Nghị quyết nhân quyền Việt Nam là hành động lạc lõng

 Chiều 20-7, trao đổi với báo giới, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, việc có 45 hạ nghị sĩ bỏ phiếu chống và 65 hạ nghị sĩ bỏ phiếu trắng cho nghị quyết đạo luật nhân quyền Việt Nam (H.R 1587) chứng tỏ xu thế dùng biện pháp trừng phạt để giải quyết các mối quan tâm về nhân quyền không còn được ủng hộ như trước nữa.

* Thưa bà, việc Hạ viện Mỹ thông qua nghị quyết H.R 1587 có ảnh hưởng gì tới quan hệ Việt - Mỹ?

- Bức tranh chung của quan hệ Việt - Mỹ là hai bên đang tiếp tục xây dựng quan hệ đi vào chiều sâu, mở rộng lĩnh vực hợp tác tiến tới xây dựng một khuôn khổ quan hệ ổn định lâu dài.

Đây là xu thế chung không thể cưỡng lại được. Mỹ năm ngoái đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch giao thương xấp xỉ 6 tỷ USD. Trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục, Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) đã đi vào hoạt động đưa hàng trăm sinh viên Việt Nam sang Mỹ học tập.

Tại Washington đang diễn ra cuộc triển lãm tranh đương đại Việt Nam, theo sau cuộc triển lãm về văn hóa Việt Nam tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên ở New York. Hai nước cũng đang hợp tác trong các lĩnh vực chống khủng bố, ma túy.

Hành động của một vài nghị sĩ Mỹ khởi xướng và bảo trợ cho dự luật nhân quyền Việt Nam rõ ràng là những hành động lạc lõng, đi ngược xu thế chung của quan hệ hai nước.

* Năm 2001, dự luật nhân quyền Việt Nam chỉ có một phiếu chống, năm nay con số đó là 45. Điều này nói lên điều gì, thưa bà?

- Vào ngày 14-7, ngày diễn ra cuộc tranh luận về nghị quyết 1587 ở Hạ viện Mỹ, tôi đang ở Mỹ. Theo dõi truyền hình trực tiếp cuộc tranh luận này, tôi được nghe nhiều hạ nghị sĩ thuộc cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa trình bày về những diễn biến tích cực trong quan hệ Việt - Mỹ, về những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ với Mỹ, ví dụ như vấn đề tìm kiếm người Mỹ mất tích.

Hạ nghị sĩ Rob Simmons nêu rõ riêng trong khóa lần này của Hạ viện Mỹ đã có tới ba nghị quyết liên quan tới tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam trong khi có những nước đáng quan tâm hơn về nhân quyền lại không có nghị quyết nào. Hạ nghị sĩ cho rằng đây rõ ràng là một khuynh hướng không công bằng với Việt Nam.

Nhân quyền luôn là vấn đề được ưu tiên tại Mỹ, vì vậy phải là vô cùng dũng cảm mới nói “không” với bất cứ nghị quyết nào về nhân quyền, không chỉ đối với Việt Nam. Việc có 45 hạ nghị sĩ chống nghị quyết và 65 hạ nghị sĩ không bỏ phiếu chứng tỏ xu thế dùng các biện pháp trừng phạt Việt Nam để giải quyết các mối quan tâm về nhân quyền không còn được ủng hộ như trước nữa.

Cùng với tiếng nói của chính những cựu chiến binh Mỹ, những người bạn Mỹ hiểu Việt Nam và nỗ lực của các cơ quan đại diện ngoại giao, chúng ta đã thành công phần nào trong việc làm rõ với các chính khách về tình hình của Việt Nam và thực chất của vấn đề.

* Khả năng thông qua nghị quyết H.R 1587 tại thượng viện như thế nào, thưa bà?

- Các thượng nghị sĩ luôn được coi là những người có “nhãn quan mở cửa ra thế giới”, chú trọng các vấn đề có tính chiến lược, dài hạn. Chúng ta biết rằng năm 2001 dự luật nhân quyền Việt Nam đã không được đưa ra thảo luận ở Thượng viện Mỹ. Tuy nhiên, năm nay là năm bầu cử ở Mỹ, các diễn biến chính trị vô cùng phức tạp vì vậy việc tiên đoán là khó khăn. Có một điều chắc chắn cuộc đấu tranh để ngăn chặn dự luật này sẽ lấy cơ sở là xu thế xây dựng quan hệ ổn định, lâu dài, hợp tác hai bên cùng có lợi giữa Mỹ và Việt Nam.

7 giờ sáng 20-7 (giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu miệng thông qua nghị quyết H.R 1587 nhằm “thúc đẩy tự do và dân chủ tại Việt Nam” với tỷ lệ 323 phiếu đồng ý, 45 phiếu phản đối và 65 nghị sĩ không bỏ phiếu.

Vài giờ sau, Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức ra tuyên bố nêu rõ: “Chính phủ và nhân dân Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ cái gọi là “Dự luật nhân quyền Việt Nam 2004” vừa được thông qua tại Hạ viện Hoa Kỳ. Dự luật này chứa đựng những nội dung xuyên tạc và bóp méo tình hình ở Việt Nam”.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định dự luật nói trên là sự can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, làm tổn thương tình cảm và lòng tự trọng của nhân dân Việt Nam. Việc làm này đi ngược lại xu hướng cải thiện và phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, hoàn toàn trái với lợi ích của nhân dân hai nước.

“Chúng tôi kêu gọi chính phủ, các thượng nghị sĩ, các tổ chức và cá nhân Hoa Kỳ có các biện pháp thích hợp ngăn chặn không để dự luật trên được thông qua tại Thượng viện Hoa Kỳ” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng nhấn mạnh.

Năm 2001, hạ nghị sĩ Mỹ Chris Smith lần đầu đưa ra nghị viện Mỹ khóa 107 nghị quyết dự luật nhân quyền Việt Nam (H.R 2368). Dự luật này được Hạ viện Mỹ thông qua tháng 9-2001 với tỷ lệ 410 phiếu thuận/1 phiếu chống.

Tuy nhiên, dự luật này sau đó đã bị “treo” khi chuyển lên Thượng viện Mỹ. Năm 2003, với “thủ thuật” gắn các điều khoản của phiên bản nghị quyết nhân quyền Việt Nam vào một điều khoản bổ sung của dự luật chuẩn chi ngân sách của Bộ Ngoại giao Mỹ (H.R 1950), điều khoản này cũng đã được Hạ viện Mỹ thông qua tháng 7-2003. Nhưng cũng như lần trước, điều khoản bổ sung này đã chưa được Thượng viện Mỹ xem xét.

Ngày 3-4-2004, hạ nghị sĩ Chris Smith giới thiệu tại Ủy ban Quan hệ quốc tế và Ủy ban Dịch vụ tài chính Việt Nam năm 2001.

Nghị quyết kêu gọi gắn các viện trợ không thuộc lĩnh vực nhân đạo của Chính phủ Mỹ, các chương trình giao lưu văn hóa và giáo dục giữa hai nước với việc thúc đẩy “tự do và dân chủ ở Việt Nam ”. Nghị quyết cũng kêu gọi thúc đẩy truyền bá đài phát thanh RFA chống Việt Nam và yêu cầu ngoại trưởng Mỹ hằng năm phải trình nghị viện cái gọi là “ báo cáo về tình hình dân chủ và tự do ở Việt Nam”.

Một điểm mới trong nghị quyết năm nay là đề cập tới tình hình ở vùng cao nguyên Trung bộ Việt Nam và đưa vào các điều khoản về việc tạo điều kiện cho những người tị nạn Việt Nam định cư ở Mỹ.


 

Theo Tuổi trẻ