Người đưa tiếng Việt vào các sản phẩm của Microsoft

nhandan.org.vn, cập nhật 18giờ30 - 13-06-2003

Từ năm 1996, Vũ Châu, một chuyên gia phần mềm người Mỹ gốc Việt làm việc cho Microsoft đã thiết kế phần mềm đầu tiên có giao diện tiếng Việt, giúp cho tiếng Việt ngang hàng với các ngôn ngữ khác trên máy tính.
"Con sao biển" của Vũ Châu

Hồi còn nhỏ, Vũ Châu mê những câu chuyện kể về các kỳ tích và mơ có ngày sẽ ra tay cứu vớt cả thế giới. Lớn thêm chút nữa tuy không còn ôm ấp ước mơ vĩ đại ấy nhưng câu chuyện cứu sao biển luôn nhắc anh làm những việc tốt nho nhỏ. Một trong những việc "nho nhỏ" ấy là Việt hóa Windows.

Anh Vũ Châu kể: "Cuối thập niên 1980, tôi làm việc tại một công ty nhỏ chuyên sản xuất những công cụ giúp người lập trình viết được các ứng dụng cho máy tính chạy trên nền IBM PC. Ngay từ hồi đó, tôi đã muốn bổ sung phần hỗ trợ tiếng Việt cho các máy tính. Còn cái công ty nhỏ của tôi về sau đã phát triển thành hãng phần mềm lớn nhất thế giới: hãng Microsoft. Ở Microsoft, tôi có được cơ hội bổ sung phần hỗ trợ tiếng Việt vào hệ điều hành càng lúc càng trở nên dễ dàng hơn với Windows 3.0 rồi 3.1...".

Khi Microsoft ra đời vào năm 1975, cả công ty chỉ vẻn vẹn có Bill Gates và Paul Allen, vừa là sếp vừa là lính. Nhưng đến nay, tổng số nhân viên của Microsoft ở cả tổng hành dinh Redmond tại bang Washington lẫn các chi nhánh trên khắp thế giới đã vượt xa con số 10.000. Trong đó, những người gốc Việt làm việc cho Microsoft đã vượt con số 500. Họ đã tham gia vào nhiều công đoạn quan trọng trong thiết kế và kiểm tra các sản phẩm phần mềm của Microsoft từ thời hệ điều hành Windows 3.1 và trước đó. Thế nhưng sự hiện diện của những cái tên Việt Nam trong Windows 3.1 lại âm thầm, kín đáo đến mức chỉ có những ai hay "vọc phá" các phần mềm, thử làm theo các hướng dẫn giới thiệu trên các tài liệu nước ngoài (không có trong phần Help của sản phẩm) mới biết cách nhấn kết hợp các phím và nhấp chuột để có thể làm "nhảy ra"... trang giới thiệu những người thực hiện.

Anh bảo: "Tôi đã có mặt đúng nơi, đúng lúc nên có thể tiếp cận với mọi thứ cần thiết để khởi đầu công việc của mình. Thế nhưng tôi lại gặp rất nhiều trở ngại khi bắt đầu thọc sâu vào cốt lõi của Windows để tạo ra các font chữ. Đó không chỉ là tạo ra một bộ font có các dấu thanh tiếng Việt và một cấu trúc bàn phím gõ dấu để có thể dễ dàng "viết" tiếng Việt. Tôi có thể "lừa" để hệ thống tưởng rằng tôi đang gõ tiếng Anh nhưng thực ra trên màn hình lại hiển thị tiếng Việt. Do lúc ấy tôi đang đảm trách việc toàn cầu hóa trình biên dịch Microsoft C cho thị trường Nhật Bản nên tôi biết rõ vấn đề không chỉ là font chữ và bộ gõ. Điều cốt lõi là làm sao cho máy tính hiểu được mình đang dùng ngôn ngữ nào và ngôn ngữ ấy thuộc khu vực nào để tôi có thể biến giấc mơ hệ điều hành hỗ trợ tiếng Việt trở thành hiện thực".

Gieo hồn Việt vào Windows

Để được thấy giấc mơ của mình hiển hiện, từ đó cho đến năm 1995, Vũ Châu đi khắp Microsoft kêu gọi tích hợp phần hỗ trợ tiếng Việt vào hệ điều hành song không thành công. Suốt thời gian này, nỗ lực của Vũ Châu chỉ ngừng lại ở chỗ sử dụng một phần mềm đánh lừa hệ thống để có thể gõ, hiển thị và in ra được tiếng Việt với một bộ font chữ rất hạn chế và chất lượng... chẳng ra làm sao.

Đến khoảng giữa thập niên 1990, thị trường máy tính Thái-lan phát triển mạnh nhưng vẫn chưa đủ lớn để Microsoft bắt tay đầu tư vào một phiên bản tiếng Thái cho Windows 3.1. Người có công "đỡ" cho phiên bản tiếng Thái ra đời chính là Paut Sribhibhadh - Tổng Giám đốc chi nhánh Microsoft ở Thái-lan. Paut không những góp sức thúc đẩy để Windows hỗ trợ tiếng Thái mà còn là người cố vấn cho Vũ Châu thuyết phục Microsoft đồng ý bổ sung thêm phần hỗ trợ tiếng Việt.

Tại Redmond, những nỗ lực toàn cầu hóa cho sản phẩm Microsoft ở thị trường Nam Á được đặt dưới quyền Derek Haynes. Vũ Châu kể lại: "Tôi gia nhập ngay vào nhóm do Derek làm giám đốc phát triển và cùng với Derek, chúng tôi đã thuyết phục Paul để chúng tôi cùng đi trên đoàn tàu "bản địa hóa" bằng cách bổ sung phần hỗ trợ tiếng Việt trong khi cùng phát triển bản Windows 95 tiếng Thái. Thời điểm này, một nỗ lực quan trọng khác từ ngoài tác động vào Microsoft đã khiến cho việc bổ sung phần hỗ trợ tiếng Việt cho Windows 95 và sau này sang Windows NT trở nên dễ dàng hơn. Đó là tiếng Việt được thêm vào bảng mã Unicode nhờ công của những chuyên gia người Việt ở trong và ngoài nước như: (James) Đỗ Bá Phước, Ngô Thanh Nhàn và Ngô Trung Việt."

Ngay sau khi bản Windows 95 được phát hành, nhóm Vũ Châu bắt tay vào làm phiên bản tiếng Thái trước. Đầu năm 1996, bản tiếng Thái của Windows 95 và Office 98 ra đời và Vũ Châu náo nức muốn thực hiện ngay giấc mơ Việt hóa Windows. Việt Nam không phải là một thị phần lớn trong chiến lược bản địa hóa phần mềm của "ông khổng lồ Microsoft". Do đó, Microsoft chỉ dành một ngân sách hết sức eo hẹp cho dự án phát triển sản phẩm này. Vũ Châu - một công dân Mỹ gốc Việt, được giao làm Giám đốc phát triển của Dự án Windows 95 tiếng Việt. Với Vũ Châu, đó là "một bước nhảy vọt". Bởi đây là phần mềm đầu tiên có giao diện tiếng Việt do một tập đoàn quốc tế thiết kế, điều trước đó chưa bao giờ có và sẽ là tiền đề cho việc phát triển bộ ứng dụng Office 97 tiếng Việt sau này, bây giờ là Office XP tiếng Việt.

"Tôi trở về Việt Nam lần đầu tiên vào đầu năm 1996 và bắt đầu tìm kiếm những tài năng bản địa cùng tôi Việt hóa Windows 95. Sau nhiều cuộc phỏng vấn, tôi tuyển chọn được hai kỹ sư, trong đó có Nguyễn Quang Huy vừa tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội và thạc sĩ Đinh Điền của Đại học Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh. Chúng tôi cùng ăn, cùng làm việc với nhau suốt mấy tháng ròng để tìm hiểu thật nhanh mọi cấu trúc hoạt động bên trong hệ điều hành Windows và làm cho nó hỗ trợ tiếng Việt. Sau bốn tháng, Windows 95 tiếng Việt được phát hành. Chính tôi cũng ngạc nhiên không hiểu sao chúng tôi có thể hoàn thành công việc nhanh đến thế với một chất lượng cao đến thế !".

Nỗ lực được đền bù

Thế giới phần mềm bắt đầu chú ý đến quốc gia hình chữ S này khi Windows 95 tiếng Việt ra đời cuối năm 1996, dấu ấn Việt Nam đã được "dập" trên sản phẩm của Microsoft. Điều quan trọng nhất của nỗ lực trả "con sao biển" tiếng Việt vào dòng chảy các ngôn ngữ trên Windows của nhóm Vũ Châu là phần hỗ trợ tiếng Việt giờ đây được tích hợp luôn vào hệ điều hành trong mọi phiên bản Windows tiếng Anh. Người Việt dùng máy tính không cần phải mua phiên bản hệ điều hành dành riêng cho tiếng Việt nữa.

HOÀNG THẢO
(Ghi theo lời kể của anh Vũ Châu)

-------------------

Ông Ngô Trung Việt (Viện Công nghệ thông tin):

Vũ Châu, một người vô tư và tâm huyết

Theo tôi, việc anh Vũ Châu đưa tiếng Việt vào các sản phẩm của Microsoft là rất quan trọng, giúp cho tiếng Việt được xử lý ngang hàng với các thứ tiếng khác và đưa những tiến bộ công nghệ mới tới người làm công nghệ thông tin ở Việt Nam. Chính tấm lòng rộng mở và bao quát của anh Châu đã là nền tảng để chúng ta có thể dần dần đi vào tiếp cận những công nghệ mới nhất của công ty làm phần mềm hàng đầu thế giới.

Mặc dù con đường để các sản phẩm của Microsoft đi vào Việt Nam không phải đơn giản và bằng phẳng, nhưng xu hướng tiến bộ công nghệ thế giới sẽ theo con đường này để giúp nâng cao thêm trình độ của chúng ta. Điều đó sẽ rất khó thực hiện được nếu thiếu những con người vô tư và tâm huyết như anh Châu. Tôi vẫn thấy ở anh Châu một hình ảnh rõ nét về người Việt Nam hết lòng vì đồng bào.

(JAMES) Đỗ Bá Phước (Chuyên viên CNTT, Mỹ):

Nếu không có anh Châu...

Theo tôi, anh Vũ Châu là một người rất đáng làm "Hiệp sĩ" về sử dụng Unicode cho chữ Việt. Không có anh Châu lãnh đạo việc thực hiện chữ Việt trên Windows thì khó lòng thuyết phục Việt Nam đổi sang Unicode lắm; vì không có công cụ trong tay, không ai dám chuyển.

Liên quan đến anh Vũ Châu, tôi nhớ đến một khẩu hiệu rất hay của Microsoft: "Make English like any other language". Tức là việc của anh Vũ Châu làm quả thật mang ý nghĩa: "Make Vietnamese like any other language" - làm cho tiếng Việt bình đẳng với các ngôn ngữ khác trên máy tính.

(Tuần tin Echíp)