn nhận trong những hoàn cảnh khác. Ðã có không ít ý kiến xung quanh vấn đề này. Bác kết luận: "Chính vì Ðảng Lao Ðộng Việt Nam là Ðảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là của dân tộc Việt Nam". Lời giải thích đó của Bác đã có sức thuyết phục mạnh mẽ trong Ðại hội Ðảng.

VỀ phần mình, trải qua bao năm tháng suốt từ trước Cách mạng Tháng Tám đến ngày nay, từ những phút gian nguy giữa sống và chết, đến những ngày chia ngọt sẻ bùi từng thắng lợi, tôi đã bao lần được đồng bào che chở cưu mang, đã chứng kiến bao tấm gương hy sinh của những người thuộc mọi tầng lớp và lứa tuổi... Tôi càng thấm thía những bài học lớn đó của Hồ Chí Minh.

Tiếc rằng, một số năm sau đó, tư tưởng đại đoàn kết đã bị coi nhẹ, quan điểm giai cấp đã được vận dụng một cách máy móc, một chiều.

Trong các chiến dịch cải cách ruộng đất và cải tạo công thương nghiệp, nhiều nhân sĩ yêu nước, nhiều nhà kinh doanh có công với cách mạng đã bị đối xử không còn như bạn bè, gây những tổn thất lớn về chính trị và kinh tế.

Tư tưởng thành phần chủ nghĩa đã dẫn tới hai kết quả: Làm mất đi nhiều tài năng của một bộ phận đáng kể trong dân tộc, đồng thời đưa một cách gượng ép những nhân tố tuy rất cơ bản về chính trị nhưng lại không đủ chất lượng trong quản lý và xây dựng.

Bước vào sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tư tưởng đại đoàn kết của Bác lại một lần nữa bừng lên như một sức mạnh vĩ đại của cả dân tộc. Nhiều thành phần khác nhau trong xã hội miền nam, kể cả các nhân sĩ, các nhà tư sản, thậm chí cả những sĩ quan cao cấp trong quân đội chính quyền Sài Gòn cũng đã hình thành nhiều tổ chức, nhiều khuynh hướng khác nhau chống lại chế độ độc tài tay sai của Mỹ (Ngô Ðình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu). Có một số là thành viên bí mật của Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam và Mặt trận Sài Gòn - Gia Ðịnh. Do đó, chính quyền tay sai đã bị cô lập càng bị cô lập hơn, đã suy yếu càng suy yếu hơn. Lực lượng cách mạng đã lớn mạnh càng lớn mạnh hơn.

Trong thời gian này, tôi có may mắn được sống và chiến đấu cùng đồng bào các giới trong lòng Sài Gòn - Gia Ðịnh, sau đó hơn 15 năm tiếp theo tại miền Tây Nam Bộ. Sài Gòn là thành phố lớn, có đủ mọi tầng lớp dân cư đô thị khác nhau. Còn Tây Nam Bộ suốt kháng chiến chống Pháp và nhiều năm kháng chiến chống Mỹ là một vùng có những nhà địa chủ giàu có nhất nước ta, những nhà trí thức từng du học ở Pháp, những quan chức cao cấp của chính quyền đương thời, những nhà tu hành và tín đồ của nhiều tôn giáo, những người thuộc những dân tộc khác nhau, như Khmer, Chăm, Hoa... Nhưng, ở cả hai địa bàn ấy, chúng tôi vẫn tồn tại và hoạt động được là nhờ được sống giữa lòng dân, thuộc đủ các tầng lớp xã hội. Bài học về sức mạnh dân tộc càng thấm sâu trong máu thịt tôi.

Trên lĩnh vực quốc tế, tinh thần đoàn kết cũng đã đạt được nhiều kết quả thật ngoạn mục. Phong trào phản chiến ở Mỹ, ở Pháp và phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới, đã làm cho kẻ thù xâm lược Việt Nam càng ngày càng bị cô lập. Trong các nước xã hội chủ nghĩa, tư tưởng đoàn kết quốc tế của Bác Hồ đã làm cho những người bạn lớn của chúng ta dù còn mếch lòng với nhau nhưng vẫn luôn luôn nhất trí ủng hộ sự nghiệp kháng chiến của chúng ta.

Sau khi miền nam được hoàn toàn giải phóng, rất nhiều vận hội đã mở ra cho cả nước:

- Ðất nước đã được hòa bình, thống nhất. Giang sơn đã thu về một mối. Lòng người cũng quy về một mối.

- Toàn dân, vui mừng được yên ổn làm ăn, kiến tạo lại đất nước, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển chung của cả dân tộc.

- Một đội ngũ đông đảo công thương gia và trí thức miền nam, có những khả năng và kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực khác nhau, là một vốn quý, có thể đóng góp vào việc xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, giàu mạnh.

- Hầu hết quân đội, sĩ quan và những viên chức trong chính quyền cũ cũng đều mong mỏi được sống trong hòa bình, hòa hợp, có cơ hội làm lại một cuộc sống yên ổn.

- Trên bình diện quốc tế, cả những nước đã từng đem quân tham gia vào cuộc chiến ở Việt Nam cũng thấy cần xóa đi những ám ảnh của quá khứ và bày tỏ thiện chí với Việt Nam. Kể cả trong chính quyền Mỹ cũng thấy có những dấu hiệu muốn sớm đi tới bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, như một cách để làm dịu vết thương nhức nhối của cuộc chiến...

Rất tiếc là ý thức đoàn kết dân tộc lại một lần nữa bị phần nào xao nhãng bởi bệnh chủ quan và say sưa vì chiến thắng, bởi những cách nhìn hẹp hòi, biệt phái, bởi chuyện phân biệt thắng - thua, bởi những kỳ thị ta - ngụy...

Tiếp đó, cuộc cải tạo công thương nghiệp tư nhân ở miền nam và việc hợp tác hóa nông nghiệp một cách rập khuôn, mà sau này Ðại hội Ðảng lần thứ VI đã rút kinh nghiệm, là vừa đụng chạm tới cả những người đã từng có công đóng góp cho cách mạng, vừa triệt tiêu đi một nguồn lực kinh tế rất quan trọng.

Kinh tế khó khăn, đời sống bế tắc, cộng với những phương thức quản lý xã hội quá cứng nhắc và tình trạng kỳ thị thành phần... đã làm cho cả một số người yêu nước, muốn đóng góp cho đất nước cũng đành dứt áo ra đi.

Những tổn thất kể trên ít nhiều đã trực tiếp liên quan đến nhiệm vụ của tôi, một người lãnh đạo thành phố mang tên Bác. Tôi đã chứng kiến nhiều nhà trí thức, nhà công thương trước khi rời quê hương vẫn trăn trở cân nhắc, rồi cũng phải "liều mình nhắm mắt đưa chân". Mặc dầu trong phạm vi khả năng và quyền hạn của mình, Thành ủy chúng tôi cũng đã chân tình giúp đỡ và động viên nhiều anh chị em, nhưng tôi vẫn thấy lúc bấy giờ Thành ủy vẫn có nhiều bất lực và có phần trách nhiệm về tình hình đó.

Trên bình diện quốc tế, một số chủ trương cứng rắn quá mức cần thiết đã làm cho Việt Nam lâm vào tình cảnh thêm thù bớt bạn, mà thực ra không phải là hoàn toàn không tránh được.

Kết quả là Việt Nam bỏ lỡ rất nhiều vận hội. Tiếp đó là những năm tháng đầy khó khăn, với những khủng hoảng kéo dài. Ðó chính là một bài học lớn của lịch sử.

Từ ngày Ðảng ta có chủ trương đổi mới, tư tưởng hòa hợp dân tộc lại được phục hưng và ứng nghiệm với nhiều kết quả khả quan. Quan điểm kinh tế nhiều thành phần, quan điểm kinh tế mở, tư tưởng Việt Nam là bạn với tất cả các nước trên thế giới, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai... đã giúp cho nước ta khai thác được cả nội lực và ngoại lực để vượt khỏi khủng hoảng, liên tiếp thu được những thành quả về mọi mặt.

Từ khi làm nhiệm vụ quản lý ở địa phương cũng như ở tầm quốc gia, tôi đã có dịp tìm hiểu nhiều nước và tiếp xúc với nhiều chính khách lớn trên thế giới. Qua đó, tôi kiểm nghiệm lại nhiều điều và rút ra một bài học: thời bình cũng không khác trong thời chiến về một chân lý muôn thuở: quốc gia nào khắc phục được những mâu thuẫn nội tại để cùng tìm thấy niềm tự hào chung, lợi ích chung thì có thể tạo ra sức mạnh nội lực và do đó càng có uy tín quốc tế. Kể cả những nước nhỏ, nếu có những yếu tố đó thì cũng vẫn tạo ra thế mạnh. Ngược lại, nơi nào mà dân tộc chia rẽ, đối địch với nhau, thì dù có tài nguyên quốc gia phong phú, có dân số đông đúc, vẫn không tạo ra sức mạnh, vị thế quốc tế, do đó cũng không thể vững vàng.

Ngày nay, chúng ta đã có một nước Việt Nam độc lập, thống nhất và đang trên đường tiến tới thực hiện lý tưởng dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chúng ta đã từng bước nâng cao uy tín quốc tế. Do đó, chúng ta càng có sức cảm hóa nhiều hơn. Những kinh nghiệm quốc tế vừa qua càng chỉ rõ thêm rằng, nếu chỉ dùng đối đầu và bạo lực để giải quyết những thù hận thì chỉ đẻ ra thù hận. Nếu dùng cách cảm hóa để giải quyết thù hận thì có thể triệt tiêu được thù hận và tạo ra sức mạnh càng ngày càng dồi dào hơn.

Nếu cứ còn chia rẽ do hận vì bại, kiêu vì thắng, thì có ích gì cho bản thân, cho đất nước, cho hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế?

Nhìn ra thế giới, càng nghiệm thấy rằng tài nguyên lớn nhất cho mọi quốc gia chính là tài nguyên con người. Nếu quy tụ được sức người, thì nhiều nguồn lực khác cũng có thể được quy tụ. Con người mà không quy tụ, thì mọi nguồn lực khác cũng rơi rụng.

Trong thế giới ngày nay, nguồn lực hàng đầu là trí thức. Nói như thế không có nghĩa là đề cao những con người trí thức cụ thể, mà nói đến một điều kiện không thể thiếu cho sự phát triển: Trong cuộc đua tranh để phát triển, không thể chỉ dựa vào nhiệt tình và ý chí, mà phải dựa vào kiến thức, học vấn, sự nhận thức các quy luật của thiên nhiên và của xã hội. Theo kinh nghiệm lịch sử của thế giới và bản thân nước ta, nhất là qua những kinh nghiệm của Bác Hồ, thấy rằng, trí thức tận tụy hay không là tùy thuộc vào chúng ta có tin dùng trí thức hay không, có giao cho họ đảm nhiệm những trọng trách mà họ xứng đáng được đảm nhiệm hay không. Ðiều đó không tùy thuộc vào bản thân trí thức, mà vào lãnh đạo có đủ khả năng thu phục nhân tâm và nhân tài hay không. Thu hút được nhân tài cũng là một tài năng.

Ngày nay, nước ta không còn những kẻ xâm lược. Nhưng kẻ thù vẫn còn. Kẻ thù đó là sự nghèo nàn, lạc hậu. Lạc hậu thì sẽ tụt hậu. Tụt hậu thì khó thoát khỏi vòng lệ thuộc. Tất cả những ai có thể góp một phần vào việc chống kẻ thù đó đều nên và có thể có mặt trong hàng ngũ của chúng ta.

Muốn thế, cần ngồi lại với nhau. Bằng thiện chí, bằng tấm lòng chân thật, hãy cùng nhau xem lại một cách sòng phẳng những chỗ hay, chỗ dở, chỗ nào đã khắc phục được rồi, chỗ nào còn phải hoàn thiện tiếp...

Ðến nay, 30 năm rồi, những điểm có thể gặp nhau là rất cơ bản, đó là đất nước Việt Nam, là dân tộc Việt Nam, là phát triển, là phồn vinh, là độc lập, tự do, hạnh phúc.

Những điểm gặp thì đã có. Nhưng người đến gặp thì vẫn chưa được đông đúc lắm.

Nhân kỷ niệm 60 năm Cách mạng Tháng Tám, chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại không khí hào hùng và sôi nổi của những ngày tháng đó. Ngọn lửa tạo nên không khí đó chính là tinh thần yêu nước và đại đoàn kết dân tộc, mà người thắp nên ngọn lửa đó chính là Bác Hồ. Khi đó, tất cả mọi người Việt Nam đều như một. Khi đó, yêu nước là cách tốt nhất để yêu mình.

Ðể ngọn lửa đó còn sáng mãi, chúng ta hãy cùng ôn lại mấy bài học lớn của Bác:

- Ðất nước Việt Nam, giang sơn Việt Nam cùng mọi thành quả của nền văn hóa Việt Nam không phải là của riêng ai, của một giai cấp hay đảng phái nào, mà là tài sản chung của mọi người Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam.

- Ðã thế thì mọi người Việt Nam đều có trách nhiệm và có quyền được đóng góp vào việc tô điểm cho giang sơn đó, làm giàu thêm và đẹp thêm cho nền văn hóa đó.

- Lại vì thế nên phải làm sao để cho mọi người Việt Nam đều được sống với giang sơn gấm vóc này, được hưởng mọi giá trị vật chất và tinh thần của nền văn hóa này.

Nếu thực hiện tốt những tư tưởng đó, với kỷ niệm 60 năm Quốc khánh, tôi hoàn toàn tin tưởng rằng dòng chữ "Ðoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công" trên Quảng trường Ba Ðình sẽ không chỉ là một khẩu hiệu bằng sắt, bằng gỗ, bằng vải mầu..., mà sẽ là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua bao thách thức trước mắt. Từ tinh thần của Ba Ðình ngày ấy, nó sẽ trở lại với dân tộc, nó sẽ đem lại cả sức sống, niềm tin, niềm vui, nghĩa tình và hạnh phúc cho hàng triệu và hàng triệu người Việt Nam chúng ta.

---------------------

1. Báo Việt Nam Ðộc lập ngày 1-2-1942.

2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập III, trang 198.

3. Hồ Chí Minh toàn tập, tập IV, trang 45.