Tiềm năng dầu khí còn dồi dào
Tiến sĩ Phùng Đình Thực, Giám đốc Công ty thăm dò và khai thác dầu khí- PVEP (thuộc PetroVietnam) vừa vui mừng thông báo, đến hết tháng 9, PVEP đã hoàn thành kế hoạch khai thác của cả năm 2004 là 4,7 triệu tấn dầu và 3 tỷ m3 khí.
Dự kiến, sản lượng khai thác cả năm có thể đạt 8,6 triệu tấn quy đổi (trong đó dầu là 5,6 triệu tấn). Đây là con số thực sự có ý nghĩa, nếu biết rằng sự tăng trưởng vững chắc về sản lượng khai thác kể trên là kết quả của một quá trình bền bỉ tìm kiếm thăm dò (TKTD), gia tăng trữ lượng của các mỏ dầu mới phát hiện, bổ sung kịp thời trữ lượng các mỏ đang bị sụt giảm.
Mỏ nào cũng cho dầu
May mắn đã mỉm cười với Cửu Long JOC, một liên doanh điều hành chung giữa Tổng công ty dầu khí Việt Nam (PetroVietnam), đại diện là PVEP góp 50% vốn (giữ vai trò Tổng giám đốc điều hành) và một tổ hợp các đối tác nước ngoài gồm: CONOCO (UK) Ltd (Anh), KNOC và SK (Hàn Quốc), GEOPETRO (Pháp) góp 50% vốn còn lại. Liên doanh được cấp giấp phép đầu tư từ tháng 10/1998, bắt đầu tiến hành khoan TKTD và thẩm lượng tại cấu tạo Sư Tử Đen từ tháng 8/2000 đến tháng 7/2001. Tại đây, đã phát hiện dầu mỏ với trữ lượng ban đầu rất khả quan. Cuối năm 2001, Cửu Long JOC đánh dấu hai sự kiện quan trọng của mình bằng việc tuyên bố chính thức phát hiện thương mại đầu tiên tại mỏ Sư Tử Đen (ngày 8/8/2001) và mỏ Sư Tử Vàng (ngày 23/10/2001). Chỉ 2 năm sau, ngày 6/11/2003, mỏ Sư Tử Đen bắt đầu được đưa vào khai thác, đạt kỷ lục về tiến độ và trở thành mỏ dầu có trữ lượng lớn thứ 2 của Việt Nam, sau mỏ Bạch Hổ.
"Việc phát hiện và khai thác mỏ Sư Tử Đen đã mang lại nhiều hy vọng vào tiềm năng dầu khí của Việt Nam", ông Thực cho biết. Hiện mỏ này đang khai thác liên tục tại 6 giếng, sản lượng từ khi khai thác đến nay đạt 3,8 triệu tấn, với mức bình quân 50.000 thùng dầu/ngày. Cũng như các cấu tạo dầu khí tại bồn trũng Cửu Long, Sư Tử Đen và Sư Tử Vàng đều phát hiện dầu tại tầng móng và tầng Oligocene cho lưu lượng dòng rất cao. Theo ông Thực, "Ngoài ý nghĩa phát hiện thêm mỏ mới, có giá trị, bổ sung sản lượng khai thác cho các năm sau, thì việc phát hiện dầu có lưu lượng lớn tại khu vực xa trung tâm (vùng rìa) bồn trũng Cửu Long, tại trầm tích clastic với xác suất cao là điều xưa nay chưa từng có. Điều này khác với với những thông tin đánh giá từ trước đến nay là tầng Oligocene của toàn bộ bồn trũng Cửu Long có độ thấm kém, khả năng cho dòng không đáng kể".
Năm 2004 có vẻ là năm gặt hái nhiều thành công của PVEP trong nỗ lực gia tăng sản lượng khai thác. Ngoài Sư Tử Đen, hai mỏ Rạng Đông và Ruby cũng đang tiến hành đầu tư thêm các thiết bị khai thác với mục đích tăng hệ số thu hồi dầu, khí. Mỏ Rạng Đông thuộc lô 15-2 do nhà thầu JVPC (Nhật) điều hành (PV nắm giữ 17,5% cổ phần) đang ở sản lượng đỉnh, với mức khai thác ổn định từ 50.000-55.000 thùng dầu/ngày. Mỏ Ruby lô 01-02 do nhà thầu Petronas Carigali điều hành (PV chỉ có 15% cổ phần) đang xây dựng và dự kiến cuối năm đưa vào hoạt động giàn Ruby-B nâng mức khai thác lên khoảng 15.000-20.000 thùng/ngày. Đáng chú ý, sau một thời gian sửa chữa, giàn Đại Hùng (được chuyển giao từ LDDK Vietsovpetro sang PVEP điều hành) chuẩn bị khai thác trở lại vào cuối năm nay, dự kiến vẫn đem lại hiệu quả kinh tế. PVEP cho biết, sẽ đưa thêm 5 giếng mới vào khai thác, với mức sản lượng mỗi giếng từ 4.000-7.000 thùng dầu/ngày (tương đương từ 500-1.000 tấn dầu/ngày).
Khởi sắc nhiều phát hiện mới
Tiếp sau thành công của Cửu Long JOC, một số liên doanh dầu khí cũng công bố những phát hiện khả quan. Mới đây, Công ty liên doanh điều hành chung Lam Sơn (Lam Sơn JOC) đã tiến hành khoan thành công giếng thăm dò đầu tiên tại cấu tạo Thăng Long, lô 02/97 ở độ sâu 2.817m, thềm lục địa phía nam. Nhiều dấu hiệu dầu khí tốt được phát hiện trong suốt phần lát cắt từ 1.800m tới đáy giếng, thuộc cả 3 đối tượng thăm dò chính của bể Cửu Long (cát kết Miocen hạ, cát kết Oligcen hạ và móng granit nứt nẻ), mở ra tiềm năng mới về dầu khí cho các lô đang thăm dò thuộc phần đông bắc bể Cửu Long.
Trước đó, 2 JOC khác là Hoàn Vũ và Trường Sơn cũng đã công bố những phát hiện thương mại ban đầu. Sau khi tiến hành khoan 2 giếng thẩm lượng tại cấu tạo Cá Ngừ Vàng (lô 09-2), Hoàn Vũ JOC đã phát hiện được dầu nhẹ trong đá móng nứt nẻ với dòng dầu ổn định khoảng 2.606 thùng/ngày và 6,7 triệu bộ khí/ngày. Từ phát hiện này, Hoàn Vũ quyết định sẽ khoan thêm 2 giếng thẩm lượng tiếp theo vào đầu năm 2005 để tiếp tục minh giải rõ hơn các tài liệu địa chấn. Đến nay, liên doanh này đã bỏ ra 48 triệu USD cho cuộc tìm kiếm.
Đối với Trường Sơn JOC, TKTD lô 46-02, đối tác gồm PetroVietnam góp 40% vốn, 2 đối tác nước ngoài là Talisman (Canada) 30% và Petronas Carigali (Malaysia) góp 30%, đi vào hoạt động cuối tháng 12/2002, ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Tổng giám đốc, cho biết Công ty đã chi 20 triệu USD để khoan giếng thăm dò Sông Đốc-1X (lô 46-02). Mặc dù kết quả chưa đạt như mong muốn, nhưng Trường Sơn JOC không có ý định bỏ cuộc. Tại lô này, trước đây nhà thầu Total- Fina đã khoan 11 giếng, trong đó có 6 giếng khoan cho phát hiện thương mại với lưu lượng dầu 3.000 thùng/ngày, đồng thời phát hiện nhiều cấu tạo dầu khí đáng tin cậy như Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi, Khánh Mỹ, Phú Tân, U Minh... Ông Lâm hy vọng với kết quả thẩm lượng giếng SĐ-2X vào đầu năm tới, Trường Sơn sẽ nhanh chóng công bố phát hiện thương mại đầu tiên.
Ngoài các cấu tạo kể trên, PetroVietnam cũng đang triển khai nhiều hoạt động tự lực tìm kiếm, thăm dò như minh giải tài liệu địa chấn, địa vật lý khu vực Kiến Xương, Đông Quan... (Thái Bình), triển khai kế hoạch khảo sát địa chấn 3 chiều khu vực Vịnh Bắc Bộ, các lô 113, 121; thu nổ 10.000km tuyến địa chấn 2D tại bồn trũng Phú Khánh, Tư Chính-Vũng Mây, xác định vị trí giếng khoan tại cấu tạo Vừng Đông (lô 15-2) và 01-02 (phần mở) với mục tiêu xác định tiềm năng, gia tăng trữ lượng dầu khí, đưa nhanh các mỏ đã được phát hiện vào khai thác.
Quỳnh Trang, Thời báo Kinh tế Việt Nam, 27/10/2004