Kiều hối: Nguồn lực "kép" cho nền kinh tế
Để tăng trưởng kinh tế cao thì vốn đầu tư là yếu tố vật chất có tính quyết định. Trong các nguồn lực thì kiều hối là kênh ngoại tệ mạnh cho đất nước mà không có một kênh thu hút nào có thể sánh nổi.
Xuất khẩu thì phải mất chi phí để sản xuất hàng hoá, tốn chi phí để vận chuyển mang ra nước ngoài, lại còn phải chịu thuế nhập khẩu, chịu hạn ngạch, chịu bị kiện bán phá giá của nước ngoài, lại còn chi phí tiếp thị, quảng cáo... Đó là chưa kể còn phải tốn một lượng ngoại tệ không nhỏ, thậm chí còn nhiều hơn (nhập siêu) để nhập nguyên nhiên vật liệu để sản xuất và tiêu dùng.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì vốn là của nhà tư bản nước ngoài, vốn họ thu hồi, lãi họ hưởng, nếu họ không xuất khẩu được thì còn cạnh tranh với hàng hoá cùng loại sản xuất trong nước (tất nhiên ta có lợi nhờ thu được thuế, giải quyết được việc làm, tiếp thu được khoa học- công nghệ, học tập được kinh nghiệm quản lý, nâng cao tay nghề...).
Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cũng rất quý, vừa được vay trong thời gian dài, vừa có lãi suất thấp, lại có thời gian ân hạn tới 10 năm và có một phần (khoảng 10%) là viện trợ không hoàn lại, nhưng việc giải ngân không đơn giản, phần lớn vẫn là vốn vay, đặc biệt nếu sử dụng không hiệu quả thì vay mới sẽ cũng chỉ để trả nợ cũ và không chỉ để lại gánh nặng nợ nần cho con cháu mà ngay từ bây giờ đã phải trả những khoản lãi của những khoản nợ đầu tiên.
Kiều hối còn là một nguồn lực lớn và gần như tăng nhanh, tăng liên tục trong thời gian qua: năm 2004 nhiều gấp 85,7 lần năm 1991, tăng tới 40,8%/năm- một tốc độ tăng gần như không có chỉ tiêu nào đạt được trong thời gian tương ứng. Tổng cộng trong 14 năm qua đã có 15.243 triệu USD, bằng khoảng 59% tổng vốn FDI thực hiện tính từ năm 1988 và lớn hơn cả tổng số vốn ODA được giải ngân từ 1993 đến nay.
Quan trọng hơn, nguồn kiều hối là tình cảm sâu nặng của bà con Việt kiều đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài đối với thân nhân và quê hương, đất nước.
Nguồn kiều hối này cộng với các nguồn ngoại tệ khác thu được từ các kênh khác (xã hội, FDI, ODA, lao động xuất khẩu, du lịch...) đã góp phần cải thiện cán cân tổng thể của nước nhà, mặc dù nhập siêu mấy năm nay khá lớn (năm 1999 mới có 201 triệu USD, năm 2000 là 1.154 triệu, năm 2001 là 1.189 triệu, năm 2002 là 3.039 triệu, năm 2003 là 5.051 triệu, 11 tháng đầu năm 2004 là 4.461 triệu).
Đây cũng là yếu tố góp phần làm cho giá USD trong mấy năm gần đây tương đối ổn định (năm 1991 còn tăng tới 103,1%, năm 1992 giảm 25,8%, năm 1993 tăng 0,3%, năm 1994 tăng 1,7%, năm 1995 giảm 0,6%, năm 1996 tăng 1,2%, năm 1997 tăng 14,2%, năm 1998 tăng 9,6%, năm 1999 tăng 1,1%, năm 2000 tăng 3,4%, năm 2001 tăng 3,8%, năm 2002 tăng 2,1%, năm 2003 tăng 2,2%). Tháng 12/2003 so với tháng 12/1990, tỷ giá tăng 119,1%, bình quân tăng 6,2%/năm, thấp hơn nhiều so với giá tiêu dùng (tăng 229,1% hay bình quân 9,8%/năm trong thời gian tương ứng).
Đạt được quy mô lớn và gia tăng về kiều hối như trên là nhờ chính sách thông thoáng của Đảng và Nhà nước ta trong lĩnh vực này. Trước hết là chính sách tạo điều kiện cho người Việt Nam được đoàn tụ với gia định đang định cư ở nước ngoài nếu được gia đình bảo lãnh, cho Việt kiều về nước thăm thân nhân, thăm quê hương, đất nước (ngoài mục đích du lịch, công việc hoặc mục đích khác, lượng Việt kiều về thăm thân nhân qua các năm có quy mô khá: năm 1996 có 274 nghìn lượt người, năm 1997 có 372 nghìn, năm 1998 có 301 nghìn, năm 1999 có 337 nghìn, năm 2000 có 400 nghìn, năm 2001 có 390 nghìn, năm 2002 có 425 nghìn, năm 2003 có 375 nghìn, 11 tháng năm 2004 có trên 421 nghìn).
Lượng kiều hối gửi về nước hoàn toàn do người gửi lựa chọn hình thức, lựa chọn đơn vị là dịch vụ nhận gửi, không hạn chế số tiền (trừ việc mang theo người nếu vượt quá 3.000 USD phải khai báo để thống kê); người nhận được trực tiếp nhận bằng ngoại tệ, không bị ép buộc phải đổi ra VND- một sự khuyến khích thông thoáng hiếm có so với nhiều nước trên thế giới.
Việc sử dụng lượng kiều hối này cũng hoàn toàn do những người nhận quyết định, trong đó Nhà nước khuyến khích việc dành cho đầu tư. Những đơn vị làm dịch vụ nhận chuyển kiều hối bảo đảm ngày một an toàn, tiện lợi, nhanh chóng, với chi phí ngày một giảm.
Hiện có hơn 2 triệu Việt kiều ở nước ngoài, chủ yếu lại ở các nước có nền kinh tế phát triển, có thu nhập cao và hầu hết bà con các thế hệ vẫn giữ được truyền thống yêu quê hương, đất nước. Vì vậy cần có chính sách để phát triển hơn nữa đất nước, đồng thời làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để các thế hệ Việt kiều trở về thăm quê hương và chuyển tiền về giúp đỡ cho thân nhân, xây dựng quê hương đất nước.
Thời báo Kinh tế Việt Nam, 27/12/2004