Nhân lực người Việt Nam ở nước ngoài: Chăm rễ - bền gốc
Nhandan.org.vn, cập nhật 18giờ30 - 17-9-2003
Trí thức kiều bào là một nguồn lực to lớn và đã tham gia vào các lĩnh vực giáo dục, đào tạo của đất nước những năm qua. Giờ đây Nhà nước ta lại hướng vào các khả năng chuyển giao công nghệ, kỹ thuật cao, mang tính đột phá cho nền kinh tế của trí thức Việt kiều.
Theo ước tính, trong cộng đồng 2,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, có khoảng 300.000 người có trình độ từ đại học trở lên. Đây là đội ngu trí thức kiều bào được đào tạo chính quy trong môi trường khoa học hiện đại, được tiếp cận và cập nhật với những tiến bộ mới nhất của khoa học kỹ thuật thế giới và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công tác khoa học, trong quản lý kinh tế, hành chính, thương mại và kinh doanh. Họ có ưu thế mạnh trong các lĩnh vực tin học, quản lý kinh tế, khả năng sáng tạo, năng lực tổng hợp thông tin, tư vấn đề xuất, và có mối quan hệ rộng rãi với các cơ sở khoa học, kinh tế ở nước sở tại và trên trường quốc tế. Cần có những giải pháp nào để thu hút nhân lực trong cộng đồng này?
Hằng năm, có khoảng 200 lượt trí thức kiều bào được các bộ, ngành trong nước mời về làm việc; một số khác được mời tham gia làm tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ... Riêng với ngành giáo dục, mỗi năm đã có hàng chục lượt giáo sư, trí thức về nước tham gia có hiệu quả cho các công việc giảng dạy, tư vấn và đầu tư. Những tên tuổi như GS.TS kinh tế Trần Văn Thọ (Nhật), TS kinh tế Nguyễn Quang Việt (Mỹ), GS.TS. máy tính và mô hình toán Huỳnh Ngọc Phiên (Thái Lan), GS.TS. vật lý Nguyễn Quang Riệu (Pháp), GS.TS Trương Nguyễn Trân (Pháp), GS Trần Văn Khê (Pháp)... đã trở nên thân quen với giới sinh viên, học sinh trong nước. Bộ Giáo dục - Đào tạo đã trao tặng Huy chương "Vì sự nghiệp giáo dục" cho nhiều trí thức người Việt Nam ở nước ngoài như GS.TS Đoàn Kim Sơn (Pháp), GS.TS Huỳnh Ngọc Phiên (Thái Lan)... Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2684 (1994) về việc thành lập Ban Tư vấn về giáo dục. Tuy nhiên, thời gian qua, ta mới thu hút được các trí thức Việt kiều tham gia chủ yếu ở lĩnh vực giáo dục đại học, lĩnh vực giáo dục phổ thông, đào tạo công nhân kỹ thuật hầu như rất ít hoặc mới triển khai thí điểm một vài nơi.
Những chính sách đặc biệt cần ưu đãi với trí thức kiều bào giờ đây cần hướng tới việc thu hút trí thức người Việt ở nước ngoài có khả năng chuyển giao công nghệ, kỹ thuật có tính chất đột phá cho nền kinh tế, khoa học công nghệ của đất nước; đặc biệt đối với một số chuyên gia người Việt có trình độ xuất sắc trong một số lĩnh vực công nghệ cao như về tin học, viễn thông, vật liệu mới... làm nòng cốt cho việc triển khai các chiến lược đối với những lĩnh vực này. Chính sách cũng nên hướng tới khuyến khích các nhà khoa học, kiều bào đã về hưu (nhưng còn sức khỏe) về nước làm việc. Đối tượng này có kinh nghiệm của nhiều năm công tác, có quan hệ rộng và có chế độ lương bổng bảo đảm cho công tác không sợ khó khăn do chế độ đãi ngộ có hạn trong nước. Những người này về nước còn tạo ra sự gắn bó của con cháu ở ngoài với đất nước. Trên hết, cần có một nghị định của Chính phủ về tranh thủ, huy động và sử dụng chất xám trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, trên tinh thần có lòng tin ở họ và dành cho họ những sự đối xử bình đẳng như công dân trong nước mà còn có sự ưu đãi cao và trân trọng mọi sự đóng góp.
Nhiều trí thức người Việt ở nước ngoài với kinh nghiệm và trình độ của mình, cộng với mối quan hệ được cọ xát và chọn lọc, là những người có thể làm vai trò "bộ lọc" giúp cho các cơ quan trong nước cân nhắc lựa chọn và xác định hợp lý các đối tác các vấn đề và cách quan hệ trong xây dựng và tăng cường quan hệ hợp tác song phương và đa phương giữa Việt Nam với các nước. Trong bối cảnh thế giới chịu sức ép mạnh mẽ của toàn cầu hóa, Việt Nam chủ động hội nhập với kinh tế khu vực và kinh tế thế giới, tranh thủ các nguồn lực từ quốc tế có thể hỗ trợ cho Việt Nam để thực hiện rút ngắn con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thì các "bộ lọc" trong trí thức và nhà kinh doanh người Việt ở nước ngoài càng có nhiều lợi thế để hỗ trợ.
Trước mắt và lâu dài, Chương trình - Đề án phổ biến tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài trong đó có việc xây dựng và thực hiện chính sách hỗ trợ việc dạy và học tiếng Việt ở ngoài nước nhất là những khu vực có đông người Việt sinh sống, biên soạn chương trình, giáo trình và các phương tiện, công cụ học tiếng Việt, cử giáo viên ra ngoài, tạo điều kiện cho học sinh sinh viên về nước học tiếng Việt... phải được tập trung đầu tư. Chính sách ưu đãi, khen thưởng, phong tặng học hàm, học vị và các danh hiệu danh dự cho những trí thức kiều bào có đóng góp quan trọng, giá trị cho ngành giáo dục - đào tạo của đất nước cần phải làm thường xuyên hơn nữa.
HẰNG VĂN
(Báo Đại đoàn kết)