Tự do tôn giáo ở Việt Nam là một chính sách nhất quán
Cập nhật 18giờ30 - 25-9-2003
Việt Nam là một quốc gia nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo và văn hiến nghìn đời. Những người cộng sản Việt Nam, ngay sau bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử 2-9-1945, được vũ trang bởi học thuyết Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo, bên cạnh hàng loạt vấn đề quốc kế, dân sinh khác.
Việt Nam là một quốc gia nhiều dân tộc, nhiều tôn giáo và văn hiến nghìn đời.
Những người cộng sản Việt Nam, ngay sau bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử 2-9-1945, được vũ trang bởi học thuyết Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã đạt được những thành tựu trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo, bên cạnh hàng loạt vấn đề quốc kế, dân sinh khác. Ngay lúc đó, Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam đã có định hướng đúng đắn sáng tạo: vấn đề tôn giáo phải luôn đặt trong vấn đề quốc gia - dân tộc, thực hiện đại đoàn kết dân tộc để kháng chiến - kiến quốc...
Nói riêng về mặt chính sách tôn giáo, sau Cách mạng Tháng Tám, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã làm được nhiều việc trọng đại:
Thứ nhất, xác lập luận đề có tính nguyên tắc trong chính sách tôn giáo là "Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết" (Tuyên bố về sáu vấn đề cấp bách của Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ 3-9-1945). Nguyên tắc này từ đó được Chính phủ nhắc lại và coi là "một nguyên tắc của chính thể dân chủ cộng hòa" (Biên bản phiên họp của Chính phủ, ngày 20-9-1945). Lưu ý rằng, thuật ngữ về tôn giáo hồi đó, "Tín ngưỡng tự do" được hiểu là Tự do tôn giáo, hoàn toàn không chỉ được hiểu hẹp là "tự do ý thức" (Liberté de conscience).
Hiến pháp 1946 trong Điều 10 về quyền công dân vẫn ghi như thế. Đến Hiến pháp 1959, quyền tự do tôn giáo được ghi rõ hơn "Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào" (Điều 26). Ở Hiến pháp 1980, Điều 68 ngoài nội dung Điều 26 kể trên có thêm nội dung "không ai được lợi dụng tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước".
Đặc biệt đến Hiến pháp 1992, việc thể chế hóa thành pháp luật quyền tự do tôn giáo của công dân được thể hiện rộng rãi, toàn diện hơn nữa: "Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Những nơi thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để làm trái pháp luật và chính sách của Nhà nước" (Điều 70).
Rõ ràng để bảo đảm tự do tôn giáo và đoàn kết dân tộc đã trở thành một nguyên tắc hàng đầu và nhất quán của chính thể dân chủ cộng hòa trước đây và chính thể CHXHCN Việt Nam hiện nay.
Thứ hai, trong khi xây dựng và thực thi chính sách tự do tôn giáo ở nước ta, Nhà nước đã giải quyết hài hòa nhu cầu tôn giáo của một bộ phận nhân dân và tính cách vô thần, tính cách thế tục của Nhà nước.
Ở nước ta, sắc lệnh 20-9-1945, là một trong những sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước mới nói về việc tôn trọng, bảo vệ "đền, chùa, lăng tẩm, nhà thờ, tất cả những nơi có tính cách tôn giáo, bất cứ tôn giáo nào". Ngày 23-11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 65, bảo tồn cổ di tích hoặc Sắc lệnh miễn thuế đất và hoa màu cho các tổ chức tôn giáo 1949...
Thứ ba, khi xây dựng và thực thi chính sách tự do tôn giáo còn phải đặt trong tổng thể chính sách kinh tế - xã hội và văn hóa.
Đảng và Nhà nước ta không chỉ chú ý phần con người tôn giáo (phần hồn thong dong) của tín đồ các tôn giáo mà còn chú ý cả phần con người công dân (phần xác no ấm) của họ.
Từ những chính sách "rất Việt Nam, rất Hồ Chí Minh" trong việc ấn định ngày Tết, kỷ niệm lịch sử và tôn giáo (18-12-1946); giải quyết vấn đề ruộng đất của các tôn giáo trong cải cách ruộng đất giai đoạn 1953 - 1955, đến nay Nhà nước ta đã có hàng loạt chính sách kinh tế - xã hội, tăng cường đầu tư, nâng cao mức sống về vật chất và tinh thần với đồng bào các tôn giáo, kể cả ở vùng sâu, vùng xa...
Riêng về vấn đề khai thác những giá trị tích cực về văn hóa và đạo đức của các tôn giáo, một vấn đề rất nhạy cảm, cũng đã được khẳng định như một trong các trọng điểm công tác của chiến lược văn hóa hiện nay.
Thứ tư, bản thân Cách mạng Tháng Tám (1945) ở Việt Nam, tự nó có sức hút mọi nguồn lực yêu nước của dân tộc và với chính sách đại đoàn kết toàn dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút cả lực lượng tôn giáo, kể cả các chức sắc, người đứng đầu các tôn giáo tham gia cách mạng. Từ cụ Ngô Tử Hạ, bác sĩ Vũ Đình Tụng, luật sư Nguyễn Thành Vĩnh, luật sư Thái Văn Lung... đến các linh mục Phạm Bá Trực, Trần Công Chính, Vũ Xuân Kỷ, Hà Quang Tự, giám mục Hồ Ngọc Cẩn (Công giáo); Cao Triều Phát (Cao Đài); nhà sư Thiện Chiếu, cụ Lê Đình Thám, Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Hòa thượng Thích Quảng Đức (Phật giáo)...
Chính sách tôn giáo cũng luôn phát triển, cũng như quyền tự do tôn giáo cũng luôn luôn được mở rộng trong hệ thống các giá trị xã hội.
Từ những văn bản ban đầu, dần dần Nhà nước ta càng có những nỗ lực thể chế hóa chính sách tôn giáo. Năm 1964, trong Thông tư số 60-TTg, Chính phủ đã nhìn lại chính sách tôn giáo: "Đối với đồng bào có tôn giáo, tự do tín ngưỡng là một yêu cầu chính đáng. Quyền tự do tín ngưỡng gắn liền với nền độc lập dân tộc và dân chủ nhân dân... Đảng và Chính phủ coi tự do tín ngưỡng là nguyện vọng tha thiết của đồng bào có đạo, bởi vậy đi đôi với việc cải thiện đời sống cho nhân dân, Đảng và Chính phủ cũng tôn trọng tự do tín ngưỡng của đồng bào các tôn giáo".
Về việc thể chế hóa quyền tự do tín ngưỡng, Sắc lệnh 234 ngày 14-6-1955, do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký là một sự phát triển vượt bậc. Tại Chương I: Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, văn bản đã đề cập đến cả ba mặt của khái niệm tự do tôn giáo theo Công ước Quốc tế là: "Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng, quyền theo hoặc không theo một tôn giáo nào"; "Tự do giảng đạo tại các cơ quan tôn giáo"; và "khi truyền bá tôn giáo".
Trong các văn bản sau này của Chính phủ như Nghị định 69 (năm 1991), Nghị định 26 (năm 1999), cả ba mặt trên tiếp tục được thể chế hóa cụ thể, phong phú hơn.
Chính sách tự do tôn giáo ở nước ta quả thực đã thu hút được những kết quả to lớn, được sự tiếp nhận ngày càng tốt hơn từ phía giới tôn giáo và sự ủng hộ của nhân dân nói chung.
Một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo như Việt Nam nhưng đến nay vẫn là một bức tranh sinh hoạt tôn giáo yên bình, hòa đồng và ngày càng tỏ ra thích ứng với chủ nghĩa xã hội. Nhiều thập kỷ nay, đường hướng hành đạo: Sống Phúc âm trong lòng dân tộc (Công giáo, Thư chung 1980); Dân tộc, Đạo pháp và CNXH (Phật giáo, từ Đại hội I năm 1981). Nước Vinh, đạo Sáng (Hòa Hảo); Sống Phúc âm, phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Dân tộc của đạo Tin lành... đã và đang được khẳng định, nhiều cộng đồng tôn giáo đã thật sự gắn bó, tốt Đạo đẹp Đời. Đi sâu hơn vào cuộc sống các tôn giáo ta càng thấy rõ điều này.
Đến nay, theo thông tin của Ban Tôn giáo của Chính phủ, Nhà nước đã trao tư cách pháp nhân cho 20 tổ chức giáo hội, của sáu tôn giáo chính ở Việt Nam, trong đó gần đây nhất là Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền nam). Giới chức sắc bao giờ cũng là thành phần quan trọng của các giáo hội. Số lượng nhà tu hành Phật giáo đến năm 1975 có không đầy 15.000 người trên cả nước, hiện nay con số là 33.066 người (số liệu 2002) trong đó có hàng trăm vị có bằng tiến sĩ, cao học và hàng nghìn người tốt nghiệp đại học. Cảnh tượng Phật giáo Việt Nam khó khi nào xán lạn như hôm nay: Tăng ni đông đảo, học thức cao sâu, kinh sách được xuất bản rộng khắp.
Riêng Công giáo cũng thật đáng lưu ý: trong 80 năm (1862 - 1945), Va-ti-căng chỉ phong phẩm và bổ nhiệm bốn giám mục người Việt Nam, trong 30 năm chiến tranh (1945 - 1975) cũng chỉ có 33 vị. Ở Việt Nam hiện nay, đã có đến 42 vị Giám mục được phong như thế, có vị còn rất trẻ, mới ở độ tuổi 40...
Còn số linh mục, trong tổng số 2.410 người toàn Giáo hội Công giáo Việt Nam hiện nay, chỉ có 1.188 vị vốn được phong từ trước năm 1975 mà thôi.
Việc truyền giáo, thì có thể nêu chi tiết quan trọng này: chỉ trong hai năm (2000-2001), Nhà xuất bản Tôn giáo đã cho ra mắt gần 400 đầu sách bao gồm các sách Kinh, Giáo lý, thần học, v.v. của các tôn giáo chủ yếu ở Việt Nam.
Về cơ sở thờ tự: con số 21.000 cơ sở thờ tự của các tôn giáo, hoành tráng, lộng lẫy và khang trang, trong đó không chỉ có tu bổ mà còn có rất nhiều cơ sở thờ tự mới xây ở mọi miền của đất nước đã nói lên nhiều điều. Quan hệ quốc tế trong tôn giáo cũng được cải thiện rất nhiều. Nhiều Giáo hội không chỉ gửi được người trẻ tuổi của đạo mình đi đào tạo ở các nước Âu - Mỹ, Phi-li-pin, Trung Quốc... mà còn có mặt trong hàng loạt các Hội nghị Tôn giáo quốc tế, tiếp nhận các chương trình đầu tư hoạt động từ thiện của các tổ chức tôn giáo quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ...
Một sự thật có thể nói là hiển nhiên như thế đã khẳng định bước tiến triển thực tế của vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam. Nhưng, những năm gần đây, bỗng nhiên, qua giọng điệu của một số thế lực thiếu thiện chí, vấn đề "tôn giáo" lại nổi lên thường xuyên trong quan hệ của Mỹ và một nước châu Âu với một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Từ cái gọi là đạo luật Nhân quyền cho Việt Nam (Hạ viện Mỹ thông qua ngày 6-9-2001) đến những báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao, Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế của Mỹ đều nói đến những chuyện trái ngược với thực tiễn trên là "sự đàn áp của Chính phủ Việt Nam về lý do tôn giáo", sự "cấm cách việc truyền đạo trong các cộng đồng dân tộc thiểu số", cho đến vấn đề "tù nhân vì lý do chính trị và tôn giáo"...
Có một điều cần nói ngay là Mỹ thường áp đặt cho thiên hạ một thứ "lô-gích" của mình về "tự do tôn giáo".
Trước hết là, trong khi đa số các nước châu Âu nhìn nhận "giáo hội tôn giáo" trong các yếu tố tạo thành "tôn giáo" một cách ổn định, thì một số thế lực ở Mỹ lại đề cao tính đa nguyên tôn giáo, mà hàng trăm giáo phái, "tôn giáo mới" phần lớn theo nguyên tắc "tôn giáo cá thể". Điều này cắt nghĩa hiện tượng: Gần đây Mỹ phê phán Pháp, Đức, Bỉ... là những nước ngăn cấm các giáo phái có nguồn gốc từ Mỹ như Nhân Chứng Jéhovah, Giáo phái khoa học luận, Hare Krishnas... và coi họ là nhóm nước "khiếm khuyết trong chính sách tự do tôn giáo".
Thứ hai, trong khi đa số các nước muốn thực thi chính sách thế tục hóa trung tính, đặc biệt vai trò "trung lập" của Nhà nước trước các tôn giáo thì Mỹ lại nghiêng về một thái độ thế tục tích cực, nghĩa là vẫn có sự ủng hộ, bảo trợ các giáo hội khi cần thiết, bởi vì trong hệ tư tưởng Mỹ, tôn giáo - trước hết là Tin lành - được coi là một trong những căn tính của văn hóa Mỹ. Lô-gích tiếp theo là sự áp đặt thứ văn hóa toàn cầu kiểu Mỹ mà nhiều người nhận xét là "một dạng văn hóa xiết cổ thế giới".
Người Mỹ thường cho rằng, nhà nước không thể và không nên "định nghĩa" tôn giáo, bất cứ một ai, một nhóm nào tự tuyên xưng Đức tin, có đăng ký "tôn giáo của mình"... Với người Việt Nam thì không có ví dụ nào sinh động hơn cái gọi là Tin lành Đê-ga, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ được coi là "tôn giáo" cả, dù nó còn tồn tại ở Mỹ.
Phải chăng đây cũng là một cơ sở quan trọng trong lập luận của một số thế lực ở phía Mỹ lên án sự "vi phạm nhân quyền tôn giáo" ở một số nước, trong đó có Việt Nam, những quốc gia có chủ quyền và có quan điểm của mình về vấn đề tự do tôn giáo?
Nếu như vậy, vấn đề ở chỗ: Những giá trị phổ biến của Công ước quốc tế về vấn đề nhân quyền tôn giáo còn có giá trị? Bởi vì, cũng như nhiều dân tộc, dân tộc Việt Nam trong khi xây dựng đất nước, đã và đang hoàn thiện chính sách tự do tôn giáo nhất quán từ ngày 2-9-1945, ngày càng tỏ rõ sự nhất quán và thực hiện trên thực tế.
GS, TS ĐỖ QUANG HƯNG