Chuyến du lịch Trường Sa đầu tiên
Tour du lịch đầu tiên tới Trường Sa khá hút khách. Các điểm dừng chân của tour du lịch này sẽ là đảo Trường Sa Lớn, Đá Tây và Côn Đảo. Tổng cục Du lịch khẳng định chuyến đi hoàn toàn thuộc khu vực an toàn và không hề có tranh chấp.
Tour du lịch đầu tiên tới đảo Trường Sa dự kiến sẽ khởi hành vào 19-4 đang rất hút khách. Theo ông Dương Xuân Hội - Phó Vụ trưởng Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch Việt Nam, hơn 20 công ty lữ hành chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh mà Vụ phát động đi khảo sát nghiên cứu nhằm hoàn chỉnh tour Trường Sa đều hăng hái tham gia khiến số khách tăng lên đông đảo vượt quá mong đợi dù tàu chỉ chở 100 người.
Phần đông khách là người của các đơn vị lữ hành, Đoàn TNCS TP Hồ Chí Minh, những đối tượng có nhu cầu khám phá nghiên cứu cùng thân nhân của chiến sĩ trên 2 đảo Trường Sa Lớn và Đá Tây. Riêng Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh có tới 40 cán bộ Đoàn tham gia trong đó có Đội văn nghệ. Theo Phó Bí thư Trần Trọng Tuấn, Thành Đoàn rất muốn đây là dịp giúp anh chị em tìm hiểu chủ quyền biển đảo Trường Sa và vẻ đẹp của đất nước trên biển.
Tàu sẽ dừng lại một ngày ở các đảo Trường Sa Lớn, Đá Tây và Côn Đảo. 8 giờ sáng 19-4 tàu khởi hành từ Tân Cảng ra Trường Sa Lớn (hành trình này mất 2 ngày), khách sẽ ngủ đêm cùng chiến sĩ và dân cư trên đảo. Hiện Trường Sa Lớn có cầu cảng và đường băng 600m rất thuận tiện. Bầu trời Trường Sa Lớn sau 22h không tối đen như lệ thường, vì máy phát điện và ánh sáng đèn bật suốt đêm. Lượng nước dự trữ tại điểm dừng chân này đủ cho du khách tắm và giặt bằng máy giặt. Lều bạt, giường xếp... trên hòn đảo "luôn bên anh, luôn bên em" đang chờ đợi những hành khách đặt lưng sau đằng đẵng những hải lý đầy nắng gió. Rời Trường Sa Lớn đến đảo chìm Đá Tây. Trên đảo sẵn nhà 3 tầng như nhà thuỷ tạ, giữa thềm san hô trên đảo có hồ rộng. Loại hình du lịch lặn biển thám hiểm san hô sẽ làm hài lòng những người lãng mạn, vì những vỉa san hô ở Đá Tây rất hiếm có trong khu vực. Điểm dừng chân thứ 3 - Côn Đảo vốn ăn khách lâu nay. Nếu xét về dịch vụ có lẽ Côn Đảo phong phú hơn cả. Trên đường ra Trường Sa Lớn, khoảng 22-23 giờ, tàu dừng và thả neo tại khu vực khai thác dầu khí Bạch Hổ trong vòng 2 tiếng đồng hồ. Ở đây, khách có thể câu cá hoặc tham quan mỏ.
Tất nhiên mọi sinh hoạt chủ yếu diễn ra trên tàu. Chiếc tàu hải quân 2.000 tấn này đang được nâng cấp, có khu vực bảo quản lạnh thực phẩm, phòng giao lưu, căng-tin, phòng ngủ sạch sẽ. Khách ăn 3 bữa cùng các dịch vụ miễn phí trên tàu. Phao cứu hộ đã sẵn sàng cho từng vị khách trong phòng ngủ, thậm chí cả phao dùng cho 10 - 15 người. Bộ phận y tế với cơ số thuốc đầy đủ nhằm phòng chống say sóng, phục vụ tiểu, trung phẫu thuật. Nhà tổ chức tour vừa sắm thêm 4 chiếc xuồng composit nhỏ trị giá 300 triệu đồng/chiếc, sẽ tiện cho khách khi rời tàu. Ngoài ra đội cứu hộ hùng hậu sẽ làm "vệ sĩ" cho các du khách yêu biển, đảo quê hương.
Vừa qua Vụ Lữ hành - Tổng cục Du lịch Việt Nam tiến hành kiểm tra tàu và đánh giá tàu đạt yêu cầu. Tương lai gần, nếu hải trình du lịch Trường Sa được tiếp tục, nhà tổ chức sẽ hoàn thiện và nâng cấp hơn nữa tiện nghi trên tàu cũng như các điểm dừng chân, từ đó tăng giá tour. Còn hiện nay, vé tour 2,8 triệu đồng/người chỉ là mức giá tượng trưng, bởi tính riêng tiền dầu cho con tàu này đã lên đến 1,2 tỷ trong tổng kinh phí 5 tỷ đồng! Phía Tổng cục Du lịch khẳng định: Chuyến đi hoàn toàn thuộc khu vực an toàn và không hề có tranh chấp.
THANH PHƯƠNG
Theo Tiền phong