Nhà khoa học cắm cờ VN ở Nam Cực

TTCN - Đó là một ngày đầu tháng 3-1981, chàng trai Hiền 18 tuổi cùng anh trai vượt biên sang Hong Kong rồi tới Mỹ, nơi anh cả của họ đang du học. Tại Mỹ, ba anh em ở trong một căn phòng mà anh Việt đã thuê từ trước.

Mặc dù vừa chân ướt chân ráo tới Mỹ nhưng Hiền đã đòi anh Việt tìm trường cho đi học. Do phải đợi tới tháng sáu mới có lớp khai giảng nên Hiền không chịu ngồi nhà, tự tìm đến một trường phổ thông gần chỗ ở xin học chỉ với lý do duy nhất là để xem bên Mỹ người ta dạy và học như thế nào.

Tháng 6-1982, Hiền nộp đơn vào Trường đại học danh tiếng Berkeley theo học chuyên ngành vật lý dù anh Việt khuyên: “Đừng học vật lý vì học môn đó thì tối ngày chỉ ở trong viện nghiên cứu thôi”.

Từ Princeton tới Nam Cực và tới NASA

Sau khi tốt nghiệp ĐH Berkeley, Hiền chuyển tới ĐH Princeton làm luận án tiến sĩ. Tại đây, anh có dịp gặp gỡ, quen biết với nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới. Cạnh Trường Princeton là một viện nghiên cứu cấp cao, nơi nhà vật lý Einstein, thần tượng của Hiền, đã từng làm việc. Trong thời gian làm luận án tiến sĩ ở Princeton, Nguyễn Trọng Hiền có dịp đến Nam cực nghiên cứu bức xạ nền của vũ trụ và trở thành nhà khoa học người Việt đầu tiên đặt chân tới Nam cực. Từ Nam cực trở về, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ và trở thành nhà khoa học người Việt đầu tiên nhận bằng tiến sĩ tại ĐH Princeton.

“Chuyến đi Nam cực đáng nhớ nhất trong đời tôi là chuyến đi lần thứ hai, khi tôi đã rời ĐH Princeton tới giảng dạy tại ĐH Chicago”. Để chuẩn bị cho chuyến đi này, anh nhờ người nhà ở VN gửi sang một lá cờ Tổ quốc với ý định mang theo tới Nam cực. Nhưng vì lo sợ anh bị người Việt quá khích ở Mỹ phản đối nên người nhà Hiền đã không gửi cờ VN sang. Mặc dù vậy, Hiền không từ bỏ ý định của mình. Vốn là con một người thợ may, anh tìm vải đỏ và vàng rồi tự may một lá cờ Tổ quốc.

Tại cuộc Gặp gỡ VN 2004 (tại Hà Nội từ 6 đến 11-8), Nguyễn Trọng Hiền là một trong số ít các nhà khoa học VN sống ở nước ngoài có thể trò chuyện với đồng nghiệp VN hoàn toàn bằng tiếng Việt dù anh đã rời quê hương hơn 20 năm. Dáng người nhỏ bé (cao 1,6m), Hiền trẻ hơn tuổi 41 và hiện là một trong 50 nhà khoa học cốt cán của Cơ quan Không gian và vũ trụ Hoa Kỳ (NASA).
Tháng 12-1993, trong hành lý của chàng giảng viên Trường ĐH Chicago mang tới Nam cực có một lá cờ đỏ sao vàng được cất kỹ dưới đáy vali. Khi tới nơi, anh lấy lá cờ Tổ quốc cắm bên cạnh cờ của 13 nước khác trong Hiệp ước Nam cực trước sự ngỡ ngàng và thán phục của những đồng nghiệp cùng chuyến đi.

Trở về sau chuyến đi thứ hai tới Nam cực, Nguyễn Trọng Hiền tiếp tục giảng dạy ở Trường ĐH Chicago cho đến khi một người bạn khuyên anh nên về California làm việc. Lúc đó anh không khỏi băn khoăn vì nếu về California thì chỉ có thể vào làm ở NASA mới thích hợp với khả năng và chuyên ngành mình theo đuổi.

Nhưng rồi nhờ một người quen là nhà khoa học của NASA giới thiệu, không bao lâu sau anh được nhận vào làm tại phòng thí nghiệm hỏa tiễn của NASA mà không phải qua bất kỳ cuộc thi tuyển nào. Dĩ nhiên không phải vô cớ mà Hiền được nhận vào NASA một cách dễ dàng như vậy.

Trước đó, khi còn nghiên cứu sinh ở Princeton và khi giảng dạy ở Chicago, anh đã nổi tiếng trong giới vật lý thiên văn bởi một số công trình nghiên cứu chế tạo kính thiên văn. Trong khi đó, mặc dù là một lĩnh vực không thể thiếu nhưng giới khoa học gia nghiên cứu chế tạo kính thiên văn ở NASA chỉ khoảng 50 người trong tổng số 5.000 chuyên gia đang làm việc. “Lọt vào danh sách khoa học gia của NASA nghĩa là được hưởng những ưu đãi đặc biệt - Nguyễn Trọng Hiền nói với vẻ tự hào - Chúng tôi có thể làm việc bất cứ thời gian nào chúng tôi muốn, hoàn toàn không phải chịu sự kiểm soát của ai. Chỉ như thế mới có những ý tưởng sáng tạo hiệu quả”.

Thật ra, cũng có nhiều người Việt làm việc ở NASA nhưng chủ yếu là kỹ sư. Nguyễn Trọng Hiền là người Việt duy nhất trong nhóm khoa học gia của NASA. Hiện tại công việc chính của anh là nghiên cứu chế tạo kính thiên văn cho các đài thiên văn vũ trụ. Dự án mới nhất anh đang thực hiện là nghiên cứu chế tạo kính thiên văn cho đài thiên văn vũ trụ hợp tác giữa Mỹ và châu Âu, dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2007.

"Nếu biết Einstein giỏi thế, tôi đã không học vật lý"

“Einstein là thần tượng của tôi. Hồi nhỏ, tôi đọc sách thấy ông giỏi vật lý nên coi ông như thần tượng của mình. Sau này, càng học sâu về vật lý tôi càng thấy Einstein quá giỏi. Thú thật, nếu biết Einstein giỏi đến thế, tôi đã không theo học vật lý vì tôi sẽ không bao giờ làm được những gì mà ông đã làm”. Nhà khoa học của NASA cười rất tươi khi nói điều đó.

Đây không phải là lần đầu tiên Hiền tham dự Gặp gỡ VN. Năm 1993, khi cuộc gặp gỡ đầu tiên được tổ chức, anh cũng đã về VN sau chuyến đi Nam cực thứ nhất. Qua những lần về nước sau đó, Hiền quen với một cô gái ở Đà Nẵng và đến năm 2000 thì hai người kết hôn. Hiện tại hai vợ chồng Hiền và một con nhỏ đang sống tại California.

Gặp Hiền ở ngày làm việc cuối cùng của cuộc Gặp gỡ VN 2004, anh thổ lộ: “Sau khi về Mỹ, tôi sẽ tìm cách xin kinh phí của NASA để tạo điều kiện cho các em sinh viên VN được sang đây thực tập trong những kỳ nghỉ hè nhằm giúp các em tích lũy thêm kinh nghiệm. Tôi luôn nghĩ nước mình có tiềm năng khoa học rất cao. Nếu được tạo điều kiện học tập, môi trường làm việc tốt, các bạn trẻ chắc chắn sẽ thành công hơn thế hệ chúng tôi.

Trong tương lai, tôi rất mong muốn được về VN giảng dạy cho các em sinh viên và nghiên cứu khoa học tại nước nhà. Dĩ nhiên, để có thể thực hiện những thí nghiệm như tôi từng làm ở Mỹ thì tôi phải được các tổ chức quốc tế tài trợ kinh phí, phải có sự hợp tác với các nhà khoa học nước ngoài chứ không thể làm độc lập được. Nước mình có thể tạo được những điều kiện đó nhưng chắc sẽ không nhiều. Dù sao, nếu được như vậy thì cũng lý tưởng lắm rồi".

                                                          KHIẾT HƯNG (Tuổi trẻ, 14/8/2004)