Cộng đồng người Việt là sức khỏe của quan hệ Việt - Mỹ
Báo chí Mỹ gọi bà là "Madame Ninh" hay "Bà đại sứ”, sau chuyến đi kéo dài gần một tháng tại Mỹ mà bà Tôn Nữ Thị Ninh - Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội gọi là một cuộc đối thoại không né tránh với mọi tầng lớp của xã hội Mỹ, đặc biệt là với cộng đồng người Việt tại đây. Dưới đây là cuộc trò chuyện thú vị bà dành cho PV Thanh Niên sau khi trở về từ Hoa Kỳ:
* Chuyến đi của bà lần này có gì đặc biệt, thưa bà?
- Đây là một chuyến đi khá đặc biệt so với những lần trước tôi đi Hoa Kỳ, lần này tôi đi qua 8 tiểu bang và 12 thành phố lớn nhỏ trải rộng trên toàn nước Mỹ. Thành phần tiếp xúc của tôi cũng không bó hẹp trong các quan chức, hay các chính khách Hoa Kỳ mà là các trường đại học, các viện nghiên cứu, các quỹ và giới truyền thông Hoa Kỳ. Riêng cộng đồng người Việt tôi đã tiếp xúc với cả ba thế hệ, thế hệ một, thế hệ "một rưỡi" và thế hệ sinh ra trên đất Mỹ.
Tôi đã cố gắng giới thiệu tổng quan chung về Việt Nam, và lắng nghe phía Mỹ cảm nhận, người Mỹ thực sự nhìn Việt Nam như thế nào qua các cuộc nói chuyện tại các đại học nổi tiếng như Harvard, Princeton, Yale, San Diego, Viện Nghiên cứu chiến lược của ĐH Quốc phòng Mỹ, Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ. Tôi muốn tìm hiểu, hướng tới những thành phần có ảnh hưởng đến việc hình thành dư luận - ở đây không phải dư luận của chính giới mà là dư luận xã hội Mỹ.
* Các cuộc tiếp xúc đã diễn ra suôn sẻ?
- Nhìn chung là rất thú vị, tôi xác định đây là một chuyến lắng nghe, cảm nhận, đối thoại thẳng thắn không né tránh bất cứ vấn đề gì và không từ chối gặp bất cứ ai, mặc dù vẫn có người "từ chối" gặp mình, như một cuộc biểu tình nhỏ của người gốc Việt ở San Diego (cười). Tôi có gặp thanh niên Việt kiều, ở các đại học, đặc biệt ở Đông Bắc, nghiên cứu sinh của ta sang học tại Boston; gặp trí thức Việt kiều và đông đảo cộng đồng người Việt.
* Bà nhận xét thế nào về thế hệ trẻ người Việt hiện nay tại Mỹ?
- Thế hệ "một rưỡi" rời Việt Nam khi còn 5-7 tuổi và thế hệ sinh ra trên đất Mỹ bây giờ đang học hành, thành đạt. Họ muốn được tham gia đóng góp cho tương lai của đất nước và tỏ ra rất chủ động. Tôi có gặp một thanh niên trẻ, người vừa đứng ra thành lập Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tập hợp thanh niên bên đó từ nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, họa sĩ. Họ nói là họ muốn tiếp đón các văn nghệ sĩ trong nước sang giao lưu. Tôi rất ấn tượng với một kỹ sư gốc Việt làm việc tại NASA lại thích viết văn, tiểu thuyết, và tỏ ý muốn được xuất bản tại Việt Nam. Anh nói, độc giả tại quê nhà lớn và phong phú hơn nhiều, mong trong nước tạo điều kiện. Rất thú vị khi thế hệ này quan tâm đến tiếng Việt.
Tôi cũng đã có nhiều cuộc tiếp xúc với cộng đồng người Việt ở Mỹ. Trong tiếp xúc, đa số bà con tâm huyết với đất nước tâm sự chân thành rằng, biết rằng sang năm trong nước sẽ kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn nhưng làm sao để không xoáy vào khái niệm kẻ thắng người thua. Họ mạnh dạn đề nghị nên nhấn vào khái niệm 30 năm thống nhất đất nước. Lý do, theo họ là việc nhấn mạnh chuyện kẻ thắng người thua cũng chính là "cung cấp vũ khí đạn dược" cho các nhóm cực đoan tiếp tục chống phá khiến họ tiếp tục mặc cảm; giữ họ trong quá khứ không cho họ hướng về tương lai.
Tôi cũng suy nghĩ nhiều về điều này, chúng ta thử nghĩ mà xem tại sao cựu binh Mỹ - những người bỏ bom trên đầu mình, mà chúng ta vẫn có thể bắt tay nhau, chiêu đãi nhau, cùng nhau làm công tác từ thiện, trong lúc đó đều là người Việt Nam cả mà chúng ta vẫn "chưa thể nhìn mặt nhau trọn vẹn". Mình là thế thượng phong của người chiến thắng, mình cần chủ động, người ta không thể chủ động được do mặc cảm, cũng không thể yêu cầu người ta đi trước, họ đứng ở vị trí không thuận lợi trong tiến trình lịch sử. Nhân dịp 30 năm thống nhất đất nước cần phải quan tâm đưa hòa giải vào chiều sâu. Tôi nghĩ quan hệ Việt - Mỹ năm tới đây sẽ có những bước đi dồn dập vì hội tụ nhiều sự kiện liên quan đến nhau: 10 năm kỷ niệm quan hệ ngoại giao, 30 năm thống nhất đất nước, đàm phán với Mỹ để Việt Nam gia nhập WTO. Tôi cho rằng mối quan hệ này rất có triển vọng và rằng cách thức chúng ta tiếp cận vấn đề cộng đồng người Việt tại Mỹ sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong quan hệ Việt - Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh sang năm kỷ niệm 30 năm ngày thống nhất đất nước. Nó là sức khỏe của mối quan hệ Việt - Mỹ. Khó thể có quan hệ Việt - Mỹ tốt khi mà quan hệ với cộng đồng người Việt tại Mỹ lại chưa tốt.
* Nghe nói bà đã có một cuộc họp báo quốc tế thành công tại Trung tâm Báo chí quốc gia Mỹ?
- Khi đến thủ đô Washington tôi có tổ chức một cuộc họp báo quốc tế, thành phần tham dự rất đa dạng, từ các hãng thông tấn quốc tế, báo chí Mỹ đến báo chí của người Mỹ gốc Việt. Họ hỏi về nhiều đề tài, đặc biệt nhấn mạnh đến dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam và trường hợp thời sự là việc bà Sanchez bị từ chối cấp visa. Có lẽ cuộc họp báo cũng để nhiều ấn tượng cho truyền thông Mỹ, vì quan điểm của tôi là không né tránh và rất thẳng thắn. Kinh nghiệm họp báo cho thấy phải có thuyết minh, câu chuyện cụ thể, không chung chung, theo lối sáo mòn khi đối thoại với một xã hội như xã hội Mỹ. Ví dụ có người chất vấn về việc visa của bà Sanchez, tôi có dịp đưa ra con số so sánh lịch sử quá trình hai nước cấp visa cho nhau thì thấy rằng Mỹ mới là người từ chối cấp visa rất nhiều, chứ không phải Việt Nam, cho họ thấy trường hợp bà Sanchez đây chỉ là trường hợp ngoại lệ đáng tiếc, như sau đó tôi giải thích. Tôi cũng nêu ví dụ có trường hợp Mỹ còn từ chối cấp visa khó hiểu như khi đoàn Việt Nam đi nghiên cứu về thị trường chứng khoán Mỹ, trong đó có Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Cả. Tôi nói không hiểu nước Mỹ sợ gì ông Thứ trưởng Bộ Tài chính đi nghiên cứu về thị trường chứng khoán của họ.
* Điều gì để lại ấn tượng nhất cho bà khi tiếp xúc với người Mỹ?
- Có một bà người Mỹ đứng tuổi, có lẽ còn ảnh hưởng bởi ý thức hệ thấy cái gì thuộc về XHCN thì định kiến, hỏi tôi "ở Việt Nam có tòa án không?". Mặc dù tôi rất bất ngờ nhưng vẫn cười giải thích rằng ở Việt Nam cũng có tòa án ba cấp như ở Mỹ (tối cao, tỉnh thành, quận huyện). Người ta hỏi có hay không có tòa án ở thời đại văn minh ngày nay thì nó chứng tỏ hai điều: một là bà ta kém hiểu biết về Việt Nam đến mức không tưởng tượng được; hai là trên thực tế đây không phải là câu hỏi mà là một định kiến nặng nề của những người nhìn mọi thứ từ Việt Nam qua lăng kính ý thức hệ, cứ là cộng sản là không bình thường, không thể dân chủ, hiện đại, văn minh được. Qua đây cũng để thấy rằng người Mỹ hiểu ít về Việt Nam như thế nào. Sau đó tôi dùng câu chuyện này đi nói chuyện với các nơi khác để thấy rằng Việt Nam đã bị hiểu sai như thế nào.
Khi tôi tiếp xúc ở các trường đại học, các giáo sư Mỹ đều tỏ ý khen ngợi sinh viên Việt Nam thông minh, khả năng tiếp thu nhanh. Họ quan tâm đến việc Chính phủ Việt Nam cởi mở trong việc cho sinh viên đi học ở nước ngoài.
* Có thể người Mỹ ít hiểu biết về chúng ta, nhưng việc hiểu biết người Mỹ của chúng ta như thế nào, thưa bà?
- Mình hiểu biết về Hoa Kỳ còn ít, ở một số nơi tôi có phát biểu như thế này, thời chiến tranh mình nghiên cứu về Mỹ khá lắm, nhưng nghiên cứu theo một cấp độ, nhọn và hẹp, phục vụ nắm đối phương để chiến đấu có hiệu quả. Bây giờ chúng ta đang ở thời kỳ đi vào giao lưu tương tác với thế giới, với Mỹ trong thời bình, thời toàn cầu hóa thì cần phải nghiên cứu Mỹ rộng hơn, đa dạng và sâu hơn nhiều. Ví dụ, xung quanh vấn đề cá tra, ba sa, tôm, chống bán phá giá mà mình đã nghiên cứu sẵn về luật lệ, luật chơi kinh tế của họ từ trước thì mình đỡ bất ngờ, bị sốc như lần đầu.
Chúng ta cũng còn hiểu sơ sài về các viện, quỹ, đặc biệt là các "think tank" (các tổ chức nghiên cứu) đóng vai trò rất quan trọng trong xã hội Mỹ. Đứng đằng sau chính quyền Mỹ là cả một nhóm các "think tank”, cái đó đối với Việt Nam mình nó xa lạ lắm. Không phải mọi chính sách đều được hình thành ở một nơi; có những cái được hình thành ở Nhà Trắng, ở Quốc hội, nhưng có những cái ở các viện như thế. Việc hình thành các trung tâm nghiên cứu Mỹ ở nước ta cũng là nhu cầu cần thiết.
Thanh Niên, 25/12/2004