Bobby Muller chưa thể dừng bước...

...“Sáu cán bộ ngoại giao Việt Nam bỗng đồng loạt đứng dậy, cởi bỏ áo khoác của mình. Họ chỉ cho chúng tôi những vết thương mà họ mang từ cuộc chiến. Tất cả chúng tôi sững sờ... Và mười người chúng tôi ôm nhau khóc...”. Kể từ đó, Bobby Muller - chủ tịch VVAF - bước vào cuộc hành trình không mệt mỏi vì Việt Nam.

Vừa tới Hà Nội buổi sáng 23-2 và mặc mọi người e ngại cho sức khỏe của một “ông già tàn tật”, Bobby Muller - chủ tịch Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) - yêu cầu được tới trò chuyện với sinh viên Việt Nam ngay buổi chiều cùng ngày. Trong vòng hơn một giờ đồng hồ, ông trò chuyện không chút mệt mỏi và hào hứng đón nhận từng câu hỏi của sinh viên như thể đang tâm sự với những người bạn đồng môn.

“Năm 1981, nhiều ý tưởng, nhiều niềm suy tư thôi thúc tôi quay trở lại Việt Nam - Bobby Muller kể - Lúc đó ở nước Mỹ mọi người hoàn toàn im lặng về những gì đã xảy ra tại Việt Nam. Những câu hỏi tưởng như đơn giản “người Việt Nam là ai, vì sao chúng ta lại đến đó, vì sao chúng ta thua trận?” không bao giờ được đề cập và chưa hề được trả lời rõ ràng cho đến tận ngày nay. Tôi đã bay tới London xin gặp đại sứ Việt Nam tại Anh (vì lúc đó hai nước Việt - Mỹ chưa có đại diện ngoại giao), trình bày nguyện vọng được trở lại Việt Nam. Ít lâu sau phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc thông báo cho tôi: xin chúc chuyến thăm Hà Nội của ông thành công tốt đẹp”.

Tháng 12-1981, Bobby Muller dẫn đầu đoàn cựu chiến binh Mỹ bốn người trở lại Việt Nam. Họ trở thành những người cựu chiến binh Mỹ đầu tiên được thăm miền bắc Việt Nam kể từ khi chiến tranh chấm dứt. Chuyến thăm lịch sử này đã làm tốn bao nhiêu giấy mực của báo chí Mỹ thời đó. Và nó in hằn trong tâm trí của Bobby Muller, sâu đậm tới mức ông luôn kể về nó như thể mới chỉ xảy ra ngày hôm qua. “Tôi được tiếp kiến Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Cơ Thạch. Tôi trình bày với ông những mối quan tâm của chúng tôi về vấn đề lính Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA), về vấn đề hậu quả của chất độc hóa học. Bằng vẻ thâm trầm, ngoại trưởng ghi nhận những ý kiến của chúng tôi và yêu cầu tổ chức một cuộc họp chung vào 8 giờ tối. Phía Việt Nam gồm sáu đại diện của Bộ Ngoại giao, chúng tôi có mặt đầy đủ cả bốn người. Khi chúng tôi nói về những hậu quả nặng nề của cuộc chiến mà các cựu binh Mỹ đang trải qua ở bên kia bờ Thái Bình Dương, những đại biểu Việt Nam lắng nghe trong im lặng. Rồi bỗng nhiên cả sáu đồng loạt đứng dậy, cởi bỏ những chiếc áo khoác của mình. Họ chỉ cho chúng tôi những vết tích, những vết thương mà họ đang mang từ cuộc chiến tranh. Tất cả chúng tôi sững sờ. Và rồi không ai bảo ai, cả mười người chúng tôi ôm nhau khóc. Chúng tôi nhận ra rằng hai bên đã tìm được sự đồng cảm. Chúng tôi ngầm hiểu với nhau sẽ làm nhiều điều hơn cho một tương lai tốt đẹp của cả hai phía”.

Kể từ đó, theo lời Bobby Muller, VVAF hoạt động như “đại sứ quán Việt Nam tại Washington”, là nơi truyền tải những yêu cầu, những vấn đề về các hậu quả của cuộc chiến tranh Việt Nam lên quốc hội và chính giới Mỹ. Ông hướng VVAF vào các hoạt động nhằm trợ giúp nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam như hỗ trợ người bị thương tật do chiến tranh, đánh giá tác động bom mìn còn sót lại ở Việt Nam và các chương trình hỗ trợ nạn nhân của chất độc da cam...

Ở tuổi 58, Muller thấy mình vẫn chưa thể dừng bước trong cuộc đấu tranh làm rõ sự thật về cuộc chiến tại Việt Nam. “Các bạn sinh viên thân mến, cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn chia rẽ nước Mỹ đến tận bây giờ, vẫn ảnh hưởng sâu sắc đến con tim và khối óc của nhiều người dân Mỹ - Muller vừa nói vừa ấp đôi bàn tay vào ngực mình - Những ngày này, dường như có một “cuộc chiến Việt Nam” thứ hai đang diễn ra trong lòng nước Mỹ. Ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ John Kerry là một cựu chiến binh tại Việt Nam và từng tích cực phản chiến...”.

Trong cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của mình, Muller luôn được tiếp sức bởi sự đồng cảm sâu sắc từ những người bạn Việt Nam. “Trước khi trở lại Việt Nam năm 1981, chúng tôi vô cùng lo lắng, nghĩ rằng sẽ gặp những người biểu tình tại cổng khách sạn hoặc chí ít cũng phải chứng kiến sự giận dữ của những người đã chịu nhiều đau thương trong cuộc chiến tranh. Khi đi ra đường, chúng tôi thường nhận được câu hỏi “Các ông từ đâu đến?”. Sau câu trả lời “Chúng tôi là người Mỹ”, chúng tôi rất hồi hộp không biết phản ứng của mọi người ra sao. Nhưng câu trả lời làm chúng tôi quá đỗi ngạc nhiên và xúc động: “Oh, welcome to Ha Noi” (Ồ, vậy sao, chào mừng các ông tới Hà Nội). Vâng, họ đã nói với chúng tôi như vậy. Tôi hiểu rằng những người Việt Nam, dân tộc Việt Nam có một lòng vị tha lớn lao và chính sự vị tha của các bạn đã đóng góp phần vô cùng quan trọng vào tiến trình hàn gắn giữa hai nước chúng ta”- Muller kết thúc bài phát biểu trong tràng pháo tay vang dội của các bạn sinh viên Việt Nam.

CẨM HÀ
(Báo Tuổi trẻ)

-----------------------

Bất chấp việc bị liệt nửa dưới cơ thể từ năm 23 tuổi sau một trận đụng độ ở miền nam Việt Nam năm 1969, Bobby Muller trở thành một biểu tượng của nghị lực, trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Bruce Springsteen sáng tác bài hát nổi tiếng Born in the USA (Sinh ra ở Hoa Kỳ) dành tặng các cựu chiến binh. Ngồi trên xe lăn, ông luôn đi tiên phong trong phong trào phản đối chiến tranh. Tại bãi biển Miami, Muller công khai lên tiếng phản đối khi tổng thống Nixon đọc diễn văn nhậm chức năm 1972. Mùa hè năm 1979, Muller đồng sáng lập ra Hội Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam và tiếp đó là VVAF vào năm 1980. Năm 1997, Phong trào cấm mìn sát thương quốc tế do ông đồng sáng lập được nhận giải Nobel hòa bình.

* Chiều 24-2, tại Hà Nội, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng đã trao Huy chương Vì hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc cho ông Bobby Muller vì những đóng góp của ông trong việc hàn gắn và phát triển quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Cũng trong ngày 24-2, đoàn đại biểu thuộc Tổ chức Cựu chiến binh các cuộc chiến tranh ở nước ngoài của Mỹ (VFW) đã tới Hà Nội, mở đầu chuyến thăm Việt Nam kéo dài tới ngày 2-3. Hôm nay 25-2, VVAF và Bộ Quốc phòng Việt Nam chính thức ký kết dự án điều tra, khảo sát và đánh giá tác động của bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam.