Hướng đến chăm lo thế hệ kiều bào thứ hai, thứ ba

Lao Động số 177 Ngày 26.06.2003 Cập nhật: 08:25:27 - 26.06.2003

Chiều ngày 25.6, UBND TPHCM đã tổ chức "Hội nghị tổng kết công tác vận động và giải pháp khuyến khích người VN ở nước ngoài (gọi tắt là kiều bào) đóng góp vào sự phát triển của TPHCM" trong 10 năm qua. Với khoảng 250.000 hộ thân nhân kiều bào đang sống trên địa bàn, hiện thành phố là địa phương có số lượng kiều bào về làm ăn, sinh sống nhiều nhất. Nhưng gánh nặng về trách nhiệm chăm lo cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài của thành phố cũng cần được nhìn nhận không chỉ thuộc về chính quyền, các ban ngành, tổ chức mà có cả trách nhiệm của những kiều bào.

Kiều bào ngày càng hướng về đất nước

Ông Huỳnh Ngọc Ẩn - Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM (UBVNVNONN TPHCM)-cho biết, với khoảng 2,5 triệu người Việt định cư tại trên 100 nước trên thế giới hiện nay, có 83% số người sống tại các nước đang phát triển, tập trung nhiều nhất ở các nước Mỹ, Pháp, Australia, Canada, Đức, Nhật... Trong 5 năm từ 1997-2002, số lượng KB về nước liên tục tăng, đạt 11%/năm, trong đó, số lượt KB về lưu trú tại TPHCM luôn chiếm từ 50-60% trên tổng số của cả nước. Sự phát triển tích cực của đất nước và sự ổn định về chính trị, chính sách đối với KB là nguyên nhân giúp cho bà con ngày càng hướng về đất nước nhiều hơn. Ông Phan Thành - Chủ tịch Hiệp hội DN người VN ở nước ngoài tại TPHCM - nhận xét: "Với chủ trương tất cả mọi người dân Việt đều chung một nhà và chính sách của Nhà nước VN đối với KB ngày càng thông thoáng nên đã thu hút số người về đầu tư thương mại, hoạt động VHXH, KHKT, y tế giáo dục ngày càng nhiều". Cũng ông Phan Thành cho rằng, Luật Quốc tịch năm 1998 công nhận người VN ở nước ngoài có quốc tịch VN nếu chưa bị mất, bị tước hoặc từ bỏ đã tạo một không khí tin cậy hơn đối với bà con KB. Chính phủ cũng đã linh hoạt cho phép TPHCM là địa phương duy nhất được thành lập Hiệp hội DN người VN ở nước ngoài khiến cho các doanh nhân là KB rất phấn khởi.

Theo thống kê, đến hết tháng 5.2003 trên địa bàn TPHCM đã có 871 DN của KB hoặc có vốn của KB đang hoạt động, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế của TP. Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội Tôn Nữ Thị Ninh cho biết thêm những thông tin thú vị: "Gần đây, những KB thế hệ thứ 2 không cần ai bảo cũng đã tự mình trở về thăm đất nước, học tiếng Việt, thậm chí lập các DN nhỏ và làm việc tại VN".

Làm gì để thu hút kiều bào ?

Ông Lương Văn Lý - Phó GĐ Sở KHĐT TPHCM cho biết: Từ năm 1988 đến nay chỉ có 75 triệu USD của KB đầu tư vào TP theo Luật Khuyến khích đầu tư nước ngoài/tổng số 13 tỉ USD, còn từ 1996 đến nay chỉ có 94 triệu USD của KB đầu tư theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước/tổng số 358 tỉ đồng. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Minh Triết đưa ra nhận xét có tính so sánh: "Kết quả trên cho thấy chúng ta đã có rất nhiều cố gắng trong công tác vận động KB, tuy nhiên so với những gì tôi biết về Trung Quốc - 70% các dự án đầu tư về đại lục trong thời gian qua bắt nguồn từ Hoa kiều - thì những gì chúng ta đạt được còn chưa tương xứng".

[Trong năm 2002 lượng kiều hối gửi về trong nước (TPHCM) ước khoảng 1 tỉ USD, tăng 13,7% so với năm 2001. 5 tháng đầu năm 2003, lượng kiều hối gửi về tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái.]

Nguyên nhân được UBVNVNONN TPHCM nhìn nhận: Còn khoảng 18,9% những chính sách ban hành không thể hiện tính thông thoáng, khoảng 10,8% chính sách chưa khả thi, một số trường hợp còn có tác dụng ngược lại; các thủ tục hồi hương trên thực tế mất thời gian hơn 90 ngày chứ không đúng thời hạn như QĐ 875/TTg quy định; thủ tục gia hạn visa, cấp thẻ tạm trú, thường trú còn rườm rà, không được thông báo rộng rãi, rõ ràng. Đề cập về những vướng mắc đối với KB về làm ăn, sinh sống tại TP, ông Phan Thành cho biết thêm: Việc giải quyết mua nhà cho DN KB và cá nhân KB rất chậm, sau khoảng 18 tháng có chủ trương cho KB mua nhà tại VN thì TP mới có 35 trường hợp được mua; nhiều DN KB chờ đợi 1-2 năm nay vẫn chưa được hoàn thuế VAT...Tuy nhiên, sự quan tâm đến KB-theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ nhiệm UBVNVNONN trung ương - không chỉ bó gọn trong chuyện làm ăn, kinh doanh mà rộng hơn, sâu hơn là đời sống văn hoá tinh thần, tâm linh. Bà con luôn thiếu thốn và không hiểu rõ về đời sống văn hoá truyền thống tại VN nhưng trong nước chưa đáp ứng được nhiều. "Chính sách của chúng ta cần quan tâm đến những người chưa về nước, đồng thời cần tăng cường các đoàn đi tiếp xúc với bà con KB để gặp gỡ, tiếp thu ý kiến khi xây dựng chính sách", ông Thắng nói.

Dạy tiếng Việt cho kiều bào

Sau 28 năm thống nhất đất nước, VN từng bước mở cửa và hội nhập vào thế giới, hàng trăm ngàn KB mỗi năm về thăm quê hương và đầu tư làm ăn cũng dần dà gợi lên một nhu cầu: KB đang rất cần học tiếng Việt. Đây chính là yếu tố quan trọng nhất để trở lại với cội nguồn mà nhiều KB đã nhận thức rõ sau những năm tháng xa quê hương bôn ba xứ người kiếm sống, thậm chí trở thành một vấn đề bức xúc đối với cộng đồng KB. Tuy nhiên, vấn đề này hình như chưa được các ban ngành chức năng trong nước quan tâm đúng mức. Lặng lẽ, âm thầm ở nhiều nước trên thế giới vẫn có những KB thế hệ thứ nhất, và con cháu họ thế hệ thứ hai, thứ ba đang học tiếng Việt để sử dụng trong một ngày trở về VN, ngay cả những cô cậu người Việt là con nuôi của người nước ngoài cũng được bố mẹ nuôi khuyến khích làm việc này. Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng: "Đây chính là sự nghiệp của dân tộc VN, của mỗi người VN, trong đó có cả những KB". Phó Chủ tịch thường trực UBND TPHCM Nguyễn Thiện Nhân thay mặt lãnh đạo TP đã hứa sẽ quan tâm tìm một cơ chế để thực hiện vấn đề này, cùng với việc sẽ tổ chức gặp gỡ KB mỗi quý một lần để lắng nghe các ý kiến đóng góp và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.


Thẩm Hồng Thuỵ