Việt Kiều là một nguồn lực của cộng đồng các dân tộc Việt Nam

nhandan.org.vn


Vừa qua, Đoàn công tác liên ngành gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, UBND TP Hồ Chí Minh do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Đình Bin làm Trưởng đoàn, đã thăm và làm việc với cộng đồng người Việt Nam ở Canada và Hoa Kỳ. Ông Nguyễn Đình Bin đã trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Nhân Dân về một số vấn đề liên quan chuyến thăm. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.
Hỏi: Trước hết, đề nghị ông cho biết mục đích, ý nghĩa của chuyến thăm làm việc tại Canada và Hoa Kỳ vừa qua của Đoàn công tác liên ngành?

Trả lời: Trong nửa đầu tháng 6 vừa qua, Đoàn công tác liên ngành đầu tiên của chúng tôi đã đi thăm Canada và Hoa Kỳ. Mục đích chuyến đi được đặt ra rất rõ ràng: ngoài việc tiếp xúc với các quan chức cấp cao của chính quyền Canada và Hoa Kỳ cũng như quan chức đứng đầu một số địa phương của hai nước nhằm thúc đẩy quan hệ song phương, thì một hoạt động lớn và chủ yếu của đoàn là tiếp xúc, gặp gỡ rộng rãi với cộng đồng người Việt tại khu vực này. Đây là một cộng đồng đông đảo, chiếm hơn một nửa số lượng người Việt Nam sinh sống và định cư ở nước ngoài. Nhìn chung, bà con ngày càng ổn định cuộc sống và hòa nhập xã hội sở tại, nhiều người rất thành đạt; tuyệt đại đa số vẫn giữ vững tình cảm và các mối liên hệ bền chặt với quê hương, đất nước; song cũng còn một số ít, do thiếu thông tin và thường nhận những thông tin sai lệch về Việt Nam, cho nên còn mang nặng mặc cảm của quá khứ...

Thông qua các cuộc tiếp xúc dưới nhiều hình thức, với đông đảo thành phần khác nhau, đoàn đã cung cấp thông tin mọi mặt về tình hình trong nước, về các chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt về chính sách đại đoàn kết dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 khóa IX của Đảng Cộng sản Việt Nam, lấy mục tiêu chung là giữ vững độc lập, thống nhất của Tổ quốc, vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh làm điểm tương đồng, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, giai cấp, thành phần; xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, hướng tới tương lai. Cũng qua các cuộc đối thoại rất cởi mở, thẳng thắn, đoàn đã tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, suy nghĩ và những kiến nghị của bà con đối với đất nước.

Chuyến thăm là một biểu hiện cụ thể sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và quyết tâm của chúng ta đưa các nghị quyết của Đảng, trong đó có Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 về Phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc vào cuộc sống thực tế.

Hỏi: Ông có thể cho biết kiều bào ta đã bày tỏ tình cảm, nguyện vọng gì qua các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ với đoàn?

Trả lời: Đoàn đã có nhiều cuộc gặp chung cũng như tiếp xúc riêng. Đông đảo bà con bày tỏ đồng tình, nhất trí với quan điểm chỉ đạo và những giải pháp thực hiện nêu trong Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7 về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đây là bước phát triển mới trong việc đoàn kết mọi người Việt Nam vì mục tiêu chung; phấn khởi và tự hào về những thành tựu mọi mặt của đất nước và mong muốn được góp phần xây dựng quê hương.

Riêng về các vấn đề liên quan đến cộng đồng, đồng bào bày tỏ:

Thứ nhất, mong muốn Nhà nước ta có những chính sách, bước đi, biện pháp cụ thể để giúp một bộ phận bà con kiều bào vượt qua mặc cảm quá khứ, gắn kết cộng đồng bên ngoài, xây dựng và củng cố lòng tin giữa người Việt Nam ở trong nước và ở ngoài nước. Nhiều ý kiến cho rằng thông qua việc tăng cường thông tin, giao lưu, hiểu biết về đất nước, gắn bó, giúp đỡ quê hương, người thân và tăng cường các lợi ích kinh tế thương mại của kiều bào ở trong nước sẽ giúp làm mờ nhạt mặc cảm và giảm bớt các hành động chống đối của một số ít người trong cộng đồng.

Thứ hai, mong đợi Nhà nước tiếp tục có những chính sách, biện pháp tạo thuận lợi hơn nữa cho bà con duy trì mối giao lưu, liên hệ với trong nước, như về nước thăm người thân, đi du lịch, đầu tư kinh doanh, hợp tác nghiên cứu khoa học, thực hiện các hoạt động nhân đạo, từ thiện...; giải quyết nhanh các yêu cầu của bà con về xuất nhập cảnh, hồi hương, cấp phát hộ chiếu, giữ quốc tịch Việt Nam; được mua nhà để nghỉ ngơi, dưỡng già tại quê hương... qua đó khích lệ bà con, đặc biệt thế hệ con cháu sinh ra ở ngoài nước hướng về cội nguồn, giữ gìn bản sắc văn hóa, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.

Thứ ba, kiến nghị Nhà nước có những biện pháp mạnh mẽ tháo gỡ những trở ngại về thủ tục hành chính, những quy định chưa thông thoáng; ngăn chặn tình trạng một số chính sách không được quán triệt và thực hiện đúng đắn ở một số ngành và nhất là ở cấp địa phương; khắc phục các tệ nạn tham nhũng, đòi hối lộ, gây sách nhiễu, phiền hà nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự đóng góp của bà con vào công cuộc xây dựng đất nước.

Thứ tư, đề nghị Nhà nước có những chính sách và biện pháp hỗ trợ bà con giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu thông tin và thưởng thức văn nghệ dân tộc, dạy tiếng Việt cho các thế hệ trẻ, thực hiện giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể thao giữa thanh, thiếu niên, trí thức... trong và ngoài nước.

Có ý kiến đề nghị nên có một chính sách lớn "chiêu hiền đãi sĩ" nhằm khai thác tiềm năng trí tuệ của người Việt Nam ở nước ngoài và hướng công tác vận động cộng đồng vào các thế hệ trẻ.

Các cuộc tiếp xúc đã để lại những ấn tượng sâu sắc và mạnh mẽ. Mặc dù ít nhiều có những tâm tư, bức xúc nhưng có thể nói các ý kiến bà con nêu ra đều hết sức thẳng thắn, tâm huyết, thể hiện tình cảm thiết tha của đông đảo những người Việt Nam dù sống xa quê hương vạn dặm vẫn hướng về đất nước, mong muốn gắn bó với cộng đồng dân tộc Việt Nam, được đóng góp xây dựng Tổ quốc Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Hỏi: Ông cho biết ý kiến của các giới chức Hoa Kỳ, Canada trong các cuộc làm việc với đoàn?

Trả lời: Tại Canada, đoàn đã làm việc với Bộ Ngoại giao và Cơ quan phát triển quốc tế của Canada (CIDA) về tăng cường quan hệ hai nước, đặc biệt về thương mại đầu tư và các hoạt động kỷ niệm 30 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Tại Hoa Kỳ, đoàn đã làm việc với Bộ Ngoại giao, Hội đồng An ninh quốc gia, Bộ Quốc phòng, Bộ Cựu binh, Thống đốc bang Virginia, đại diện chính quyền quận Cam, Thị trưởng thành phố Hiu-xtơn và Quyền Thị trưởng thành phố San Francisco..., trao đổi ý kiến về các vấn đề quan hệ song phương, khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm, trong đó có vấn đề dự luật nhân quyền Việt Nam, vấn đề cờ của chính quyền Sài Gòn cũ và về cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ.

Trong các cuộc làm việc, phía Hoa Kỳ và Canada đều hoan nghênh và đánh giá cao chuyến thăm làm việc của Đoàn công tác liên ngành, coi đây là bước đi tích cực của Việt Nam đối với cộng đồng, giúp thúc đẩy quan hệ song phương; đồng thời, đánh giá cao sự hội nhập nhanh cũng như những đóng góp đáng kể của cộng đồng người Việt Nam đối với xã hội sở tại. Tuy giữa Việt Nam với Hoa Kỳ, Canada tồn tại những khác biệt, song có nhiều cơ hội và tiềm năng lớn để mở rộng hợp tác vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, của hòa bình, ổn định và phát triển.

Về vấn đề liên quan cái gọi là dự luận nhân quyền Việt Nam và cờ của chính quyền Sài Gòn cũ, phía Hoa Kỳ bày tỏ hiểu biết về lập trường nguyên tắc, thái độ dứt khoát của Chính phủ và nhân dân Việt Nam và khẳng định sẽ không để những vấn đề này ảnh hưởng tới quan hệ hai nước.

Hỏi: Thưa ông, hướng triển khai công tác vận động cộng đồng của chúng ta sắp tới sẽ như thế nào?

Trả lời: Theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị T.Ư 7, phát huy kết quả tốt đẹp chuyến công tác của Đoàn công tác liên ngành tại Hoa Kỳ và Canada vừa qua, công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian tới cần quán triệt tinh thần chủ động, sẵn sàng đối thoại thẳng thắn và xây dựng với những bước đi và biện pháp cụ thể thực hiện chủ trương hòa hợp dân tộc, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, khuyến khích và tạo điều kiện để bà con gắn bó với cộng đồng trong nước, góp phần xây dựng quê hương.

Trước mắt, cần làm tốt một số việc sau:

- Bổ sung, sửa đổi các chính sách hiện có, đề xuất những chính sách và biện pháp mới nhằm khuyến khích, tạo thuận lợi để bà con tăng cường giao lưu, liên hệ mọi mặt với trong nước, giúp bà con giữ gìn bản sắc văn hóa và tham gia nhiều hơn vào công cuộc phát triển đất nước;

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để giúp cộng đồng hiểu đúng tình hình trong nước, trong đó chú trọng khai thác thế mạnh của các phương tiện truyền thông như internet, truyền hình, đài phát thanh; tăng cường giao lưu văn hóa, nghệ thuật, khoa học, thanh niên, trí thức trong và ngoài nước; đáp ứng nhu cầu học tiếng Việt của bà con, nhất là đối với thế hệ trẻ;

- Tăng cường cử các đoàn trực tiếp tiếp xúc với bà con để trao đổi thông tin, tìm hiểu tâm tư, yêu cầu, nguyện vọng của bà con, tạo hiểu biết, lòng tin, động viên bà con hướng về quê hương, đất nước;

- Các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài tăng cường mạnh mẽ tiếp xúc, vận động, tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tới bà con, đẩy mạnh công tác bảo hộ công dân và bảo vệ những quyền lợi chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài, kiện toàn bộ phận làm công tác với cộng đồng.

Tôi tin rằng, xuất phát từ cội nguồn con Lạc cháu Hồng, với truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc, cùng với ý thức và các nỗ lực xây dựng lòng tin của cả trong nước và ngoài nước, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với lợi ích chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như ý thức yêu nước, gắn bó với cộng đồng dân tộc Việt Nam của mỗi người Việt Nam sống xa Tổ quốc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và ở Hoa Kỳ và Canada nói riêng sẽ thật sự là một bộ phận không thể tách rời, một nguồn lực của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.