Ngày 5-9, Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường
Nhandan.org.vn, cập nhật 23giờ00 - 4-9-2003
Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ khai giảng năm học mới tại Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên
* Gần 22 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới 2003-2004
Sáng 4-9, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đến dự và phát biểu ý kiến tại Lễ khai giảng năm học mới của Trường THPT Phan Đình Phùng (quận Ba Đình, Hà Nội), một trường có nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và là một trong 45 trường THPT trong cả nước thí điểm dạy chuyên ban theo tinh thần đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Sau khi nghe Hiệu trưởng Bùi Văn Thanh báo cáo tình hình dạy và học của nhà trường, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đánh hồi trống khai giảng năm học 2003-2004, mở đầu năm học thứ 30 của Trường THPT Phan Đình Phùng từ khi thành lập đến nay.
Phát biểu ý kiến tại lễ khai giảng, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nhắc lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em", và nhấn mạnh, con đường tiến lên của dân tộc ta là rạng rỡ, nhưng cũng cần nhận thức rõ trong điều kiện cách mạng khoa học và công nghệ phát triển như vũ bão, lợi thế sẽ thuộc về quốc gia nào có nguồn nhân lực có trí tuệ cao, có kỹ năng vững vàng, có khả năng sáng tạo lớn, đủ sức vượt qua thách thức, giành lấy thời cơ. Nhà trường và xã hội có trách nhiệm rất to lớn cả trong việc nâng cao kiến thức và trí tuệ cũng như phát triển toàn diện nhân cách, bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội cho thế hệ trẻ; giúp cho các em có tri thức vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có tư duy sáng tạo và năng lực thực hành giỏi, có ý chí vươn lên trong học tập, rèn luyện để lập thân, lập nghiệp, vững vàng tiếp bước các thế hệ cha anh, góp phần xây dựng đất nước hưng thịnh, phú cường. Dạy chữ và dạy người, đặc biệt là rèn luyện về đạo đức, lý tưởng, hoài bão hết lòng vì đất nước, vì nhân dân, luôn luôn là những mục tiêu cao nhất của nhà trường xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Tổng Bí thư chỉ rõ: Ngành giáo dục phải làm tốt việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, coi đó như là một khâu có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp cải cách giáo dục. Đồng thời chú trọng xây dựng đội ngũ, nâng cao vai trò rất quyết định của các thầy giáo, cô giáo. Trong suốt thời gian dài, đội ngũ giáo viên của chúng ta đã tích cực thực hiện đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước, rất nhiều nhà giáo cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ, được nhân dân tin yêu, kính trọng. Ngày nay, nhiều thầy giáo, cô giáo cũng đang kiên trì bám trụ tại những địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, tận tụy dìu dắt con em đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, giúp các em học tập và rèn luyện. Đối với các thầy giáo, cô giáo có nhiều công lao trong sự nghiệp phát triển giáo dục, ngành giáo dục cần chủ động đề xuất để Nhà nước có những hình thức động viên về vật chất và tinh thần; đồng thời cần nêu cao những tấm gương trong sáng về đạo làm thầy để đồng nghiệp và học sinh học tập.
Tổng Bí thư mong rằng, Trường THPT Phan Đình Phùng, cũng như tất cả các nhà trường trên mọi miền đất nước sẽ ngày càng gắn bó với cha mẹ học sinh, gắn bó với cộng đồng, với xã hội, thể hiện ngày càng rõ tư tưởng giáo dục là của dân, do dân, vì dân. Các bậc cha mẹ học sinh cùng sát cánh với nhà trường chăm lo hơn nữa việc giáo dục con cháu, tạo nên môi trường gắn bó chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục và rèn luyện thế hệ trẻ. Tổng Bí thư đề nghị các cấp ủy đảng, HĐND, UBND cùng ngành giáo dục và đào tạo quan tâm phát hiện, bồi dưỡng những tài năng từ các trường học, chăm lo phát triển giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, quan tâm giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tới các cháu có số phận rủi ro và thực hiện công bằng trong giáo dục; huy động nhân dân cùng đóng góp trí tuệ, công sức, tiền của để xây dựng nền giáo dục nước nhà.
Trong niềm vui khai trường, Tổng Bí thư chúc các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh Trường THPT Phan Đình Phùng, các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh của thủ đô Hà Nội, cũng như các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh trong cả nước đạt nhiều thành tích mới trong phong trào thi đua "dạy tốt" và "học tốt".
* Sáng 4-9, trong niềm hân hoan chào đón năm học mới, tập thể giáo viên và học sinh Trường THPT Trần Phú (tỉnh Vĩnh Phúc) đã vinh dự được đón Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia giáo dục, đến thăm và dự lễ khai giảng năm học mới 2003 -2004.
Thay mặt tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THPT Trần Phú, cô giáo Trần Thị Thục, Hiệu trưởng nhà trường, trân trọng báo cáo với Thủ tướng Phan Văn Khải những kết quả đạt được trong năm học vừa qua và những mục tiêu đặt ra của năm học mới 2003-2004.
Phát biểu ý kiến với tập thể giáo viên và học sinh Trường THPT Trần Phú, thay mặt lãnh đạo Đảng và Chính phủ, Thủ tướng Phan Văn Khải gửi tới các thầy giáo, cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Thủ tướng nhấn mạnh: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho sự nghiệp phát triển giáo dục - đào tạo với nhận thức ngày càng sâu sắc rằng, giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, có tác dụng rất to lớn trong công cuộc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước ta. Thủ tướng Phan Văn Khải đã đánh hồi trống khai trường của năm học mới 2003 - 2004 và trồng cây lưu niệm trong khuôn viên của nhà trường. Trong dịp này, Thủ tướng Phan Văn Khải đã đến thắp hương tưởng niệm Bác Hồ kính yêu và trồng cây lưu niệm trong khuôn viên Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh của tỉnh Vĩnh Phúc.
* Sáng 4-9, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã đến dự lễ khai giảng năm học 2003-2004 của Trường THPT thị xã Hưng Yên.
Chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã phát biểu ý kiến chúc các thầy giáo, cô giáo và toàn thể học sinh của trường đạt nhiều thành tích xuất sắc trong năm học mới 2003-2004. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An nhiệt liệt biểu dương và khen ngợi những thành tích trong giảng dạy và học tập của Trường THPT thị xã Hưng Yên, một trường học đã có bề dày truyền thống 44 năm. Trường đã ba lần được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động, liên tục là trường tiên tiến xuất sắc của ngành giáo dục tỉnh. Chủ tịch Nguyễn Văn An nêu rõ: Hưng Yên là tỉnh có truyền thống văn hóa và đấu tranh cách mạng kiên cường, nơi sinh ra những người con ưu tú của đất nước. Cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp giáo dục và đào tạo của Hưng Yên cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ với 100% số xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập THCS vào năm 2001; mạng lưới giáo dục phát triển, tỷ lệ huy động học sinh đến trường đạt cao; cơ sở vật chất trường học được bảo đảm với tỷ lệ phòng học kiên cố, cao tầng đạt hơn 70%; công tác xã hội hóa giáo dục, môi trường, kỷ cương giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Chủ tịch Nguyễn Văn An lưu ý các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân trong tỉnh cần tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo; coi đó là chiến lược quan trọng hàng đầu, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của tỉnh và của đất nước.
Sau tiếng trống khai trường, Chủ tịch QH Nguyễn Văn An và các vị lãnh đạo tỉnh đã trồng cây đa lưu niệm tại sân trường.
* Ngày 5-9, hơn 21 triệu 940 nghìn học sinh, sinh viên (trong đó có hơn 20 triệu 500 nghìn học sinh từ mầm non đến THPT) bước vào năm học mới 2003-2004 - năm thứ hai ngành giáo dục và đào tạo triển khai chương trình, sách giáo khoa mới (lớp 2, lớp 7), củng cố vững chắc chất lượng giáo dục lớp 1, lớp 6 và chuẩn bị tốt các điều kiện để đổi mới các lớp tiếp theo vào năm học 2004-2005. So với năm học trước, số học sinh năm học này giảm chút ít, do số học sinh bậc tiểu học giảm.
Năm học này, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, chiến lược phát triển giáo dục 2001-2010, Chương trình hành động của Chính phủ và của ngành thực hiện kết luận Hội nghị T.Ư 6 (khóa IX). Thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông, ngành tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với đổi mới thiết bị giáo dục và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý, từng bước đổi mới cách đánh giá, thi cử. Củng cố, phát triển mạng lưới trường học, mở rộng quy mô hợp lý, quan tâm phát triển giáo dục mầm non, chú trọng khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu không còn xã trắng về giáo dục mầm non. Các địa phương tích cực đẩy mạnh tiến độ kiên cố hóa trường lớp học, cố gắng cuối năm 2003, xóa xong các phòng học ba ca, đến năm 2005 không còn phòng học tạm, tranh, tre, nứa lá. Tăng cường phân cấp quản lý về thi cử cho các địa phương theo hướng gắn tự chủ với tự chịu trách nhiệm. Ngành giáo dục và đào tạo khẩn trương triển khai Đề án xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên (sau khi được Chính phủ phê duyệt). Phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn; củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục các trường dân tộc nội trú tỉnh, trường dự bị đại học thành các trường đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển các trường này. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thực hiện kế hoạch hành động quốc gia giáo dục cho mọi người, tạo điều kiện phát triển thêm các trường ngoài công lập, mở rộng mạng lưới các trung tâm học tập cộng đồng. Đổi mới quản lý sắp xếp, tổ chức lại bộ máy quản lý theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, tăng cường nền nếp, kỷ cương, khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục.
* Sáng 3-9, Trường tiểu học Bình Minh (Hà Nội) tổ chức kỷ niệm mười năm thành lập và khai giảng năm học mới 2003-2004. Ông Phạm Thế Duyệt, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UB T.Ư MTTQ Việt Nam; bà Trần Thị Tâm Đan, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cùng nhiều vị lãnh đạo ở trung ương, thành phố tới dự.
Trường tiểu học Bình Minh là một trong ba trường của thủ đô đón nhận giáo dục chăm sóc trẻ khuyết tật trong môi trường hòa nhập. Mười năm qua, nhà trường thực hiện mô hình giáo dục dành cho đối tượng học sinh tiểu học bên cạnh mô hình giáo dục hoà nhập dành cho học sinh chậm phát triển trí tuệ. Hằng năm, tỷ lệ học sinh lên lớp của trường đạt 100%, trong đó có 95% số học sinh đạt danh hiệu khá, giỏi. Hàng chục học sinh khuyết tật về trí tuệ đã trưởng thành.
* Sáng 4-9, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2003- 2004. Đây là năm học đầu trường tuyển sinh theo khối lớp chuyên, nâng số trường THPT chuyên của TP Hồ Chí Minh lên hai trường. Phát biểu ý kiến tại buổi lễ khai giảng, ông Nguyễn Minh Triết, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã biểu dương những nỗ lực của tập thể thầy, cô giáo, học sinh nhà trường và nêu một số ý kiến chỉ đạo đối với ngành giáo dục và đào tạo thành phố trong năm học mới. Ông Nguyễn Minh Triết khẳng định, mặc dù trong những năm gần đây, thành phố đã có sự quan tâm nhiều hơn đến giáo dục và đào tạo, nhưng kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với yêu cầu và vị trí của thành phố, chưa xứng đáng với sự đầu tư của thành phố cho ngành giáo dục và đào tạo. Ngành giáo dục và đào tạo phải rà soát lại lực lượng, cải tiến phương pháp, có những bước đi phù hợp đào tạo nhân tài, nâng cao chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó là vấn đề giáo dục tư tưởng, đạo đức cách mạng, lối sống cho học sinh, sinh viên; đồng thời, quan tâm hơn nữa công tác phổ cập giáo dục, làm sao đến năm 2007 hoàn thành phổ cập bậc trung học thay vì năm 2010 như đã đề ra.
* Sáng ngày 4-9, Trường Héc-man (Đà Nẵng) tổ chức khai giảng năm học mới. Năm học 2003-2004, trường đón nhận gần 1.000 học sinh các cấp vào học, trong đó có 141 học sinh trẻ mồ côi Làng SOS. Năm học 2002-2003, ở các cấp học, các em đã mang về cho trường những thành tích đáng tự hào. Ở bậc tiểu học, các em đoạt năm giải nhất, hai giải nhì, hai giải ba về văn hóa cấp quận. Ở bậc THCS và THPT các em đoạt 11 giải nhì, hai giải ba, chín giải khuyến khích về văn hóa cấp thành phố,... một giải khuyến khích vẽ tranh cấp quốc gia. Năm học qua, trường tiếp tục được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhạn trường tiên tiến cấp thành phố, bốn giáo viên được công nhận giáo viên giỏi, 100% số giáo viên đạt chuẩn.