Việt Nam sản xuất thành công máy bay siêu nhẹ

Nhandan.org.vn, cập nhật 18giờ30 - 30-9-2003


Việt Nam đang chuẩn bị cho chuyến bay thử nghiệm đầu tiên bằng chiếc máy bay cánh quạt hai chỗ ngồi lắp ráp trong nước. Cho đến thời điểm này, đề án này chưa tiêu tốn một khoản kinh phí nào của Nhà nước mà hoạt động dựa trên lòng nhiệt tình, say mê nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học nước nhà.

Hoàn chỉnh lắp ráp máy bay siêu nhẹ

Chiếc máy bay nhỏ hai chỗ ngồi đầu tiên ở Việt Nam đã được lắp ráp xong và đang chờ bay thử trong tháng 10 tới. Chiếc máy bay này có tên VAM 1 (Vietnam Association Mechanics - Hội cơ học Việt Nam) có kiểu dáng thanh mảnh, thân dài 6,4m, sải cánh 9,7m, tốc độ tối đa 140 km/h, suất tiêu hao nhiên liệu 20 l/giờ. Chiếc máy bay này có tỷ lệ nội địa hóa là 20% và dự kiến, chiếc thứ hai có tỷ lệ nội địa hóa khoảng 70%. Tuy tỷ lệ nội địa hóa chỉ chiếm 20% nhưng việc chế tạo thành công chiếc máy bay đầu tiên có ý nghĩa quan trọng, giúp rút ra dữ liệu để phục vụ cho việc thiết kế và chế tạo các chiếc máy bay tiếp theo.

Việc cho ra đời chiếc máy bay VAM 1 là câu trả lời cụ thể nhất về khả năng sản xuất máy bay siêu nhẹ ở Việt Nam. Trước đó một tháng, các thành viên Ban chỉ đạo đề án "Máy bay cánh quạt loại nhỏ hai chỗ ngồi" đã khẳng định: Việt Nam đủ khả năng chế tạo thử loại máy bay này. Trong bốn tháng kể từ ngày 18-4-2003, ngày Chính phủ có công văn thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giao Hội Cơ học nghiên cứu sản xuất máy bay cánh quạt hai chỗ ngồi, các chuyên gia đã xây dựng đề án cơ sở khoa học hỗ trợ chế tạo máy bay và đã hoàn thành phần mềm ADS 2003 mô phỏng, tính toán thiết kế máy bay. Phần mềm này mô phỏng chuyển động máy bay, giúp tính toán dao động và ổn định máy bay, tính toán độ bền máy bay. Các chuyên gia đã thiết kế được hai kiểu máy bay siêu nhẹ hai chỗ ngồi. Theo giáo sư Nguyễn Văn Đạo, Trưởng ban chỉ đạo, hai điều quan trọng đã được giải đáp là: Việt Nam hoàn toàn sản xuất được và nếu đạt chuẩn quốc tế, loại máy bay này sẽ có thị trường tiêu thụ. Tại cuộc họp, đại diện của hai công ty NT Enterprises Inc (Mỹ) và Asian Telecom Network đã đề nghị thành lập Liên doanh sản xuất và tiêu thụ máy bay nhỏ và siêu nhẹ, mà trong giai đoạn đầu, có thể tiêu thụ ngay 120 chiếc.

Nhằm chuẩn bị cho chuyến bay thử nghiệm sắp tới, ba kỹ sư Việt Nam, trong đó có hai kỹ sư trẻ là Phạm Duy Long và Phan Bá Trác, đã sang Canada học bay và lấy bằng lái, với số điểm gần tuyệt đối. Hai kỹ sư này có cơ hội trở thành người Việt Nam đầu tiên bay thử nghiệm loại máy bay siêu nhẹ. Hiện Ban chỉ đạo dự án đang làm thủ tục xin phép bay thử chiếc máy bay VAM 1 đầu tiên.

Để hình thành một ngành công nghiệp mới

Triển vọng hình thành ngành công nghiệp mới từ sản xuất máy bay siêu nhỏ ở Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở. Trên thị trường, nhu cầu mua máy bay siêu nhỏ khá lớn, nhất là ở các vùng có địa hình phức tạp, các hãng hàng không lớn không thể phục vụ được. Phi công Phạm Duy Long cho biết, chiếc máy bay thử nghiệm sắp tới cần 100m là đủ hạ cánh. Chỉ riêng khu vực Đông-Nam Á với địa hình gồm nhiều đảo, quần đảo, các khu du lịch sẽ là nơi tiêu thụ loại máy bay này do giá một máy bay nhỏ khoảng 30 - 45.000 USD. Chi phí nhiên liệu khoảng 50 USD/giờ, nên việc kinh doanh loại máy bay này là có cơ sở.

Giáo sư Nguyễn Văn Đạo đưa ra lộ trình sản xuất máy bay loại nhỏ ở Việt Nam theo hướng lắp ráp để nắm vững công nghệ sản xuất, sau đó tăng dần tỷ lệ nội địa hóa và tiến tới tự thiết kế. Đi theo hướng này, có công ty Hòa Bình của ông Vimar Nguyễn, người vừa sang Canada học bay. Công ty Hòa Bình của ông Nguyễn lâu nay chuyên sản xuất máy bay mô hình.

Một hướng tiếp cận khác là chế tạo máy bay siêu nhẹ bằng vật liệu composit do Việt Nam tự thiết kế. Phó giáo sư, tiến sĩ kỹ thuật hàng không Nguyễn Thiện Tống (Bộ môn kỹ thuật hàng không, Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh) cho biết, ba năm qua, bộ môn đã nghiên cứu, hoàn thành thiết kế máy bay hai chỗ ngồi. Bộ môn đã phối hợp với Công ty Đạt Thanh, cơ sở chuyên sản xuất tàu thuyền composit, để làm máy bay mô hình, sau đó hoàn chỉnh khuôn mẫu để sản xuất máy bay composit. Anh Hà Tôn Đức, Giám đốc Công ty Đạt Thanh, khẳng định, nếu chỉ làm khung composit, còn cánh làm bằng vải chuyên dụng, thì tháng 12 tới, đúng dịp SEA Games diễn ra ở Việt Nam, trên bầu trời sẽ có máy bay do Việt Nam tự thiết kế, chế tạo. Còn nếu làm bằng vật liệu composit, thì sớm nhất là tháng 3-2004 mới hoàn thành máy bay này, với tỷ lệ nội địa hóa là 80%.

Về lý thuyết, Việt Nam có thể thiết kế, sản xuất được máy bay siêu nhẹ. Loại máy bay có thể sử dụng trong quốc phòng, cứu nạn, phục vụ du lịch... Vấn đề còn lại là tìm đầu ra và có cơ chế thúc đẩy việc hình thành ngành công nghiệp sản xuất máy bay siêu nhẹ. Theo ý kiến của các nhà khoa học, mô hình thích hợp là sản xuất theo đơn đặt hàng của Nhà nước. Nếu nhu cầu mỗi tỉnh cần một đến hai chiếc, thì đơn đặt hàng đã lên tới 100 chiếc.

VÕ HẢI ĐĂNG