Phó Thủ tướng Vũ Khoan: VN chào đón và sẵn sàng cho hội nhập

nhandan.org.vn, cập nhật 18 giờ - 17-10-2003


Theo Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Việt Nam sẽ đem tới Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Đông Á thông điệp “Việt Nam chào đón và sẵn sàng cho kinh doanh”. Ông khẳng định, hội nhập kinh tế đầy đủ sẽ đem lại mối lợi cho cả Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài.

Hỏi: Xin Phó thủ tướng cho biết thông điệp chính mà Việt Nam sẽ mang đến Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Ðông Á 2003 là gì?

Trả lời: Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Ðông Á do Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức hằng năm, quy tụ lãnh đạo các chính phủ và doanh nghiệp trong và ngoài khu vực. Qua Hội nghị này, chúng ta khẳng định với bạn bè và đối tác về chính sách sẵn sàng là bạn và đối tác tin cậy với các nước, phấn đấu vì hoà bình an ninh và phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Ðồng thời, chúng ta sẽ giới thiệu những nét mới trong chính sách kinh tế - xã hội của nước ta theo đường lối đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế. Thông điệp chính mà chúng ta muốn gửi tới các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực là "Việt Nam chào đón và sẵn sàng cho kinh doanh" như chủ đề theo dự kiến mà Ban tổ chức dành cho phiên giới thiệu về Việt Nam.

Hỏi: Xin Phó thủ tướng đánh giá những lợi thế cơ bản của Việt Nam với vai trò là một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và kinh doanh?

Trả Lời: Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành công trong công cuộc đổi mới, duy trì tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, hơn 7%. Gần đây, trong các đánh giá của nhiều tổ chức kinh tế - tài chính quốc tế kể cả IMF, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu trong khu vực và trên thế giới. Một số lợi thế chính của Việt Nam có thể tóm tắt như sau:

Thứ nhất, Việt Nam đổi mới thành công, duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, đang cải thiện thể chế kinh tế, từng bước hình thành thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, đi đôi với đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thông thóang và thuận lợi.

Thứ hai, khung pháp luật, chính sách về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam liên tục được hoàn thiện, thông thóang và được đánh giá là có sức hấp dẫn hơn. Nhiều lĩnh vực và hình thức đa dạng mở ra cho các nhà đầu tư nước ngoài như cho phép đầu tư theo công ty cổ phần, niêm yết trên thị trường chứng khóan...

Thứ ba, chúng ta có gần 45 triệu người lao động, phần lớn là lực lượng trẻ chiếm gần 2/3. Kỹ sư, lao động ở Việt Nam có mức lương thấp hơn so với các nước trong khu vực nhưng trình độ, kỹ năng lại không thua kém bao nhiêu. Lao động của Việt Nam, nhất là lực lượng trẻ rất ham học hỏi và có khả năng nắm bắt nhanh, đặc biệt những lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, phần mềm, máy tính.

Thứ tư, Việt Nam là nước được đánh giá là có tình hình chính trị - xã hội ổn định.

Thứ năm, Việt Nam nằm trong khu vực châu Á năng động về kinh tế. Tuy có sự cạnh tranh gay gắt về thu hút đầu tư nước ngoài nhưng Việt Nam là sự lựa chọn quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa đầu tư của nhiều công ty. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực giúp Việt Nam gắn kết chặt chẽ hơn với thị trường các nước Ðông - Nam Á, Ðông Á và thế giới.

Hỏi: Phó thủ tướng có đánh giá gì về năng lực cạnh tranh của Việt Nam?

Trả lời: Năng lực cạnh tranh quốc gia được xem xét trên nhiều tiêu chí, trong đó tăng trưởng kinh tế chỉ là một nhân tố. Nâng cao năng lực cạnh tranh là quan tâm và là ưu tiên hàng đầu hiện nay của Chính phủ. Chúng ta đã có nhiều cố gắng và năng lực cạnh tranh của ta cũng được cải thiện khá nhiều trong những năm đổi mới. Song cũng phải thấy các nước khác cũng cố gắng và cố gắng rất nhiều trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Việc so sánh năng lực cạnh tranh giữa ta với các nước là so sánh động, luôn thay đổi. Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa.

Thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm chi phí đầu vào, tăng cường năng lực cạnh tranh các ngành dịch vụ, nhất là với các ngành liên quan đến hoạt động của nhiều lĩnh vực của nền kinh tế như xuất nhập khẩu, vận tải, ngân hàng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp sẽ có tiếng nói quyết định trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh. Trong sự cọ sát, cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt Nam đã và sẽ thành công.

Hỏi: Xin Phó thủ tướng phân tích thêm về ý nghĩa của các chương trình cải cách trong việc cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam?

Trả lời: Trước hết, các chương trình cải cách sẽ thúc đẩy hình thành đồng bộ và hoàn thiện các thể chế kinh tế thị trường, nhất là những thể chế cần thiết đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, như thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường vốn...

Việc tăng cường cải cách hành chính nói riêng và hoàn thiện hệ thống luật pháp nói chung sẽ bảo đảm môi trường pháp luật rõ ràng, công khai, nhất quán và ổn định, tạo thuận lợi cho các hoạt động của các nhà đầu tư kinh doanh. Việc giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết, xóa bỏ giấy phép con, sự can thiệp của các cơ quan hành chính vào công việc kinh doanh cụ thể của các nhà đầu tư sẽ làm môi trường kinh doanh thông thóang và thuận lợi hơn.

Hiện nay, hơn 80% kiến nghị của doanh nghiệp có vốn nước ngoài đã được giải quyết thỏa đáng. Những chương trình cải cách sẽ thúc đẩy một môi trường kinh doanh lành mạnh và bình đẳng giữa tất cả các thành phần kinh tế, hạn chế lạm dụng vị thế độc quyền. Bên cạnh đó, việc nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, hệ thống tài chính - ngân hàng cũng tạo thuận lợi hơn và giảm các chi phí cho các nhà kinh doanh nói chung.

Hỏi: Việt Nam đang trong quá trình tích cực hội nhập vào nền kinh tế khu vực và thế giới. Xin Phó thủ tướng cho biết quá trình này sẽ đem lại lợi ích như thế nào đối với các nhà đầu tư?

Trả lời: Yếu tố quan trọng nhất để phát triển là thị trường. Thị trường càng lớn thì quy mô sản xuất càng lớn, mới hạ được giá thành, tăng sức cạnh tranh và lẽ dĩ nhiên là lãi mới nhiều. Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực sẽ cho phép tiếp cận thị trường lớn gấp rất nhiều lần khi chưa hội nhập.

Ðơn cử, Việt Nam là thành viên của AFTA thì thị trường sẽ tăng lên gấp nhiều lần về số người tiêu dùng, sức mua và sự đa dạng về hàng hóa, chất lượng. Tương tự như vậy, khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc sẽ hình thành một thị trường gần 1,7 tỷ người tiêu dùng và với GDP 1.700 tỷ USD.

Bên cạnh đó, các rào cản thương mại, cả thuế quan và phi thuế quan, được cắt giảm, tạo thuận lợi hơn cho các nhà kinh doanh, đầu tư. Cũng chính vì mong muốn tạo ra một thị trường rộng lớn, có lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, có lợi cho Việt Nam và các nước, Việt Nam đang cố gắng gia nhập WTO trong thời gian sớm nhất có thể được.

LÊ MINH
(Thời báo Kinh tế Việt Nam)