Những người đi diệt họa chết người
Nhandan.org.vn, cập nhật 18giờ30 - 14-7-2003
Cách đây ít năm, ở trường PTCS Gio Châu, Gio Linh, Quảng Trị, các học sinh đang dọn dẹp sân trường thì một quả bom bi phát nổ. Sáu em bị thương và hai em chết. Ở vùng đất Quảng Trị - nơi hứng chịu 10 triệu tấn bom đạn các loại của Mỹ, 38 năm sau chiến tranh, cái chết vẫn còn tiềm ẩn. Những chiến sĩ công binh đang âm thầm đi tìm cái chết dưới lòng đất để vô hiệu nó.
Bắt “thần chết” phải khuất phục
Ngay ở đầu ngõ nhà ông Lê Văn Thành, thương binh loại 1/4, phó chủ tịch xã Triệu Thương, huyện Hải Lăng dễ có đến gần một tấn mảnh bom mìn, đạn pháo, cối, vỏ bom bi. Ông chỉ vào đống sắt gỉ nói: "Đây là những thứ mà các chú bộ đội công binh thuộc trung tâm xử lý và rà phá bom mìn mới rà được dọc đường dây 500kV, trọng phạm vi xã của tôi mà thôi”. Phải đến 10 phút sau, khi uống no những bát chè xanh ở nhà anh Thành tôi mới gặp được trung úy Trần Trọng Thời, đội trưởng, phụ trách 30 chiến sĩ dò mìn bảo đảm an toàn cho hành lang đường điện 500kV thứ hai, tuyến từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng. Tôi cuốc bộ dưới trời lửa và gió nóng theo anh ra công trường cách nơi đội ở dễ đến gần 3km. Đường điện đi qua sông suối, qua ruộng, qua đồng, qua những đồi cây lúp xúp mà ở dưới lòng đất ẩn chứa những cái chết còn để lại từ thời chiến tranh- những quả bom câm, M79, đạn cối đạn pháo và hàng trăm thứ đạn chưa kịp nổ. Đội của Thời toàn chiến sĩ trẻ người dân tộc Mường ở Hòa Bình. Trước khi vào tuyến, ngoài việc huấn luyện các khoa mục của binh chủng công binh, các anh còn được đào tạo hai tháng về kỹ năng sử dụng máy dò mìn, dò bom, cách đào, tháo gỡ dưới sự hướng dẫn tỷ mỷ của những kỹ sư công binh dày dạn về xử lý loại vật liệu nổ này. Công trường toàn cây lúp xúp. 10 người phát tuyến bằng dao quắm. Mồ hôi ướt đầm bộ quân phục rằn ri. Hỏi chuyện binh nhất Phạm Văn Tăng, quê ở Hải Dương, anh dừng tay phát cây, kể: "Phát tuyến phải hết sức cẩn thận và cảnh giác với các quả nổ ở phần đất nông, vì bom bi, mìn lá ở tuyến đường này còn rất nhiều. Chúng em khi làm không ai nói chuyện với ai vì mắt và tất cả các dây thần kinh của đầu, của chân phải tập trung vào công việc. Chỉ cần sơ ý một chút thôi thì nhẹ cũng bị xây xát, còn nặng là thương binh có hạng đấy anh ạ".
Phát tuyến xong họ dùng dây ni lông khoanh từng khoang một theo chiều dọc của hành lang điện mỗi khoang rộng 1,5 m. Chiến sĩ dò mìn, binh nhất Nguyễn Văn Tường vai đeo túi cờ hiệu, tay cầm máy dò TM88 dò ở độ sâu 0,3 m bước vào thao tác máy. Anh nhẹ nhàng đưa đi đưa lại bàn quét tín hiệu. Mỗi lần máy phát ra tiếng "píp, píp" anh dừng lại và cắm một lá cờ đuôi nheo mầu đỏ. Khoảng nửa tiếng anh mới di chuyển được khoảng 10 m và cái túi cờ hơn 5 chục cái ở sau lưng đã hết nhẵn. Người dò đi trước, người xử lý đi sau. Dụng cụ của họ là chiếc xô nhựa đựng cát, chiếc xẻng và con dao găm đeo bên sườn. Trong 10 m vuông vừa dò, chuẩn úy Nguyễn Xuân Ba đã nhặt được đến 45 mảnh đạn. Đang đào, như có linh tính mách bảo, chiến sĩ Bàn Văn Thanh bỗng dừng tay xẻng. Nhẹ nhàng anh rút con dao găm ra cẩn thận đào từng tí, hồi lâu, một quả cối 81 đen trùi trũi, han gỉ, lộ nguyên hình. Khi đã đặt quả đạn vào xô cát anh mới thở phào nhẹ nhõm. Mồ hôi túa ra trên khuôn mặt bầu bĩnh xạm nắng của anh binh nhất tuổi đời còn rất trẻ. Anh cười: "Đây là quả đạn thứ 100 mà em đào được. Quả này chưa nguy hiểm bằng những quả bom bi có ngòi nổ tự động. Khi đào chúng, chỉ cần phân tâm một tý là có máu chảy ngay". Được biết 13 đội rà phá bom mìn của trung tâm rà phá bom mìn rải quân trên một đoạn đường dài 392km, họ đã đào được hàng trăm quả bom tấn, bom tạ, bom bi, giải phóng hàng nghìn ha đất đai bảo đảm an toàn cho hành lang và trụ điện. Người dân ở Quảng Trị rất quen với các chiến sĩ bom mìn, gọi các anh là "Những thầy thuốc bắt cái chết phải khuất phục".
Những chiến sĩ mang biệt danh “dân du mục”
Chiếc xe Gát 66 đậu cách nơi rà phá khoảng 300 m. Trên thùng xe là sở chỉ huy của đội do đại úy Nguyễn Quang Nghĩa làm đội trưởng.
"5 người ngủ trên thùng xe, nằm ngang, gầm xe là nhà kho để gạo và thực phẩm, máy móc và quần áo để tránh mưa. Còn tất cả ở nhà bạt"- trung úy Nguyễn Văn Hiệp, đội phó, cho biết sáu tháng nay đội đã di chuyển hàng chục lần, qua những vùng đất khác nhau. Hiệp kể: Lúc ở nhà dân, nhưng đa số là ở rừng. Mùa nắng thì nắng và gió Lào vắt kiệt sức chiến sĩ. Mùa mưa vắt chui vào người, chui vào quần áo, chăn màn. Quần áo hàng tháng không khô, ba lô, chăn màn ẩm xì và mốc thếch. Có bữa đang ăn cơm ở công trường thì mưa ập xuống. Bát cơm được chan đầy nước mưa. Có chiến sĩ lúc ăn thấy lẫn ở trong bát cơm là xác của hai chú vắt nhỏ như hai que tăm, xanh lè". Tuy vất vả là thế nhưng đến ở làng nào, bản nào các anh cũng làm tốt công tác dân vận. Nhân dân ở xóm 3, thị trấn Lệ Ninh đến nay vẫn còn nhớ các chú bộ đội công binh đã bỏ ra ba ngày để thu nhặt hàng tấn bùn rác, dọn sạch cả một đoạn suối để dân có nước sạch dùng. Di chuyển nhiều, suốt ngày ở công trường nên chuẩn úy chuyên nghiệp vừa là lái xe, kiêm anh nuôi, kiêm điều khiển máy dò mìn TM88 Bùi Văn Sơn dù đã 34 tuổi vẫn "chưa có một mảnh tình vắt vai". Ở gần nơi đơn vị thi công có một tổ chức nhân đạo nhận dò mìn cho 10 ha đất ở xã Trường Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình. Ở đó họ có máy phát cây, có các phương tiện dò mìn hiện đại. Một chuyên gia về dò gỡ mìn của nước ngoài khi xem các anh thao tác đã lắc đầu thán phục: "Các ông là bậc thầy về thao tác các động tác dò mìn và là những người dũng cảm nhất mà tôi được gặp".
392km chiều dài và 50m chiều ngang đó là hành lang an toàn của đường điện cao thế 500KV đấy là chưa kể hàng nghìn trụ điện phải dò ở độ sâu 3m để bảo đảm an toàn cho những người thi công. Các anh đi, làm, và im lặng ở những nơi rừng sâu, núi thẳm, một đôi lần được xuống đồng bằng, được gần dân, nhưng không nhiều. Các anh giống như những người dân du mục đi làm điều tốt cho mọi người. Các anh, những chiến sĩ công binh, những người luôn đi trước về sau trong các cuộc kháng chiến giải phóng và bảo vệ Tổ quốc với những chiến công âm thầm, được rất nhiều người dân yêu mến.
VŨ ĐẠT - THUẬN THẮNG
(Báo Quân đội nhân dân)