15 năm vào rừng tìm đồng đội
Nhandan.org.vn, cập nhật 18giờ30 - 22-7-2003
15 năm nay ông Mai Thanh Hùng và những cựu binh già ở thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa (Quảng Trị) cùng nhau lặng lẽ vượt Trường Sơn đi tìm đồng đội. 15 năm ấy nghĩa tình đồng đội đã giúp họ thực hiện hơn 200 chuyến cắt rừng, lội suối để tìm kiếm, cất bốc, quy tập gần 1.450 hài cốt liệt sĩ về an nghỉ tại những nghĩa trang quê nhà…
Gặp ông Mai Thanh Hùng khi ông vừa cùng đội viên của mình trở về sau chuyến 45 ngày tìm kiếm, khai quật 20 hài cốt liệt sĩ ở vùng rừng Tây Bắc Quảng Trị để thiết thực kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng Khe Sanh (9-7-1968 – 9-7-2003)
“Vì lương tâm và trách nhiệm của những người may mắn còn sống đến hôm nay, vì nghĩa tình đồng đội nên khó khăn đến mấy chúng tôi vẫn phải vượt qua để quyết tìm ra đồng đội còn nằm lại giữa núi rừng. Tuy có lúc cái chết rập rình bên lưng vì những cơn sốt rét rừng, những hôm lũ quét...”, ông Hùng mở đầu câu chuyện.
Năm 1988, sau 6 năm công tác ở Đoàn 584 (quy tập mộ liệt sĩ) ông Mai Thanh Hùng trở về với cuộc sống đời thường cùng vợ con xây dựng cuộc sống gia đình ở phố núi Khe Sanh nhưng tình đồng chí, đồng đội năm xưa trong chiến tranh luôn hiện về và gợi lại đã làm cho ông không thể thanh thản, bình yên giữa cuộc sống đời thường. Ông tâm sự: "Những ngày đầu về quê không hiểu sao đêm nào tôi cũng thao thức trăn trở khôn nguôi, đêm nào hình ảnh của đồng chí đồng đội chung chiến hào năm xưa cũng hiện ra trước mắt, ăn không ngon, ngủ không yên. Suy nghĩ mãi tôi quyết định bàn với vợ con thôi thì gác lại công việc gia đình để tiếp tục mang ba lô hành quân như những ngày nào trong đơn vị. Khi đã thuyết phục được vợ con, tôi đến từng người, vào từng nhà vận động những cựu binh già tập hợp họ lại thành một nhóm. Bởi hơn 25 năm về trước họ là những chiến sĩ giải phóng quân từng vào sinh ra tử ở các chiến trường ác liệt được mệnh danh là "vùng đất lửa” (Quảng Trị, các tỉnh Salavan, Savannakhet thuộc Lào), nên hơn ai hết họ thấu nỗi khổ đau của những gia đình có người thân đang nằm lại trên các vùng chiến sự giữa đại ngàn Trường Sơn và cũng hơn ai hết họ thấm thía cái hạnh phúc của người lính được trở về đoàn tụ gia đình. Xuất phát từ tình đồng chí, đồng đội và từ lương tâm, trách nhiệm, nên những cựu binh này cũng nghe tôi, tự nguyện đến với nhau, động viên nhau vượt qua gian lao đi tìm đồng đội. Lúc đầu ba người rồi dần dần được 12 người, tôi làm đội trưởng vì tôi đã quen với công việc, quen địa hình, biết tiếng Vân Kiều, Pakoh, tiếng Lào".
Những ngày đầu ông Hùng cùng những đội viên lên đường chia nhau vào những khu vực cách thị trấn Khe Sanh khoảng 15km giáp biên giới Việt – Lào để tìm kiếm, có thể đi về trong ngày và mỗi chuyến đi gần như thế tìm kiếm được 5 đến 10 hài cốt liệt sĩ. Nhưng khi địa bàn tìm kiếm càng xa dần thì mỗi chuyến đi của họ lại vô cùng vất vả, phải cơm đùm, gạo bới, phải chuẩn bị từ cây kim sợi chỉ, thuốc men đến cuốc thuổng, chăn màn... vào tận rừng sâu, vào nơi rừng thiêng nước độc, lội bộ hàng ngày đường mới đến tận nơi tìm kiếm - khai quật và kéo dài hàng tuần lễ. Tuy nhiên, theo ông Hùng: "Dù khó khăn đến mấy, nhưng tìm ra đồng đội thì thấy lòng mình đã trở nên nhẹ nhõm hơn".
Vừa trò chuyện, ông Hùng rút trong túi xách ra đưa cho chúng tôi một tập thư dày của các thân nhân liệt sĩ gửi đến. Lá thư nào đọc lên cũng đều chứa đựng nội dung vô cùng cảm động về việc vợ tìm chồng, con tìm cha, mẹ tìm con. Đây, bức thư người anh của một liệt sĩ từ Nghệ An gửi vào cho ông Hùng: "...Bố tôi là đảng viên tiền khởi nghĩa, trước lúc trút hơi thở cuối cùng bố tôi trăn trở dặn lại bằng giá nào cũng tìm cho được thân xác em các con về"...
Chuyện tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ nhiều lúc đã đi vào giấc ngủ của những cựu binh này. Ông Hùng kể rằng: "Tôi còn nhớ mãi, tháng 11-1999 vết thương bị tái phát tôi phải đi viện điều trị buộc phải nghỉ công việc tìm hài cốt liệt sĩ, chưa đầy một tháng thì tối hôm đó từ bệnh viện về nhà, trong lúc đang ngủ say tầm 2h sáng, chợt bên tai tôi văng vẳng tiếng gọi: "Đồng chí Hùng ơi... đưa tôi về với đồng đội, đưa tôi về thăm bố mẹ và đứa con đầu lòng của tôi với đồng chí Hùng ơi...". Sau tiếng kêu ấy, bỗng nghe một loạt bom nổ rung chuyển đất trời, người tôi tung ra khỏi màn, bật xuống đất khi nào không biết và khi mở mắt ra thì thấy mình đã ngồi dưới sàn nhà. Sau giây phút hồi tỉnh tôi mới hiểu ra mình đang nằm mơ, tôi bật đèn sáng nhìn ra ngoài trời tối đen, tôi vào bàn thờ lấy hương thắp lên khấn vái với các linh hồn liệt sĩ và hứa rằng: "Tôi tên là Mai Thanh Hùng, đồng đội của các anh xin hứa, dù khó khăn gian khổ bao nhiêu, chúng tôi cũng tìm đưa các anh về đoàn tụ với các đồng đội nơi nghĩa trang để linh hồn các anh được thanh thản". Thế là sáng hôm sau dù bệnh tật đang hành hạ nhưng tôi động viên các cựu binh của mình vượt Trường Sơn đi tìm đồng đội và quả thực dạo ấy chúng tôi đã tìm thấy hàng chục thi hài liệt sĩ”.
Đã 15 năm rồi không biết ông Mai Thanh Hùng cùng với đồng đội đã lội bộ bao nhiêu vạn kilômét, chịu đựng bao nhiêu gian khổ, khó khăn để đón nhận niềm vui trong lặng lẽ giữa núi rừng khi tìm ra đồng đội. Có nhiều chuyến đi từ 5 đến 10 ngày trên đất Lào đã tìm được hàng chục thi hài liệt sĩ. Mỗi cựu binh phải cõng trên vai 10 đến 15 hài cốt trèo đèo lội suối để đưa các anh về với nghĩa trang. Có những chuyến trên đường về gặp mưa rừng bất chợt, nước ào ào đổ về, anh em phải kết bè chuối để đưa thi hài liệt sĩ qua sông Sêpôn, Sêbăng Hiêng. Có lần đang khai quật, có tổ ong bị vỡ nên bị đốt sưng tấy tay chân. Cũng có những chuyến đi sau khi khai quật được 30 hài cốt chuẩn bị đưa về thì 1 trong 5 người bị sốt rét cao, vừa phải cáng người ốm vừa phải mang vác các hài cốt đi bộ hai ngày đường rừng mới về đến Khe Sanh. 15 năm ấy ông cùng những cựu binh đã thực hiện hơn 200 chuyến đi, phát hiện và khai quật gần 1.450 hài cốt liệt sĩ. Trong số đó có đến 50% đã xác định được tên tuổi, đơn vị, quê quán (đó là chưa kể 6 năm làm Phó đoàn 584 ông Hùng cùng đồng đội của mình đã quy tập hơn 3.000 mộ liệt sĩ khác). Mỗi lần khai quật, nếu phát hiện các hài cốt có tên, địa chỉ là ông Hùng tức tốc báo tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng để thân nhân biết được thông tin về chồng, cha, anh, em của mình mà đến mai táng, viếng thăm.
Mấy năm gần đây, nhiều cựu binh già trong đội ông Hùng đã sức cùng, lực kiệt, bệnh tật tái phát triền miên hành hạ, duy chỉ mỗi mình ông Hùng còn trụ được với những chuyến vào rừng, những cơn sốt rét. Do đó, để tiếp tục cuộc hành trình tìm đồng đội giữa đại ngàn – không - năm - tháng, ông Hùng đã vận động thêm 5 cựu binh trong khu phố thành lập đội mới của mình. Theo ông Hùng: "Dù khó khăn, vất vả đến đâu chúng tôi cũng phải quyết tâm đến cùng để trọn nghĩa vẹn tình trước lời hứa với anh linh đồng đội”.
HOÀNG THANH
(Báo Quân đội Nhân dân)