Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên: Hội nghị ASEAN-NB đạt bước tiến đáng kể
(12/12/2003 -- 22:50GMT+7)
Tôkyô (TTXVN) - Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN về Hội nghị cấp cao kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối ngoại ASEAN-Nhật Bản tổ chức tại Tôkyô ngày 11 và 12/12. Sau đây là toàn văn nội dung cuộc phỏng vấn.
Hỏi: Xin Bộ trưởng cho biết kết quả của Hội nghị cấp cao kỷ niệm ASEAN-Nhật Bản vừa tổ chức tại Tôkyô?
Trả lời: Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản là một sự kiện chính trị lớn và là đỉnh cao của rất nhiều các hoạt động kỷ niệm được tổ chức rộng khắp ở Nhật Bản và các nước ASEAN trong năm 2003 để kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ đối tác ASEAN-Nhật Bản. Nó phản ánh mối quan hệ đối tác đa dạng, phong phú và hiệu quả mà hai bên đã đạt được trong 30 năm qua.
Mặc dù với tiêu đề là một Hội nghị cấp cao kỷ niệm, Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần này đã đạt được những kết quả có ý nghĩa thực chất và có tác động lâu dài đối với tương lai quan hệ ASEAN-Nhật Bản.
Một là, Hội nghị đã tập trung kiểm điểm lại quan hệ ASEAN-Nhật Bản trong 30 năm qua và nhất trí cho rằng với những nỗ lực rất lớn từ cả hai phía quan hệ ASEAN-Nhật Bản đã phát triển không ngừng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, góp phần tích cực vào hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á và châu Á. Nhật Bản trở thành đối tác hàng đầu của nhiều nước ASEAN về thương mại, đầu tư và viện trợ phát triển chính thức. ASEAN cũng trở thành bạn hàng lớn thứ hai của Nhật Bản, thu hút hơn 100 tỷ USD đầu tư của Nhật Bản ra nước ngoài. Trên thực tế, mối quan hệ ASEAN-Nhật Bản đã đạt đến độ chín muồi, tạo tiền đề và cơ sở rất vững chắc để tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa ASEAN và Nhật Bản trong thế kỷ mới.
Hai là, các nhà lãnh đạo đã trao đổi sâu rộng về tương lai hợp tác ASEAN-Nhật Bản trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính, cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực...và đã đưa ra cam kết mạnh mẽ nhằm tạo đà xây dựng và củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Nhật Bản theo phưong châm "cùng hành động, cùng phát triển". Tại hội nghị này, Nhật Bản đã công bố sáng kiến hỗ trợ đào tạo nhân lực cho các nước ASEAN thông qua chương trình cung cấp 1,5 tỷ USD trong vòng 3 năm để giúp đào tạo cho khoảng 40.000 người. Tiếp theo những kết quả đạt được trong khuôn khổ hợp tác ASEAN+3 và thỏa thuận khung về Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN-Nhật Bản ký tại Bali (Inđônêxia) tháng 10 năm nay, thì những nỗ lực mới này của ASEAN và Nhật Bản sẽ giúp củng cố cơ chế hợp tác ASEAN+1 và làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác vốn đã phong phú giữa hai bên trong thời gian tới.
Ba là, Hội nghị cũng đã giành thời gian trao đổi và đề xuất các biện pháp thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho hợp tác hiệu quả giữa ASEAN-Nhật Bản. Phía Nhật Bản đã khẳng định cam kết hỗ trợ thực hiện Sáng kiến Liên kết kinh tế ASEAN (IAI), hành lang Kinh tế Đông Tây (WEC) và nhiều dự án phát triển tiểu vùng Mêkông, được đề xuất trong Chương trình Hành động Hà Nội và Hội nghị cấp cao ASEAN-9 ở Bali vừa qua. Ngay tại Hội nghị, Nhật Bản đã cam kết cung cấp 1,5 tỷ USD cho các dự án phát triển tiểu vùng Mêkông. Những cam kết này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của 6 nước thành viên cũ của ASEAN giúp 4 nước thành viên mới thu hẹp khoảng cách phát triển và hướng tới xây dựng một Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2020.
Bốn là, cũng trong Hội nghị này, Nhật Bản chính thức bày tỏ ý định gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC), một văn kiện rất quan trọng định hướng quan hệ giữa các nước ASEAN, đặt cơ sở cho việc xây dựng một Đông Nam Á hòa bình, ổn định, tự cường, hữu nghị, hợp tác và phát triển trong hơn 30 năm qua. Tiếp theo Trung Quốc và Ấn Độ, việc Nhật Bản tham gia TAC cho thấy sự đánh giá cao và quan tâm của Nhật Bản đối với sự đoàn kết, năng động và uy tín ngày càng cao của ASEAN ở khu vực và trên trường quốc tế, thể hiện cam kết lâu dài của Nhật Bản với khu vực không chỉ về phát triển kinh tế mà cả về chính trị và an ninh, tạo cơ sở rất tốt cho việc xây dựng và củng cố mối quan hệ hữu nghị, toàn diện và bền vững giữa Nhật Bản với các nước ASEAN trong thế kỷ 21.
Năm là, Hội nghị đã thông qua "Tuyên bố Tôkyô vì một quan hệ đối tác ASEAN-Nhật Bản năng động và bền vững trong thiên niên kỷ mới", và "Chương trình hành động". Có thể nói đây là thành công lớn nhất của Hội nghị vì hai văn kiện quan trọng này không chỉ nêu ra những định hướng lớn cho tương lai quan hệ ASEAN-Nhật Bản trong thế kỷ 21 mà còn đề ra các biện pháp toàn diện và cụ thể đưa mối quan hệ hợp tác hai bên lên một tầm cao mới thực chất hơn, sâu sắc hơn, ổn định hơn và bền vững hơn đáp ứng lợi ích của nhân dân các nước ASEAN và Nhật Bản.
Hỏi: Sự hợp tác vì hòa bình và phát triển giữa ASEAN và Nhật Bản có những thuận lợi, thách thức như thế nào trong thời gian tới?
Trả lời: Hòa bình và phát triển luôn là nguyện vọng khát khao của các dân tộc trên thế giới. Lịch sử quan hệ hợp tác ASEAN-Nhật Bản từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai trở lại đây cho thấy hòa bình và phát triển luôn là nội dung hợp tác quan trọng và đã đem lại kết quả rất tích cực, đáp ứng lợi ích nhân dân các nước trong khu vực.
Trong thời gian tới, hợp tác ASEAN-Nhật Bản vì hòa bình và phát triển đang đứng trước những thuận lợi và thách thức cơ bản sau:
Thuận lợi lớn nhất của cục diện khu vực hiện nay là hòa bình và phát triển vẫn là xu thế chủ đạo. Trong bối cảnh đó, các nước đều ưu tiên cho phát triển kinh tế, nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia và tham gia tích cực vào tiến trình liên kết kinh tế khu vực và quốc tế. Đối với ASEAN và Nhật Bản, những thành tựu và bài học rút ra từ sự hợp tác trong 30 năm qua cùng với những khát vọng cung cho mối quan hệ đối tác toàn diện hơn, bền chặt hơn giữa hai bên cũng là những thuận lợi rất cơ bản cho việc phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược thời gian tới.
Tuy nhiên, quan hệ hợp tác ASEAN-Nhật Bản cũng phải đối phó với những thách thức rất lớn, đó là những tác động tiêu cực từ mặt trái của toàn cầu hóa, đặc biệt là khoảng cách giàu nghèo trong từng quốc gia và trên thế giới ngày càng rộng, của nguy cơ khủng bố và các loại tội phạm xuyên quốc gia, những vấn đề an ninh còn tồn tại ở khu vực. Theo tôi, chính những thách thức này cũng là cơ sở để chúng ta cùng nhau hợp tác, cùng nhau hành động và cùng phát triển, góp phần xây dựng một cộng đồng ASEAN và cộng đồng Đông Á sống trong hòa bình, ổn định và phồn vinh trong tương lai, trong đó quan hệ đối tác ASEAN-Nhật Bản là một nhân tố rất quan trọng.
Hỏi: Việt Nam đã có những đóng góp gì vào thành công của Hội nghị?
Trả lời: Phát huy thắng lợi đạt được ở Hội nghị cấp cao ASEAN-9 ở Bali, đặc biệt là nỗ lực của ASEAN trong việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác với các nước Đông Bắc Á, Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN khác và với Nhật Bản để đảm bảo hội nghị diễn ra thành công theo mục tiêu đề ra. Chúng ta đã tham gia tích cực ngay từ đầu, chuẩn bị cho nội dung và văn kiện của Hội nghị theo hướng thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện, thực chất giữa ASEAN và Nhật Bản, đưa vào văn kiện các nội dung phù hợp với ưu tiên của các bên về hợp tác và phát triển, liên kết kinh tế, góp phần định ra phương hướng và hành động cho việc phát triển quan hệ đối tác toàn diện ASEAN-Nhật Bản trong nhiều năm tới.
Chúng ta cũng chủ động đưa ra các đề xuất hợp tác cụ thể nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN phù hợp với nội dung làm việc của Hội nghị, được chủ nhà và các nước ASEAN đánh giá cao như đề nghị dành ưu đãi cho hàng hóa của các thành viên mới ASEAN vào thị trường Nhật Bản, lập các trung tâm đào tạo nghề và các trường đại học của Nhật Bản ở ASEAN và Việt Nam, các dự án phát triển tiểu vùng Mê-kông và Hành lang Đông Tây, thúc đẩy ý tưởng họp cấp cao Nhật Bản với Campuchia, Lào, Mianma, Thái Lan và Việt Nam. Sáng kiến của ta ở Hội nghị cấp cao ASEAN-9 về Hội nghị Thống đốc các bang nghèo của ASEAN được các nước nồng nhiệt đón nhận và đưa vào Chương trình hành động Tôkyô.
Ngoài ra, Đoàn ta còn tham gia tích cực vào Hội thảo liên minh Đầu tư Kinh doanh ASEAN-Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm doanh nghiệp lớn của Nhật Bản và ASEAN, trình bày về đường lối, chính sách cũng như cam kết của Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư theo hướng minh bạch và thông thoáng hơn nhằm thúc đẩy hơn nữa xu thế các công ty Nhật Bản tăng chuyển hướng đầu tư trở lại ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng thời gian tới.
Hỏi: Kết quả các cuộc gặp, làm việc song phương giữa Việt Nam và Nhật Bản nhân dịp Hội nghị cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Nhật Bản?
Trả lời: Quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đã trải qua nhiều thăng trầm trong hơn 30 năm qua, nhưng do nỗ lực không ngừng của cả hai bên, quan hệ hai nước ngày nay bước vào thời kỳ mới với triển vọng tốt đẹp chưa từng có. Nhật Bản đã trở thành đối tác hàng đầu về kinh tế, thương mại, viện trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư của Việt Nam. Quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác như chính trị, quốc phòng, văn hóa, giáo dục cũng được đẩy mạnh. Từ năm 2002, Lãnh đạo hai nước đã thỏa thuận xây dựng và phát triển mối quan hệ "Đối tác tin cậy, ổn định lâu dài" cho quan hệ hai nước trong thế kỷ 21.
Để tiếp tục nỗ lực trên, nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần này, Thủ tướng Phan Văn Khải đã có 8 cuộc gặp gỡ và làm việc song phương với Chính phủ, Quốc hội, Đảng cầm quyền LDP, giới kinh doanh và các nhà hoạt động xã hội, kể cả hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Junichiro Koizumi. Các Bộ trưởng ta cũng gặp gỡ song phương với các Bộ trưởng Nhật Bản, chủ động tiếp xúc và làm việc với một số tổ chức kinh tế, xã hội Nhật Bản.
Trước hết, các cuộc gặp làm việc nói trên đã góp phần tăng cường sự hiểu biết, củng cố lòng tin giữa lãnh đạo hai nước, tạo động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ tin cậy, hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế trong những năm tới.
Thứ hai, qua các cuộc gặp, lãnh đạo hai nước đều đánh giá cao những thành tựu hợp tác giữa hai nước trong 30 năm qua, đặc biệt là từ năm 1992 trở lại đây và cho rằng đó chính là cơ sở thuận lợi để hai nước đưa quan hệ sang một trang mới trong 3 thập kỷ đầu thế kỷ 21.
Thứ ba, qua các cuộc tiếp xúc, làm việc, các nhà chính trị và giới kinh doanh, đầu tư của Nhật Bản hiểu rõ hơn về chính sách kinh tế, đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta và tình hình thực tế hiện nay ở Việt Nam, đánh giá cao những nỗ lực cải cách của Việt Nam trong những năm qua, cam kết sẽ thúc đẩy hơn nữa các dự án đang thực hiện cũng như các dự án mới, nâng quan hệ hợp tác hai nước lên tầm cao mới.
Thứ tư, Lãnh đạo hai nước đã bàn các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước trong những năm tới. Hai vị Thủ tướng đã cùng nhau đánh giá về Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư vừa được ký kết tháng 11 vừa qua và Sáng kiến chung Nhật Bản-Việt Nam với 44 danh mục hành động cụ thể thực hiện Hiệp định trên, thể hiện rõ hai bên đều quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhau, giành cho nhau vị trí xứng đáng trong chính sách đối ngoại của mình và hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển. Nhân dịp này, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã thông báo với Thủ tướng Koizumi về quyết định của Chính phủ Việt Nam bắt đầu từ ngày 1/1/2004 thực hiện miễn thị thực cho công dân Nhật Bản sang du lịch và kinh doanh ở Việt Nam trong thời hạn 15 ngày. Những việc làm trên thể hiện quyết tâm của phía Việt Nam đẩy mạnh cải cách, cải thiện môi trường đầu tư trong nước nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của Việt Nam và tranh thủ hơn nữa tiềm năng to lớn của các nhà đầu tư Nhật Bản vào Việt Nam trong những năm tới.
Năm là, lãnh đạo Nhật Bản đánh giá cao kinh nghiệm phát triển của Việt Nam và việc Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đó thông qua hợp tác với Nhật Bản và các nước châu Phi theo công thức 2+1, 3+1, hoặc phát triển tiểu vùng Mê Công. Nhật Bản cam kết ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam trong các nỗ lực này.
Những hoạt động song phương bên lề Hội nghị cấp cao đã giúp phát huy vai trò của Việt Nam trong việc thúc đẩy quan hệ ASEAN-Nhật Bản nói chung và đóng góp trực tiếp vào việc xây dựng và phát triển mối quan hệ đối tác tin cậy, ổn định lâu dài giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thế kỷ 21./.