Bà Tôn Nữ Thị Ninh:Chúng ta chủ động đối thoại, không tránh né

Cập nhật 18giờ30 - 16/06/2003

Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại Tôn Nữ Thị Ninh vừa dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đi thăm và làm việc tại Mỹ. Bà cho biết một số thông tin quanh chuyến đi và suy nghĩ về nỗ lực hội nhập quốc tế của Việt Nam. Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho biết:

- Chuyến đi vừa rồi nhằm hai mục đích. Thứ nhất là góp phần đẩy lùi Dự luật nhân quyền (DLNQ) Việt Nam. Thứ hai dài hạn hơn là tiếp xúc trực tiếp với các chính khách Mỹ, trong đó có các nghị sĩ Mỹ. Kinh nghiệm cho thấy các cuộc tiếp xúc trực tiếp, trực diện mang lại những kết quả tích cực hơn là chỉ dừng lại ở khâu trao đổi văn bản, viết thư.

Cần lưu ý đây là chuyến đi hoàn toàn theo chủ động của Việt Nam chứ không phải theo lời mời của phía Mỹ. Quốc hội thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Washington đã sắp xếp các cuộc tiếp xúc với 10 hạ nghị sĩ (HNS) và hai thượng nghị sĩ Mỹ cùng một loạt các nhân vật quan trọng trong chính quyền, các tổ chức phi chính phủ, hội cựu chiến binh, các trường đại học, các doanh nghiệp... Khi thấy bóng dáng tà áo dài Việt Nam tại đồi Capitol, nhiều người gốc Việt vốn cực đoan với Việt Nam tỏ ý ngạc nhiên. Họ không nghĩ các chính khách từ Hà Nội sang lại có thể chủ động xuất hiện tại đồi Capitol để tiến hành vận động hành lang tích cực như vậy. Báo Orange County Register sau khi phỏng vấn tôi qua điện thoại đã viết bài trong đó nói một ý: các cuộc vận động, đấu tranh trên chính trường của Việt Nam ngày một bài bản hơn.

* Những cuộc tiếp xúc nào gây ấn tượng nhất, thưa bà?

- Có ba cuộc gặp mà tôi cho là nhiều ý nghĩa. Thứ nhất là cuộc gặp với HNS Robert Simmons. HNS này được dư luận của Mỹ nhắc tới nhiều sau khi trả lời phỏng vấn, nói rằng đã thay đổi cách nhìn về Việt Nam. Chín ngày trước khi tôi lên đường, tôi có gặp cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Pete Peterson. Ông nói với tôi: "Vâng, HNS Simmons đã phát biểu tại Việt Nam như vậy. Nhưng quan trọng là tại Mỹ, liệu HNS có kiên định với những phát biểu của mình không". Tôi cũng hồi hộp về điều này. Khi gặp lại ông Simmons tại Washington, tôi vô cùng vui mừng khi ông ấy tiếp tục bảo vệ ý kiến của mình. Sau khi rời Việt Nam, HNS Simmons đã có ba cuộc gặp với HNS Chris Smith, thuyết phục ông Smith từ bỏ ý định bảo trợ và đưa DLNQ ra hạ viện. Ông cũng đang vận động để thành lập nhóm nghị sĩ thân thiện với Việt Nam ở hạ viện. Tôi đã đưa thư cảm ơn của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phúc Thanh tới ông Simmons, chứng tỏ Việt Nam có cách ứng xử lâu dài chứ không chỉ nhất thời. Hai cuộc gặp nữa cũng giàu kết quả là với HNS Deborah Pryce, lãnh tụ thứ ba của Đảng Cộng hòa trong QH Mỹ và với HNS Cai Dooley của Đảng Dân chủ. Trong cuộc tiếp xúc với bà Deborah, khi nghe nhắc tới HNS Smith, bà nói đại ý HNS này có mối quan tâm đặc biệt tới nhân quyền, bất cứ là ở nước nào. Bà đã bày tỏ mong muốn được đến thăm Việt Nam để hiểu Việt Nam hơn. Còn đối với HNS Dooley, ông bày tỏ ý kiến rằng không chấp nhận cách tiếp cận đối đầu và trừng phạt như tinh thần của DLNQ.

* Sau chuyến đi, bà nhìn nhận thế nào về khả năng đưa dự luật này ra Hạ viện Mỹ kỳ này?

- Sau các cuộc tiếp xúc với các nghị sĩ Mỹ, tôi nhận ra một điều hầu hết các nghị sĩ Mỹ đều không nắm được là trong DLNQ có một điều khoản là gắn các vấn đề về nhân quyền với trừng phạt kinh tế. Được biết là HNS Smith đã đưa DLNQ Việt Nam ra xem xét tại hạ viện kỳ trước với thủ thuật là xếp dự luật này vào số những dự luật không cần nhiều thời gian để xem xét kỹ. HNS này cũng đã có ý định đưa DLNQ ra hạ viện vào dịp 30-4 vừa rồi với thủ thuật tương tự nhưng bị thất bại.

Tháng bảy tới, đạo luật Jackson Vanik được đưa ra xem xét tại hạ viện và những người bảo trợ DLNQ đang có ý định đẩy dự luật ra hạ viện bỏ phiếu cùng luôn. Lần này tôi tin rằng những người không bỏ phiếu, bỏ phiếu trắng hoặc bỏ phiếu chống sẽ cao hơn.

* Có ý kiến cho rằng cần phải xây một "cầu thông tin" giữa Mỹ và Việt Nam để tránh những vấn đề như vậy?

- Tôi hoàn toàn đồng tình. Mấy chục năm hoạt động ngoại giao cho tôi thấy rằng các chính khách nước ngoài đến Việt Nam phần lớn đều có những cảm tình tốt đẹp hơn trước lúc đến. Sắp tới, Quốc hội sẽ lần lượt mời thêm nhiều các nghị sĩ Mỹ sang Việt Nam để tìm hiểu thực tế của Việt Nam.

* Cũng có ý kiến cho rằng người Việt tại hải ngoại vẫn còn khoảng cách với quê nhà, thưa bà?

- Thực tế là có một nhóm người vẫn còn nhiều định kiến, dẫn đến những hành động quá khích. Lúc trước họ cố tình cản trở bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, sau đó là cản trở bản hiệp định thương mại song phương và bây giờ là thổi phồng các vấn đề tôn giáo, nhân quyền của Việt Nam. Tôi cho rằng cần phải chú ý tới những người Việt thuộc thế hệ thứ hai ở Mỹ, sinh ra hoặc lớn lên sau 1975. Các em có những người bị ảnh hưởng bởi định kiến của cha mẹ nhưng cũng có rất nhiều người không muốn bị ràng buộc bởi chuyện quá khứ mà muốn quay về cội nguồn của mình. Chúng ta cần tạo điều kiện hơn nữa cho thanh niên Việt tại hải ngoại về Việt Nam học tập, kinh doanh, nghiên cứu... Gần đây có một số ca sĩ hải ngoại về Việt Nam biểu diễn hoặc sinh sống, tôi cho rằng đó là dấu hiệu tốt.

* Bà nhìn nhận thế nào về nỗ lực của Việt Nam để trở thành thành viên Hội đồng Bảo an LHQ?

- Chúng ta đã chính thức đặt mục tiêu thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008-2009. Để đạt được điều này, cần phải được Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu thông qua vào phiên họp từ tháng 9 tới tháng 12-2007. Chúng ta đã bắt đầu quá trình vận động và bước đầu nhận được sự ủng hộ của một số nước. Cá nhân tôi rất tin tưởng rằng Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu. Thực tế cho thấy chúng ta thường tham gia các thể chế quốc tế ban đầu với tư cách là thành viên mới, học hỏi nhưng dần dần đều khẳng định được vai trò của mình và tham gia tích cực vào việc định ra các luật lệ. Nhiều nước nhỏ hơn Việt Nam cũng đã trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an. Nhưng theo tôi điều quan trọng là khi trở thành thành viên Hội đồng Bảo an rồi, chúng ta sẽ tham gia như thế nào, bày tỏ ý kiến của mình thế nào để thể hiện được vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

CẨM HÀ thực hiện
(Báo Tuổi trẻ)