Mỹ trợ cấp 34 triệu USD cho các chủ trại nuôi cá nheo trong nước
Nhandan.org.vn, cập nhật 11 giờ 30 - 7-8-2003
Ngày 5-8, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã chính thức công bố khoản trợ cấp 34 triệu USD của Chính phủ Mỹ hỗ trợ cho các chủ trại nuôi cá nheo về các thiệt hại do "thời tiết không thuận và thiên tai" trong các năm 2001 - 2002. Như vậy, thêm bằng chứng là các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu phi-lê cá tra, cá ba sa không gây thiệt hại cho các chủ trại nuôi cá nheo của Mỹ.
Sau khi biết tin này, ngày 5-8, Thượng nghị sĩ E.M.Kennedy (bang Massachusetts) đã gửi thư cho bà D.T.Okun, Chủ tịch USITC, yêu cầu Ủy ban xem xét lại hoặc tiến hành bỏ phiếu lại để có quyết định đúng đắn. Bức thư viết:
"Hôm nay, tôi gửi thư này mong rằng Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ bắt đầu một sự "thay đổi trong việc đánh giá khẩn cấp" hay tiến hành bỏ phiếu lại hoàn toàn kết luận trong cuộc điều tra về cáo buộc bán phá giá cá "catfish" nêu trên. Tôi đưa ra yêu cầu vì tin rằng có thể Ủy ban chưa nhận thức rõ về hai điểm mấu chốt dường như đã bị bỏ qua trong cáo buộc cá da trơn của Việt Nam bán phá giá ở Mỹ trong năm 2001 và 2002.
Trước tiên, Tổng thống Bush đã ký phê chuẩn Luật Phân bổ ngân sách năm 2003 cho nông nghiệp, phát triển nông thôn, quản lý thực phẩm và dược phẩm và các tổ chức có liên quan (Luật 107-76), trong đó đưa ra định nghĩa cụ thể theo luật định đối với cá "catfish". Ðịnh nghĩa cho rằng chỉ có cá xuất xứ từ họ Ictaluridae theo phân loại học thì mới được gọi là cá "catfish". Nếu đúng như vậy, thì việc áp đặt hạn chế bán phá giá đối với cá da trơn Việt Nam là không phù hợp vì sản phẩm bị điều tra lại thuộc về một họ hoàn toàn khác theo phân loại học Ba sa, tên thông dụng hơn của cá da trơn Việt Nam theo phân loại học, thuộc họ Pangasius. Vì cá ba sa không được coi là catfish theo luật của Mỹ, cho nên điều này có nghĩa là không thể coi nó là cá catfish bị bán phá giá với chủ tâm bảo hộ ngành cá nheo Mỹ.
Thứ hai, trong điều tra bên nguyên khẳng định rằng cá ba sa bán phá giá đã gây khó khăn lớn về tài chính cho ngành cá nheo trong nước và đưa ra các con số thống kê doanh số cụ thể để minh chứng cho sự thiệt hại này. Vậy mà, chỉ mới hôm qua thôi, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã thông báo một khoản trợ cấp 34 triệu USD dành cho ngành cá nheo trong nước dựa trên cơ sở nhận định rằng các thiệt hại về kinh tế này do thiên tai gây ra, điều mà trước đây đã cáo buộc cho việc bán phá giá cá ba sa. Nếu ngành cá nheo chấp nhận sự trợ giúp của Bộ Nông nghiệp, nó cũng phải chấp nhận các kết luận về nguyên nhân gây ra khó khăn về tài chính cho ngành. Ðiều này cũng có nghĩa là phán quyết về chống bán phá giá đối với cá ba sa cần phải được phủ định.
Tôi thành thực tin tưởng rằng Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ sẽ xem xét lại vụ kiện này vì nó có tầm quan trọng đối với các doanh nghiệp trong bang Massachusetts của tôi".
Cùng ngày ông A.H.Forman, Chủ tịch Công ty Infinity Seafood Inc (Mỹ) gửi thư cho các thành viên của VASEP và cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Mỹ. Toàn văn bức thư như sau:
"Hôm qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã ra thông cáo báo chí công bố việc Chính phủ trợ cấp 34 triệu USD cho các chủ trại cá nheo ở miền nam nước Mỹ.
Việc này là một sự kiện nữa tiếp thêm vào phán quyết của Bộ Thương mại Mỹ về mức thuế chống bán phá giá cao tới 36 - 63% và quyết định sai lầm tiếp sau đó của Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC). Với quyết định này, các chủ trại cá nheo Mỹ sẽ được trợ cấp 34 triệu USD tiền hỗ trợ vì thời tiết không thuận lợi và thiên tai trong năm 2001 và 2002.
Tôi tin chắc rằng chính thiệt hại (do thời tiết không thuận và thiên tai) của các chủ trại cá nheo Mỹ - việc này xảy ra cùng thời điểm họ khiếu kiện Việt Nam bán phá giá cá ba sa trên thị trường Mỹ - đã khiến cho cung không đủ cầu, vì thế cá ba sa, cá tra, cá rô phi và cá bơn, những sản phẩm trước đây không quen thuộc với các bang miền nam, trở thành nguồn cung cấp quan trọng bổ sung cho thị trường.
Sau đó, khi các nhà chế biến cá nheo Mỹ khắc phục được khó khăn của họ, thì đương nhiên sẽ xảy ra tình trạng sản xuất thừa phi-lê cá nheo cỡ lớn (5-7 ounce cho tới 9-11 ounce), một số cá do nuôi trữ lâu nên nhiễm mùi bùn, mùi cỏ khó chịu. Ðây chính là nguyên nhân chính tạo ra các vấn đề của họ, chứ không phải là do việc nhập khẩu cá ba sa và cá tra của Việt Nam.
Trong các văn bản đã công bố, những vấn đề này được ém nhẹm đi, bởi nếu được nêu ra chúng sẽ phản bác hoàn toàn các lý lẽ của Hiệp hội Chủ trại cá nheo Mỹ (CFA). Với khoản trợ cấp vì thiệt hại mà họ nêu ra do "thời tiết bất lợi và thiên tai", tôi tin chắc rằng CFA đã cố tình che giấu thông tin này nhằm nhét vào túi các thành viên của họ những khoản tiền thu được từ các doanh nghiệp nhỏ như công ty Infinity của tôi và bây giờ đến lượt những người tiêu dùng Mỹ phải đóng thuế.
Những thực tế đó đòi hỏi cần phải hành động khẩn cấp. Tuy nhiên, vì những thông tin này không được cung cấp cho các cơ quan chính quyền, tôi tin chắc rằng trước đây ITC và DOC đã hành động sai lầm, và vì vậy các quyết định của họ cần được xem xét lại ngay lập tức".