Nhã nhạc Huế được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể
Lao Động, 10/11/2003
Ngày 7.11, Tổng Giám đốc UNESCO, ông Kiochiro Matsuura chính thức công bố trong buổi lễ được tổ chức tại Paris, UNESCO đã ghi tên 28 kiệt tác di sản văn hoá phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại lần thứ hai, trong đó có nhã nhạc Huế. Đây là di sản phi vật thể đầu tiên của Việt Nam được công nhận vào danh mục này, ghi nhận thành quả của một hành trình 10 năm phấn đấu, chuẩn bị không mệt mỏi của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.
Trong phần nhận định về nhã nhạc, Hội đồng UNESCO đã đánh giá: "Nhã nhạc VN mang ý nghĩa "âm nhạc tao nhã". Nhã nhạc đã đề cập đến âm nhạc cung đình VN được trình diễn tại các lễ thường niên bao gồm các lễ kỷ niệm và những ngày lễ tôn giáo cũng như các sự kiện đặc biệt như: Lễ đăng quang, lễ tang hay những dịp đón tiếp chính thức. Trong các thể loại phong phú đã được phát triển tại VN, chỉ có nhã nhạc mang tầm quốc gia".
Nhấn mạnh về việc công bố kiệt tác, ông Matsuura tuyên bố: "Việc công bố này là sự hưởng ứng cụ thể đầu tiên của UNESCO trong việc đáp ứng nhu cầu cấp bách đối với việc bảo vệ di sản phi vật thể".
Giá trị sáng tạo độc đáo của con người Việt Nam
Từ thời Lý, âm nhạc cung đình đã được định hình và sau đó được các triều đại kế tiếp phát triển, và phát triển rực rỡ ở triều Nguyễn. Sự tập trung của chế độ quân chủ thời Nguyễn đã quy tụ được tất cả các nhạc sĩ, nhạc công tài hoa nhất.
Để phù hợp với nội dung từng buổi lễ, Bộ Lễ và Hàn lâm Viện đã biên soạn các nhạc chương như: Trong lễ Tế giao có 10 nhạc chương mang chữ Thành (nêu việc thành công), trong tế Xã tắc có 7 nhạc chương mang chữ Phong (được mùa), lễ Tế miếu có 9 nhạc chương mang chữ Hoà (hài hoà)... Đặc biệt, tất cả các nhạc khí có giá trị nhất của VN đều có mặt trong dàn nhạc cung đình Nguyễn với tiết tấu phong phú và bài bản có nội dung sâu sắc.
Đội nhã nhạc dưới triều Nguyễn.
Sự tập trung tất cả nhạc cụ như Đại nhạc gồm 42 nhạc cụ, Tiểu nhạc gồm 8 nhạc cụ, Huyền nhạc gồm 26 nhạc cụ. Dàn nhạc cung đình thường có quy mô lớn và các chủng loại phong phú với nhóm nhạc cụ hơi (sáo, kèn), dây (nhị, nguyệt...), các nhạc cụ màng rung (trống, chuông...). Tất cả chủng loại trên đã thể hiện trình độ tinh diệu về âm nhạc, trình độ chế tác thủ công, mỹ thuật tạo hình...của những nhạc sư, những người thợ VN xưa.
Cùng với nhạc cụ, các vũ điệu và ca hát cũng chứa đựng những nội dung mang tính bác học. Những giá trị này đã tạo cho âm nhạc cung đình có phong cách khác với các loại hình âm nhạc khác của Việt Nam và thế giới.
Ông Phan Tiến Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết: Từ năm 1992, để đảm bảo có các môi trường diễn xướng mang tính lịch sử, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã triển khai các chương trình tu bổ công trình như Duyệt Thị Đường, Minh Khiêm Đường, Nam Giao, Thế Miếu. Bên cạnh đó, cũng đã tổ chức được nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến âm nhạc cung đình.
Trong 10 năm qua, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã tiến hành sưu tầm hàng trăm tư liệu liên quan đến âm nhạc cung đình, phục hồi 40 nhạc chương, nhạc khúc, 20 điệu múa, 4 vở tuồng cổ, 14 trích đoạn tuồng. Cùng với việc phục hồi các tác phẩm, Nhà hát Nghệ thuật của Trung tâm cũng đã tiến hành biểu diễn phục vụ khách đến Huế tham quan, nghiên cứu. Đặc biệt, đã tổ chức được nhiều đợt biểu diễn ở Châu Á, Châu Âu.
Khó khăn đang ở phía trước
Cùng với nhã nhạc Việt Nam, còn có 27 kiệt tác văn hoá phi vật thể và truyền khẩu được UNESCO ghi danh lần này gồm có 2 kiệt tác ở Châu Phi, 3 kiệt tác của các nước khối Arập, 10 kiệt tác của khối Châu Á -Thái Bình Dương, 4 kiệt tác của Châu Âu, 6 kiệt tác của Châu Mỹ Latinh - Caribbe , và 2 kiệt tác thuộc khối Liên quốc gia.
Nguồn: Bản tin UNESCO ngày 7.11.2003
Từ khi chế độ quân chủ VN chấm dứt, âm nhạc cung đình đã mất đi môi trường diễn xướng nguyên thuỷ, cũng như do đất nước trải qua những cuộc chiến tranh tàn khốc nên công tác bảo tồn âm nhạc cung đình đã gặp rất nhiều khó khăn. Một mặt do trước đây chưa có kỹ thuật quay phim, nhiếp ảnh, việc ghi chép tư liệu chưa được chú trọng. Số đã ghi được cũng như các trang phục, dụng cụ biểu diễn nay đã mất mát, thất lạc phần lớn. Các nghệ nhân có kinh nghiệm cũng lần lượt ra đi, mang theo cả bí kíp nghề nghiệp vì tuổi tác.
Bên cạnh đó, các trào lưu âm nhạc phương Tây xâm nhập ồ ạt đã làm nhiều người Việt Nam, nhất là giới trẻ hờ hững với âm nhạc truyền thống. Đó là những khó khăn, thách thức vô cùng to lớn, đòi hỏi người làm công tác bảo tồn âm nhạc cung đình phải phấn đấu vượt qua.
Bởi nói như ông Matsuura - Tổng Giám đốc UNESCO: "Mục đích của việc công bố này không đơn thuần chỉ là thừa nhận giá trị của một vài yếu tố của di sản phi vật thể, mà đòi hỏi các quốc gia phải cam kết thực hiện các kế hoạch nhằm phát huy và bảo vệ các kiệt tác được ghi danh vào danh mục".
Hoàng Văn Minh