Hoàn thiện Pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo
Báo Nhân dân, ngày 21 tháng 7 năm 2004
Ngày 18-6-2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 19 khóa XI đã thông qua Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo. Ngày 29-6-2004, Chủ tịch nước đã ký lệnh công bố. Ðây là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh trực tiếp lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo kể từ sau Sắc lệnh 234/SL ngày 14-6-1955 về vấn đề tôn giáo do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ban hành.
Pháp lệnh đã thể chế hóa đường lối, chủ trương chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo của Ðảng và Nhà nước ta, nhằm tạo cơ sở pháp lý bảo đảm cho công dân thực hiện quyền cơ bản về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này. Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ra đời không chỉ làm cho đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta yên tâm, phấn khởi, mà còn là lời tuyên bố với bạn bè năm châu, với quốc tế về tự do tôn giáo ở Việt Nam, qua đó củng cố uy tín của Việt Nam trên quốc tế, đẩy lùi những mưu toan lợi dụng tôn giáo để chống phá Nhà nước ta.
Hơn nửa thế kỷ qua, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước ta về tôn giáo được xây dựng trên cơ sở nhận thức và giải quyết các vấn đề tôn giáo theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ngay từ những ngày đầu thành lập nước, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã vạch ra những chính sách đúng đắn về tôn giáo. Trong sáu vấn đề cấp bách trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ "thực dân và phong kiến thực hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương để thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố "Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết". Trong sáu vấn đề cấp bách trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3-9-1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ "thực dân và phong kiến thực hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương để thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố "Tín ngưỡng tự do và Lương Giáo đoàn kết".
Quan điểm đó của Người tiếp tục được củng cố, phát triển và được thể hiện xuyên suốt qua các Hiến pháp (1946, 1959, 1980, 1992) cũng như các văn bản khác của Ðảng và Nhà nước ta. Nhìn chung các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở nước ta đã và đang diễn ra bình thường tuân thủ pháp luật, đóng góp tích cực trong việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc và công cuộc đổi mới hiện nay.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có điều kiện mở cửa và hội nhập quốc tế, tác động của kinh tế thị trường, vì vậy trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cũng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp: một số người đã lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan, thương mại hóa loại hoạt động này; các hoạt động truyền giáo của các tổ chức truyền giáo từ bên ngoài vào, các phần tử thù địch ở trong nước và ngoài nước lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kích động tín đồ tiến hành hoạt động chống đối nhà nước, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, ảnh hưởng tiêu cực tới trật tự, an toàn xã hội.
Bên cạnh đó, trong công tác quản lý nhà nước, hệ thống bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo chưa được kiện toàn củng cố, lực lượng cán bộ còn nhiều bất cập, công tác tham mưu còn hạn chế, dẫn đến tình trạng một số cấp ủy, chính quyền cơ sở có nơi vừa có biểu hiện khắt khe, lại vừa có biểu hiện buông lỏng; có nơi chủ quan, giản đơn trong quản lý, không kịp thời đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo vi phạm pháp luật. Vì vậy dễ tạo sơ hở cho phần tử xấu lợi dụng vấn đề tôn giáo gắn với vấn đề dân tộc, tuyên truyền tư tưởng dân tộc hẹp hòi, đòi ly khai, gây điểm nóng để bên ngoài lợi dụng, kích động xuyên tạc, vu cáo ta vi phạm nhân quyền và quyền tự do tôn giáo.
Trước tình hình đó, việc ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo là rất cần thiết. Trong quá trình xây dựng Pháp lệnh, các nguyên tắc luôn được tuân thủ là: Tiếp tục quan điểm đổi mới trong công tác tôn giáo theo tinh thần Nghị quyết 24 (1990), Nghị quyết Ðại hội IX của Ðảng và đặc biệt là những nội dung về công tác tôn giáo được xác định trong Nghị quyết 25/NQ ngày 12-3-2003 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa IX. Pháp lệnh được xây dựng dựa trên cơ sở tổng kết sâu rộng quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và các pháp luật khác liên quan lĩnh vực này.
Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo bao gồm 6 chương 41 điều. Ðối tượng điều chỉnh của Pháp lệnh là hai loại hoạt động, đó là: hoạt động tín ngưỡng và hoạt động tôn giáo.
Nhằm thể hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước ta đối với lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ đổi mới, Pháp lệnh đã công bố một cách hệ thống quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Người dân có quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào, được tự do bày tỏ đức tin tôn giáo của mình, được thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt phục vụ lễ nghi tôn giáo, học tập giáo lý, đạo đức tôn giáo, tín đồ đều bình đẳng trước pháp luật, đều được hưởng mọi quyền công dân và có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân. Người dân có quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào, được tự do bày tỏ đức tin tôn giáo của mình, được thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt phục vụ lễ nghi tôn giáo, học tập giáo lý, đạo đức tôn giáo, tín đồ đều bình đẳng trước pháp luật, đều được hưởng mọi quyền công dân và có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân.
Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo, đồng thời phát huy những giá trị văn hóa đạo đức tôn giáo, gìn giữ những giá trị truyền thống của tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước khẳng định việc bảo hộ cơ sở vật chất, tài sản của cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo như chùa, nhà thờ, thánh đường, thánh thất, điện, đền, am, miếu, trụ sở tổ chức tôn giáo, trường tôn giáo, kinh bổn và các đồ dùng thờ cúng của tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước nghiêm cấm việc phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân; lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước, kích động bạo lực để tuyên truyền chiến tranh.
NGÔ YÊN THI
(Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ)