Một nghị quyết phi lý và sai trái
Nhandan.org.vn, cập nhật 18 giờ 2 - 8-11-2003
Ngày 5-11 vừa qua, QH Mỹ lại có một hành động phi lý là ra nghị quyết lên án Việt Nam vi phạm tự do tôn giáo. Thật mỉa mai, việc họ lên án Việt Nam diễn ra sau khi các nhà báo Mỹ đã tự điều tra và công bố hành vi tội ác man rợ của lính Mỹ tại Việt Nam cách đây 36 năm.
Không có gì mới, họ "tái bản" những luận điệu cũ rích như: Việt Nam đàn áp, bắt bớ, ngăn cản người dân theo đạo cùng những sinh hoạt tôn giáo, nhất là Phật giáo. Người đại diện cho Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế của Mỹ - bà Ni-na Si-ơ còn dọa nghị quyết này sẽ là điều kiện cho việc cải thiện mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Nhưng quan hệ đó là quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau chứ không phải bên nào có quyền áp đặt bên khác.
Thật mỉa mai, thời điểm họ lên án Việt Nam chính thời điểm các nhà báo Mỹ tự điều tra và công bố một hành vi tội ác man rợ của lính Mỹ ở Việt Nam cách đây 36 năm. Câu chuyện này khiến hàng triệu người Việt Nam nhớ lại cuộc chiến tranh phi nghĩa, tàn bạo mà nước Mỹ đã gây ra trên đất nước mình, mà hậu quả của nó đến giờ vẫn còn làm khổ đau biết bao số phận ở bao nhiêu vùng đất. Lúc mà QH Mỹ ra cái nghị quyết sai trái này lại trùng với thời điểm kỷ niệm 22 năm ngày chín hệ phái, tổ chức Phật giáo ở khắp Việt Nam tự nguyện hòa hợp trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam vào ngày 7-11-1981. Việc thống nhất Phật giáo là nguyện vọng tha thiết của tăng ni, phật tử toàn quốc ngay sau khi nước nhà được giải phóng và thống nhất. Bao nhiêu tháng năm kháng chiến chống xâm lược là bấy nhiêu năm các tăng ni, phật tử cả nước, ở miền bắc cũng như ở miền nam, đồng hành cùng dân tộc, chịu đựng gian khổ, hy sinh, kiên cường đấu tranh để đánh đuổi bọn xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Vì thế, khi non sông thu về một mối, Phật giáo cũng mong muốn hòa hợp từ bắc chí nam. Trong ngày thống nhất Phật giáo đó, Hòa thượng Thích Ðôn Hậu, người lãnh đạo cao cấp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, được suy tôn ngôi Phó Pháp chủ Hội đồng chứng minh; và Hòa thượng Thích Trí Thủ, Viện trưởng Viện Hóa đạo của Giáo hội này, được suy cử Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Sự thật là thế, nhưng thật là lạ, nghị quyết của QH Mỹ lại cho rằng, đó là do Chính phủ Việt Nam cưỡng bức Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, tịch thu chùa viện, khủng bố hàng giáo phẩm...; lại còn khăng khăng nói rằng vẫn đang tồn tại Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất do Hòa thượng Thích Huyền Quang lãnh đạo(!) Câu chuyện mà cái nghị quyết nói trên đưa ra, người dân ở trong nước, đặc biệt là các tín đồ Phật giáo, nghe mà ngỡ họ nói chuyện ở nơi nào, bởi cuộc sống thường ngày của người dân Việt Nam cũng như sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam rất xa lạ với những điều họ rêu rao.
Tháng 4 năm nay, trong lần ra Hà Nội trị bệnh, được Thủ tướng Phan Văn Khải thân mật tiếp, Hòa thượng Thích Huyền Quang có đến thăm trụ sở T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Hòa thượng Thích Thanh Tứ, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự của Giáo hội, kể rằng khi đó, cụ có nói với Hòa thượng Thích Huyền Quang: "Bây giờ Phật giáo nước nhà đã hòa hợp, thống nhất và ổn định, có gì nữa mà Hòa thượng đòi thống nhất Phật giáo?". Hòa thượng Thích Huyền Quang liền trả lời rằng: "Ðúng thế, bây giờ chẳng còn gì là chưa thống nhất, chỉ làm thế nào để xây dựng ngôi nhà Phật giáo cho tốt, cho hòa hợp". Như thế thì QH Mỹ việc gì phải lớn tiếng đòi nọ đòi kia với Chính phủ Việt Nam, trong khi chính cụ Hòa thượng Thích Huyền Quang không những chẳng bị ngược đãi gì, còn đang cố gắng thực hiện những phật sự đầy ý nghĩa nhằm làm cho Phật giáo nước nhà ngày càng hưng thịnh.
Thật ra, không phải QH Mỹ không biết sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam ngày càng cởi mở và phong phú như thế nào, nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân được đáp ứng ngày càng tốt ra sao. Song vì lẽ gì mà họ chỉ nghe thông tin sai lạc từ dăm ba người mà phủ nhận nỗ lực của hàng chục triệu người? Họ quên một sự thật là, không một quốc gia nào trên thế giới, gồm cả nước Mỹ, tha thứ cho hành động lợi dụng tôn giáo để gây rối trật tự xã hội. Việc nhà nước xử lý các hành vi lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để làm hại công dân, phá hoại sự ổn định xã hội, chống lại chính quyền, đã diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả ở Mỹ. Vậy thì QH Hoa Kỳ ra nghị quyết có phải vì để bảo vệ tự do tôn giáo ở Việt Nam, hay chỉ kiếm cớ để bôi nhọ hình ảnh một nước Việt Nam đổi mới đã được các tổ chức của LHQ và dư luận thế giới thừa nhận và hoan nghênh; can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam? Nhân dân ta đặt quá khứ sang một bên, từ truyền thống nhân đạo, hòa hiếu mà xây dựng mối quan hệ hợp tác, hiểu biết lẫn nhau với nhân dân Mỹ. Trên thế giới, quốc gia nào cũng có những vấn đề cần phải được xử lý; ngay nước Mỹ cũng đang có không ít vấn đề nan giải. Vì thế, họ hãy giải quyết thỏa đáng những việc mình trước khi "phán bảo" người khác. Trong mối bang giao giữa hai nước Mỹ - Việt Nam đang ngày một cải thiện, quan trọng là có thái độ thiện chí hay không. Như Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Dũng đã phát biểu ý kiến hôm 6-11: Tuy trong quan hệ hai nước còn tồn tại một số điều khác biệt, song chúng tôi tin rằng mọi bất đồng đều có thể được giải quyết thông qua đối thoại, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và với tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, không để ảnh hưởng đến lợi ích rộng lớn giữa hai nước.
KHÔI NGUYÊN