Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên nói về kết quả HN ASEAN
Nhandan.org.vn, cập nhật 23 giờ 30 - 8-10-2003
Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đã nhận xét như vậy trong trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân về Hội nghị cấp cao ASEAN - 9 và các Hội nghị cấp cao ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), ASEAN+1 (với từng nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ) tại Bali.
- Xin Bộ trưởng đánh giá kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN-9 và các Hội nghị cấp cao vừa họp ở Bali?
Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên: Với chủ đề "Hướng tới một cộng đồng kinh tế, an ninh và văn hóa, xã hội ASEAN", tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN đã cùng nhau đánh giá sâu sắc về tình hình thế giới và khu vực, bàn các biện pháp cụ thể tăng cường đoàn kết nội khối, duy trì hòa bình và an ninh, thúc đẩy liên kết và tăng trưởng kinh tế trong ASEAN, làm sâu sắc thêm tiến trình hợp tác ASEAN+ 3 và tăng cường hơn nữa hợp tác với từng đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Theo tôi, Hội nghị cấp cao ASEAN - 9 và các Hội nghị cấp cao khác năm nay đã đạt được những kết quả chính sau:
Một là, trên cơ sở phân tích và đánh giá những phát triển của tình hình thế giới, nổi bật là cuộc chiến tranh I-rắc, nguy cơ khủng bố ở khu vực, sự bùng phát của bệnh SARS, tác động nghịch của toàn cầu hóa, các nhà lãnh đạo ASEAN đã đi đến nhận thức chung là các nước ASEAN cần phải tăng cường đoàn kết và hợp tác trong Hiệp hội trên mọi lĩnh vực, đồng thời mở rộng hợp tác với bên ngoài để vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển.
Hai là, Hội nghị đã thông qua "Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II", một văn kiện hết sức quan trọng. Trên cơ sở giữ vững các nguyên tắc cơ bản của ASEAN là độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ, đồng thuận và giải quyết hòa bình mọi bất đồng, tranh chấp, Tuyên bố đã đề ra những định hướng chiến lược cho sự phát triển của ASEAN hướng tới xây dựng một cộng đồng ASEAN năng động, tự cường và gắn kết vào năm 2020 với ba trụ cột chính là hợp tác chính trị - an ninh (hình thành Cộng đồng An ninh ASEAN - ASC), hợp tác kinh tế (Cộng đồng Kinh tế ASEAN - AEC) và hợp tác văn hóa, xã hội (Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN - ASCC).
Ba là, về hợp tác duy trì hòa bình và an ninh khu vực, Hội nghị đã thống nhất cần tăng cường tiếp xúc, trao đổi giữa Lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN qua nhiều kênh khác nhau để củng cố hơn nữa hiểu biết, tin cậy, kịp thời xử lý các khác biệt một cách nhanh chóng và hiệu quả; bàn các biện pháp hợp tác chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia; bàn việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) làm cơ sở cho việc hình thành Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) sau này; xúc tiến hơp tác trên biển, tăng cường trao đổi thông tin nghiệp vụ chống khủng bố, ... Đáng kể là tại Hội nghị cấp cao năm nay, lần đầu tiên hai quốc gia ngoài Đông - Nam Á là Trung Quốc và Ấn Độ đã chính thức tham gia Hiệp ước Thân Thiện và Hợp tác ASEAN (TAC), mở ra triển vọng biến TAC thành bộ quy tắc ứng xử giữa ASEAN và các quốc gia ngoài khu vực.
Bốn là, về hợp tác kinh tế và phát triển, các nhà lãnh đạo thống nhất rằng để tiến tới thiết lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2020, ASEAN cần thực hiện các khuyến nghị của Nhóm đặc trách cấp cao (HLTF) về tăng cường liên kết kinh tế ASEAN, đặc biệt đẩy nhanh việc thực hiện tự do hóa đối với 11 lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục thực hiện Chương trình Hành động Hà Nội, Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) nhằm giúp thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên và đẩy nhanh hội nhập. Ngoài ra, các Nhà lãnh đạo cũng giao cho các Bộ trưởng Kinh tế chỉ đạo Nhóm đặc trách và các quan chức kinh tế cấp cao tiếp tục nghiên cứu đề xuất những biện pháp mới khác nhằm tích cực hiện thực hóa AEC.
Năm là, Hội nghị cấp cao lần này cũng đã đặt nền tảng cho việc mở rộng và làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác nhiều mặt và liên kết kinh tế chặt chẽ giữa ASEAN với các nước đối tác lớn trong khu vực thông qua việc ký một số văn kiện quan trọng như "Tuyên bố Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc", "Khuôn khổ Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản", và "Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Ấn Độ". Trong khuôn khổ ASEAN + 3, các nước ASEAN và Đông Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã nhất trí đẩy nhanh thực hiện các khuyến nghị của Nhóm Nghiên cứu Đông Á, đặc biệt là 17 khuyến nghị ngắn hạn về hợp tác Đông Á. Các nước Đông Bắc Á và Ấn Độ cũng khẳng định sẽ gia tăng các cam kết hỗ trợ thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN, dành cho các nước thành viên mới các quy chế ưu đãi và linh hoạt trong tiến trình triển khai các cam kết xây dựng đối tác kinh tế.
Với những kết quả trên đây, có thể nói Hội nghị cấp cao ASEAN-9 và các Hội nghị cấp cao liên quan đã thành công tốt đẹp, đề ra nhiều định hướng đúng cho một cộng đồng ASEAN sống trong hòa bình, ổn định, liên kết, tự cường và mở rộng hợp tác với bên ngoài, đặc biệt với các nước Đông Bắc Á.
- Theo Bộ trưởng, việc Trung Quốc và Ấn Độ chính thức tham gia Hiệp ước Bali có ý nghĩa như thế nào trong tình hình hiện nay?
- Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ASEAN (TAC) đã được ký tại Hội nghị cấp cao ASEAN đầu tiên cũng được tổ chức tại hòn đảo Bali cách đây 27 năm. Đây là một văn kiện rất quan trọng đề ra các nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa quốc gia thành viên của ASEAN, trong đó có nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực và từ bỏ việc đe doạ sử dụng vũ lực... Thực tế cho thấy, TAC đã trở thành bộ quy tắc chỉ đạo quan hệ giữa các nước ASEAN, đặt cơ sở cho việc xây dựng một Đông - Nam Á hòa bình, ổn định, tự cường, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Việc Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước lớn ngoài khu vực chính thức tham gia TAC trong dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần này mang ý nghĩa rất sâu sắc.
Thứ nhất, nó chứng tỏ TAC là văn kiện pháp lý rất cơ bản cho việc xây dựng mối quan hệ không chỉ giữa các nước ASEAN với nhau mà còn với các nước ngoài khu vực, mở đường cho các nước lớn khác ngoài khu vực như Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, ... tham gia TAC trong thời gian tới.
Thứ hai, việc Trung Quốc và Ấn Độ tham gia TAC cho thấy sự đánh giá cao và quan tâm của hai nước đối với vai trò và uy tín ngày càng cao của ASEAN ở khu vực và trên trường quốc tế.
Thứ ba, TAC sẽ là cơ sở để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, đồng thời xây dựng và củng cố mối quan hệ hữu nghị toàn diện giữa Trung Quốc và Ấn Độ với các nước ASEAN trong thế kỷ 21.
Với những ý nghĩa đó, tôi cho rằng TAC sẽ tiếp tục đóng vai trò to lớn trong việc củng cố xu thế hòa bình, ổn định, hữu nghị và hợp tác cùng phát triển ở Đông - Nam Á và Đông Á nhiều năm tới đây.
- Xin Bộ trưởng cho biết những đóng góp của Việt Nam vào thành công của các hội nghị cấp cao ở Bali lần này?
- Chỉ một thời gian ngắn sau khi gia nhập ASEAN, chúng ta đã đăng cai và tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN-6 tại Hà Nội năm 1998, phát huy tốt vai trò Chủ tịch Ủy ban thường trực ASEAN (ASC) năm 2001, đồng thời có nhiều đóng góp cụ thể trong việc tăng cường đoàn kết và hợp tác ASEAN. Phát huy tinh thần đó, trong các hội nghị cấp cao ở Bali năm nay chúng ta đã có những đóng góp rất thiết thực vào thành công của hội nghị, được nước chủ nhà, bạn bè trong và ngoài khu vực đánh giá cao.
Trong bối cảnh ASEAN phải đối phó với nhiều thách thức cả từ bên ngoài và bên trong, chúng ta đã tích cực cùng các thành viên khác ASEAN bàn và đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở Đông - Nam Á, chẳng hạn các biện pháp nhằm đưa Hội đồng Tối cao của TAC vào hoạt động và thực hiện Tuyên bố về Cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC),... Đây là tiền đề quan trọng để ASEAN đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực khác.
Chúng ta cũng tích cực đóng góp ngay từ khâu chuẩn bị xây dựng nội dung và thông qua các văn kiện chính thức của Hội nghị, đặc biệt là Tuyên bố Hòa hợp ASEAN II, phù hợp với Tầm nhìn 2020, Chương trình hành động Hà Nội (HPA), giữ vững định hướng phát triển của Hiệp hội trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của ASEAN, tăng cường đoàn kết và hợp tác bên trong Hiệp hội và mở rộng hợp tác với bên ngoài.
Hướng tới việc xây dựng một cộng đồng kinh tế ASEAN, chúng ta đã chủ động tham gia xây dựng và triển khai thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI), vận động các nước Đông Bắc Á và Ấn Độ ủng hộ và tham gia chương trình này và các dự án phát triển Tiểu vùng sông Mê Công, Hành lang Đông Tây (WEC); tích cực tham gia xây dựng các khuôn khổ hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác, nhất là với Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.
Tiếp theo những sáng kiến đưa ra năm 2002, tại các Hội nghị cấp cao ASEAN năm nay, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đưa ra hai sáng kiến mới:
Một là, Hội nghị các Tỉnh trưởng/Thống đốc bang ASEAN nhằm tạo điều kiện cho các tỉnh, bang vùng sâu, vùng xa của các nước ASEAN có cơ hội trao đổi kinh nghiệm, tạo lập quan hệ và giúp đỡ nhau tìm cơ hội đầu tư, buôn bán và cùng phát triển.
Hai là, Hội chợ du lịch Đông Á tổ chức hằng năm luân phiên ở các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm khai thác thế mạnh tiềm năng du lịch của khu vực, tăng cường hiểu biết lẫn nhau về văn hóa. Hội nghị đã đánh giá cao các sáng kiến trên đây của Thủ tướng Phan Văn Khải.
Thành công của Hội nghị cấp cao ASEAN năm nay, trong đó có sự đóng góp của Việt Nam, đã tạo luồng sinh lực mới cho sự đoàn kết và hợp tác của Hiệp hội, nâng cao hình ảnh và uy tín của ASEAN ở khu vực và trên thế giới, tạo thế mới cho ASEAN trong quan hệ với các đối tác bên ngoài, trước hết là các nước Đông - Bắc Á và Ấn Độ trong những năm tới đây.
QUANG HOÀN
(Thực hiện tại Bali)