Các nhà phê bình bàn về văn học hải ngoại

Vnexpress.net, Thứ sáu, 3/10/2003, 10:55 GMT+7



Những năm gần đây, sáng tác của các cây bút xa xứ ngày càng được biết đến nhiều tại quê nhà như 'Ký sự đi Tây' (Đỗ Kh.), 'Sông Côn mùa lũ' (Nguyễn Mộng Giác), 'Những giọt trầm' (Lê Minh Hà)... Một số nhà nghiên cứu đã nhận định về dòng văn học lưu vong này.

- Các tác phẩm văn học hải ngoại được in trong nước thời gian qua phần nhiều đều được tuyển chọn trên cơ sở "tự tình dân tộc". Tại sao các ông lại lấy tiêu chí này?

- Vương Trí Nhàn: Theo tôi, đó chính là cái không thể gạt bỏ ở mỗi tác phẩm văn học: càng trong hoàn cảnh xa lạ, con người càng bộc lộ gốc rễ của mình một cách tinh tế hơn bao giờ hết.

Mặt khác, qua tìm hiểu văn học Nga thế kỷ XX, tôi thấy bộ phận văn học do người Nga lưu vong viết lớn lắm. Còn ở Trung Quốc, một cuốn sách như Khái yếu lịch sử văn học do Nhà xuất bản Đại Bách khoa toàn thư xuất bản đã dịch ra tiếng Việt có những chương riêng về văn học Hong Kong và Đài Loan. Tất nhiên trên thực tế có thể tác giả này được khen, tác giả kia bị phê phán và không cho in, song về nguyên tắc người Trung Quốc vẫn coi bộ phận văn học viết bằng tiếng Hoa ở nước ngoài là một bộ phận của văn học thế kỷ XX ở nước họ. Nhà nghiên cứu văn học Trung Hoa, chị Phạm Tú Châu kể với tôi là có cả một tập san riêng mang tên Đài Cảng văn học tuyển san chuyên in các sáng tác của người Hoa xa xứ... Tôi hy vọng bộ phận văn học của bà con ở nước ngoài sớm muộn cũng sẽ được coi như một bộ phận của văn học Việt.

- Hoàng Ngọc Hiến: Trong sự tiếp xúc và thưởng thức văn chương, tôi không coi trọng việc tìm về địa điểm xuất phát của những tác phẩm mà chỉ lưu ý tới phẩm giá của chúng, chú ý đến tính nhân bản đại đồng. Trong một số truyện đã đọc, tôi thường gặp những nhân vật bà già truyền thống, nếp sống nếp nghĩ của họ có thể coi là những cứ liệu lý thú để xác định bản sắc dân tộc. Bà Bếp Luông trong Lớp sóng phế hưng của Hồ Trường An là một ví dụ. Bà má trong truyện Nụ cười tre trúc của Kiệt Tấn cũng là sự hiện thân của tình thương và đạo lý sơ yếu nhất ta hay thấy ở người Việt. Mặt khác, bản sắc dân tộc trong tác phẩm còn thể hiện ở tài năng sử dụng ngôn ngữ văn học dân tộc của tác giả. Bởi vậy, sự nghiên cứu đầy đủ từ vựng trong ngôn ngữ văn học Việt của bộ phận người Việt xa xứ có thể đem lại những sự bổ sung quan trọng cho các bộ từ điển tiếng Việt.

- Văn Chinh: Đọc những tác phẩm của các bạn đang sống nơi xa viết về nỗi buồn tha hương và mặc cảm ngụ cư, tôi cũng có nhiều cảm thông. Tôi cho rằng các nhà văn lưỡng biên, lưỡng quốc tịch luôn tiềm ẩn lợi thế so sánh trong cái nhìn, chẳng hạn Di chúc Pháp của Andre Makin.

- Theo các ông, làm thế nào để tìm được sự đồng cảm giữa người đọc trong nước và nước ngoài?

- Hoàng Ngọc Hiến: Tôi muốn mọi người cùng chia sẻ quan niệm: văn học là đất của "tâm xả", đó là tâm thế buông bỏ những thành kiến và cố chấp, những sự phân biệt cứng nhắc và giả tạo về thiện ác, xấu đẹp, cấp tiến, bảo thủ... Những tác phẩm trong đó tác giả tiếp cận chủ đề oán thù và giận hờn với cái tâm hoá giải.

- Văn Chinh: Các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Mộng Giác, Khánh Trường, Kiệt Tấn, Đỗ Kh. sở dĩ đi gần tới cái muôn thuở của con người là do họ không bị những bóng ma hận thù ám thị. Cái chính là chúng ta phải cố vượt lên trên tinh thần phe phái vốn khuôn cứng mọi sáng tạo.

- Dẫu sao, việc một số tác phẩm của các cây bút hải ngoại cũng đã mở một cánh cửa để các nhà văn Việt Nam có dịp giao lưu học hỏi nhau. Theo các ông, dòng văn học hải ngoại này đã tác động tới nền văn học trong nước thế nào?

- Văn Chinh: Muốn không định kiến thì anh phải có cơ hội đặt rất nhiều ý kiến khác nhau trên cùng một mặt phẳng để chọn lựa. Và về mặt này thì các nhà văn ở xa có cơ hội hơn, ít nhất là ở chỗ va đập trực diện và thường xuyên hơn.

- Vương Trí Nhàn: Những tìm tòi trong việc mở rộng ngôn ngữ văn chương của các bạn viết đang sống nơi xa, dù thành công, dù thất bại, theo tôi, đều đáng quý. Mặt khác, theo đánh giá của tôi, khi sống ở nước ngoài, cảm hứng về tiếng Việt của một số tác giả càng nhạy bén và chính xác hơn khi họ ở trong nước. Tôi cảm thấy mình có thêm những người đồng hành gần gũi trong những quan sát và tìm tòi ngôn ngữ mỗi khi cầm bút.

(Theo Thể Thao & Văn Hoá)