Sẽ rút bớt án tử hình đối với một số loại tội


TT - Hai năm thực hiện cải cách tư pháp theo nghị quyết 08 đã đem lại “sinh khí mới” cho hoạt động của các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng chưa phải đã hết những vướng mắc... Phó trưởng Ban Nội chính trung ương Trần Đại Hưng cho biết.

* Qua hai năm thực hiện công tác cải cách tư pháp, thành công lớn nhất và đáng ghi nhận nhất mà chúng ta đạt được là điều gì, thưa ông?

- Thành công chung nhất và lớn nhất là chúng ta đã nâng cao được nhận thức, khởi động được những hoạt động để tổ chức, cũng như những biện pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của các ngành tư pháp. Đó là thành công bước đầu có thể nói khá quan trọng, đặt nền móng cho các bước tiếp theo, làm cho hoạt động hiệu quả hơn trong từng lĩnh vực, từng khâu...

* Dư luận đánh giá cao những phiên tòa tổ chức theo tinh thần cải cách tư pháp, đề cao việc tranh tụng dân chủ, công khai. Tuy nhiên, còn không ít những phiên tòa mà việc tranh tụng chưa thật sự được coi trọng, trong đó có cả những phiên tòa lớn như vụ Lã Thị Kim Oanh...

- Xét trong tổng thể, chúng ta chưa có nhiều phiên tòa làm tốt theo tinh thần nghị quyết 08 về cải cách tư pháp. Và ngay trong một vụ án cũng có những bước chúng ta làm tốt, có bước lại làm chưa tốt. Như vụ án Lã Thị Kim Oanh, phiên tòa sơ thẩm thực hiện chưa tốt lắm, còn có những vấn đề chưa làm hết, làm rõ trong quá trình tranh tụng, chưa đáp ứng hết yêu cầu mà bị cáo cũng như LS của bị cáo nêu ra. Sang đến phiên tòa phúc thẩm vừa qua, đã có những bước rút kinh nghiệm và thực tế chúng ta tổ chức đã tốt hơn. Những vấn đề tồn tại mà nhà báo vừa nêu cũng là một tất yếu đặt trong một quá trình, chúng ta sẽ khắc phục từng bước và dần dần.

* Cải cách tư pháp coi trọng vai trò, vị trí của luật sư (LS), thế nhưng vẫn còn những trường hợp LS chưa được cơ quan điều tra “tạo điều kiện”. Gần đây nhất, trong vụ án ông Lương Quốc Dũng, LS không được tiếp xúc với bị can và mọi “giao tiếp” đều thông qua cơ quan công an…

- Đúng là hiện nay còn có những vướng mắc, đòi hỏi phải có một sự thống nhất và đòi hỏi từ cả hai phía. Phía LS phải làm sao làm hết phận sự, trách nhiệm của mình, nghiên cứu hồ sơ, nghiên cứu vụ án trên tinh thần bảo vệ công lý. Về phía các cơ quan chức năng ngành tư pháp cũng phải trên tinh thần hợp tác. Có thể có một số trường hợp phối hợp chưa tốt, trong đó nguyên nhân hoặc là từ phía các LS, hoặc từ phía các cơ quan tư pháp. Nếu chưa làm đúng theo tinh thần đó, đây cũng là một thực tế mà chúng ta phải từng bước khắc phục.

* Cuối tuần trước, các đoàn LS đã nhóm họp tại Hà Nội để thảo luận việc ra đời một tổ chức LS ở qui mô toàn quốc, tuy nhiên hiện vẫn còn những vướng mắc...

- Có thể nói ngay việc lập một tổ chức LS không phải do Nhà nước đứng ra. Lập tổ chức LS hay không phải phụ thuộc vào quá trình phát triển của lực lượng này và trên cơ sở tinh thần tự nguyện của những LS. Mặt khác, theo tình hình hiện nay ở nước ta, đội ngũ LS cũng phát triển chưa mạnh. Chúng ta còn thiếu rất nhiều LS. Năng lực, trình độ của nhiều LS chưa đáp ứng yêu cầu. Riêng về mặt tổ chức hoạt động, tuy chưa có tổ chức LS nhưng các LS đều sinh hoạt trong Hội Luật gia VN, là thành viên của hội này, không phải không có điều kiện để sinh hoạt cho các LS.

* Phương hướng cải cách tư pháp sắp tới có đề cập đến việc nghiên cứu sửa đổi một số điều trong Bộ luật hình sự nhằm giảm bớt hình phạt tử hình trong một số tội. Cụ thể việc sửa đổi này sẽ như thế nào, thưa ông?

- Đó là phương hướng đặt ra, còn đi vào cụ thể chúng ta phải nghiên cứu kỹ, xem trong các qui định của Bộ luật hình sự cần phải rút bỏ án tử hình ở những loại tội nào. Việc này còn đang trong quá trình nghiên cứu và đề xuất các biện pháp cụ thể.

* Những loại tội nào dự kiến sẽ được xem xét rút bỏ việc áp dụng án tử hình?

- Chúng ta đã giảm rất nhiều trong lần sửa đổi Bộ luật hình sự. Nhưng xu hướng sẽ còn tiếp tục giảm đối với các loại án không cần thiết phải áp dụng án tử hình.

* Hiện có nhiều ý kiến đặt thẳng vấn đề có nên áp dụng án tử hình đối với tội phạm kinh tế hay không, nhất là khi bị cáo là người đứng đầu của doanh nghiệp. Cá nhân ông nhận định thế nào về việc này?

- Cá nhân tôi cũng đồng tình rằng chúng ta nên cân nhắc, nghiên cứu làm sao để giảm bớt số án tử hình, nhất là đối với các tội phạm liên quan đến án kinh tế. Vấn đề xuất phát ở chỗ không phải biện pháp tử hình cao có thể làm giảm được số hành vi vi phạm và tội phạm, mà cái chính là giáo dục cải tạo. Còn những biện pháp giáo dục cải tạo khác nếu chúng ta làm tốt vẫn có thể hạn chế được tội phạm.

* Một nguyên nhân khiến việc thi hành án dân sự của chúng ta “luẩn quẩn” là bản án tuyên nhưng không có khả năng thi hành hoặc bị cáo không còn tài sản, mà vụ án Lã Thị Kim Oanh vừa qua là một ví dụ. Như vậy phải chăng chúng ta vẫn sẽ tiếp tục “luẩn quẩn”?

- Các bản án vẫn phải tuyên dựa theo các qui định của pháp luật về phần dân sự. Tất nhiên những tồn tại, khó khăn trong thi hành án dân sự hiện nay có rất nhiều nguyên nhân, từ nhiều phía: từ các nguyên đơn, bị đơn, về phía người bị hại, về phía công tác tổ chức thi hành án… Cho nên đây là vấn đề cần phải thể hiện trong thời gian tới, không những về mặt qui phạm mà về cả biện pháp tổ chức thi hành án, phát huy hết trách nhiệm của các cơ quan có chức năng phối hợp trong việc thi hành án.

Báo Tuổi trẻ