Một quyết định không có lợi cho quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ

Nhandan.com.vn, July 8, 2004

Quyết định sai trái của DOC về vụ kiện tôm đã gây nên sự phản đối mạnh mẽ của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, người tiêu dùng và một số tổ chức, cá nhân ở Mỹ.

23 giờ ngày 6-7 (giờ Hà Nội), Vụ Thương mại quốc tế (ITA) thuộc Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã quyết định sơ bộ kết luận các doanh nghiệp Việt Nam "bán phá giá" các sản phẩm tôm vào Hoa Kỳ. Theo đó, "biên độ phá giá" để áp thuế cho các mặt hàng tôm Việt Nam từ 12,1% đến 93,13%. Ðây là một quyết định phi lý, thiếu căn cứ, mang tính áp đặt, làm tổn hại đến lợi ích của cả hai phía Việt Nam và Hoa Kỳ. Phán quyết này đã làm cho hàng triệu người lao động Việt Nam ở hai khu vực đánh bắt, nuôi trồng và chế biến sản phẩm tôm mất công ăn việc làm. Ðồng thời cũng làm thiệt hại cho hàng triệu người tiêu dùng và hàng vạn người lao động Mỹ trong các lĩnh vực liên quan đến sản phẩm tôm.

Quyết định của DOC đã gây nên sự phản đối mạnh mẽ của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam; người tiêu dùng và một số tổ chức, cá nhân ở Mỹ. Ông Wall Stevens, Chủ tịch "Nhóm đặc trách tôm" nước Mỹ khẳng định: Thuế chống "bán phá giá" đối với tôm nhập khẩu từ bất kỳ quốc gia nào, dù với tỷ lệ bao nhiêu đều là vô lý và sai trái... Ông nhấn mạnh, "nhóm đặc trách tôm" do ông làm Chủ tịch sẽ quyết tâm đấu tranh nhằm loại bỏ hoàn toàn loại thuế vô lý này.

Báo "Bưu điện Washington" ngày 7-7, dẫn lời các nhà kinh tế Mỹ cho rằng, luật chống bán phá giá của Mỹ và cung cách Bộ Thương mại Hoa Kỳ thực thi luật này chỉ là "hình thức ngụy trang của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mà thôi". Người phát ngôn sứ quán Việt Nam tại Mỹ tuyên bố với các cơ quan truyền thông Mỹ và nước ngoài đang hoạt động tại Mỹ: Phán quyết của DOC sẽ tác động tiêu cực tới quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Mỹ và không phù hợp với luật buôn bán tự do và công bằng, v.v.

Cái mà DOC gọi là Việt Nam bán phá giá các sản phẩm tôm vào Hoa Kỳ là điều thiếu điều tra thực tiễn, không có căn cứ khoa học. Hàng chục năm nay, trong công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã và đang thực hiện có hiệu quả cơ chế thị trường, phấn đấu để hàng hóa Việt Nam có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, quyết tâm trong năm 2005 gia nhập WTO. Mọi hoạt động kinh tế ở Việt Nam đều phải hạch toán đúng, đủ và có lãi. Hoạt động trong cơ chế thị trường tất cả các doanh nghiệp, người sản xuất trong hai khu vực đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản phải tự bù đắp chi phí sản xuất, tạo ra lợi nhuận ngày càng cao bằng cách tăng năng suất lao động, triệt để thực hành tiết kiệm, đổi mới thiết bị và công nghệ, giữ nghiêm vệ sinh môi trường sinh thái. Chính vì thế, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong nhiều năm liền đạt mức cao, năm 2003 hơn 2,2 tỷ USD; năm 2004 dự kiến: 2,5 tỷ USD.

Ngoài yếu tố quản lý và kỹ thuật, Việt Nam còn được sự ưu đãi của thiên nhiên, khí hậu rất thuận lợi cho việc đánh bắt, môi trường thủy sản; môi trường trong lành không bị ô nhiễm; hệ sinh thái rừng ngập mặn được bảo vệ. Nông dân Việt Nam cần cù lao động, một nắng hai sương, chi phí nhân công thấp; người lao động Việt Nam đang trong thời kỳ "thắt lưng buộc bụng" chưa cần mức hưởng thụ cao, tất cả dồn công, dồn của vào phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh cao. Chẳng ai dại gì mà bao cấp bán rẻ sản phẩm dưới giá thành ra nước ngoài để nuôi "thiên hạ" cả!

DOC đã thiếu khách quan, trung thực trong tính toán giá thành và giá bán sản phẩm thủy sản nói chung và các sản phẩm tôm của Việt Nam vào thị trường Mỹ nói riêng; cố tình phán quyết những điều phi lý, làm hại cho cả một bộ phận người lao động, tiêu dùng Việt Nam và Mỹ. Thực chất như tờ "Bưu điện Washington" ngày 7-7 đã nêu, đây chỉ là hình thức ngụy trang của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mà thôi!

Các doanh nghiệp Việt Nam không bán phá giá tôm vào thị trường Mỹ và bất cứ mức thuế nào áp dụng đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam đều là phi lý. Mong rằng các tổ chức hữu quan, nhân dân, công dân Hoa Kỳ và những ai yêu chuộng tinh thần tự do thương mại và cạnh tranh bình đẳng hãy bảo vệ sự thật và công lý, nhìn nhận vụ việc này một cách công bằng, khách quan và minh bạch.