Nhà thờ công giáo ở Việt Nam-kiến trúc và lịch sử

NXB TPHCM phối hợp với Cty phát hành sách TPHCM vừa ấn hành quyển sách "Nhà thờ công giáo ở VN-kiến trúc và lịch sử". Điều đáng quý là, theo KTS Nguyễn Văn Tất, công trình đã "góp phần lưu giữ, bảo tồn các giá trị kiến trúc của hệ thống nhà thờ công giáo, là nguồn tài liệu tham khảo quan trọng và bổ ích cho các KTS".

Sách được in ấn đẹp, dày 316 trang (22cm x 30cm), với nhiều hình ảnh minh họa. Ông Nguyễn Nghị-đại diện cho nhóm tác giả-cho biết: "Chúng tôi đã phải đi trên 10.000km đến các địa chỉ từ Bắc chí Nam để thực hiện công trình". Chỉ ban ngày mới thuận lợi cho việc ghi hình ảnh, nên trong các chuyến đi, nhóm tác giả luôn phải khẩn trương "chạy đua với mặt trời". Một bộ sưu tập bước đầu kết nạp 200 nhà thờ, chiếm chưa tới 1/10 tổng số nhà thờ xứ thuộc 25 giáo phận trên toàn quốc, nên nhóm tác giả vẫn mong muốn "không có lý do gì đây là cuốn sách cuối cùng về nhà thờ công giáo ở VN".Với địa bàn trải rộng, khoảng cách di chuyển xa mất nhiều thời gian, các hình ảnh ghi lại kiến trúc của mỗi nhà thờ in trong sách gồm chủ yếu các góc độ mặt chính diện, cổng, lễ đài, lễ đường, nội thất chứ chưa đủ điều kiện đi vào từng chi tiết kiến trúc hoặc các công cụ hành lễ. Phần dữ liệu cũng rất ngắn gọn, cho biết về địa phương, thời điểm và người khởi xướng xây nhà thờ, các lần trùng tu, kiểu kiến trúc và một số mô tả khác về nội thất. Đơn cử như Nhà thờ Chính tòa Hưng Hóa (thị xã Sơn Tây, Hà Tây): "Điểm nổi bật của nhà thờ Tông là xử lý ánh sáng. Nhà thiết kế đã sử dụng hình thức mái tròn với hàng trăm ô kính, nhìn xa như một tổ ong khổng lồ". Hay như Nhà thờ Chính tòa Thái Bình, trong quá trình tồn tại đã trải qua những thời điểm đáng nhớ: "Vụ không quân Mỹ oanh tạc thị xã Thái Bình, nhất là trong hai ngày 19.8 và 12.10 năm 1967, đã làm nhà thờ hư hại nặng nề" v.v... Một trong những khó khăn của nhóm tác giả khi thực hiện công trình là tại nhiều nhà thờ không còn lưu giữ những tư liệu về kiến trúc và xây dựng. Trong những trường hợp này, nhóm tác giả phải hỏi người dân, tìm nguồn tài liệu từ các giáo xứ, giáo phận, từ các sách báo xuất bản cách đây từ vài chục năm đến cả thế kỷ.

"Nhà thờ công giáo VN-kiến trúc và lịch sử" được ấn hành nối tiếp theo các bộ sách đáng chú ý khác của NXB TPHCM, như: Những ngôi chùa ở TPHCM; Đình Việt Nam; Kinh Thánh (trọn bộ), Từ điển Phật học Huệ Quang... Việc ấn hành những tựa sách trên, theo ông Trần Đình Việt-GĐ NXB TPHCM - "là sự trọng thị và tinh thần cởi mở xây dựng một nền văn hóa đọc cho tất cả mọi người".

LĐ số 300 Ngày 26.10.2004