Tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc

Đức Hạnh, Lao Động 22/5/2003

Việc khánh thành 4 bức tượng thờ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong những hoạt động tiêu biểu của thành phố nhằm hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Dựng tượng 4 vị danh nhân tại đây không chỉ nhằm tưởng nhớ những người có công sáng lập Văn Miếu - Quốc Tử Giám mà còn nhằm tôn vinh truyền thống hiếu học của dân tộc ta.

Trong chương trình tiến tới 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Sở Văn hoá Thông tin Hà Nội đã được Thành uỷ, UBND TP giao trọng trách tu bổ, tôn tạo di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và xây dựng tượng thờ các danh nhân văn hoá có công sáng lập Văn Miếu - Quốc Tử Giám tại đây. Sau các cuộc hội thảo, các vị Vua Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lê Thánh Tông và Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An đã được lựa chọn để dựng tượng. Ngoài Chu Văn An, vị thầy nổi tiếng của nền Nho học nước nhà, tại sao lại chỉ chọn tượng của ba vị vua này và không chọn nhiều hơn? Giáo sư Trần Lâm Điền cho biết: "Sở dĩ chọn lựa con số 3 bởi đây là con số đoàn viên, nền tảng, gắn với cư dân lúa nước. Trong chùa chúng ta luôn có tam thế, trong đạo Lão có tam thân, trong các ban thờ mẫu có tam toà. Theo Nho giáo, số 3 là lẻ, lẻ là động, động là chuyển, chuyển là biến đổi, biến đổi là phát triển. Còn về các danh nhân, chúng tôi chọn những vị đã có công sáng lập, hoàn thiện và phát triển Văn Miếu - Quốc Tử Giám".

Vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072) là người đã đặt quốc hiệu Đại Việt, thành lập Văn Miếu (1070) và là vị vua có công khai sáng, đặt nền móng cho nền giáo dục Nho học khoa cử Việt Nam. Mặc dù thời Lý luôn được coi là thời kỳ thịnh trị của đạo Phật, nhưng để tồn tại, phát triển và củng cố chế độ, bắt buộc Vua Lý Thánh Tông phải có sự cải tổ Phật giáo. Thời kỳ này, Phật phái Thảo đường ra đời, là sự dung hoà đẹp đẽ giữa Nho giáo và Phật giáo. Vua Lý Nhân Tông (1066 - 1127) là người mở khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam, đó là khoa thi Minh Kinh bác học năm 1075, đồng thời cũng là người sáng lập Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của nước ta. Ông là người đã hoàn thiện ý đồ của Vua Lý Thánh Tông: Biến Văn Miếu thành một thực thể văn hoá. Vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) là người đã phát triển Văn Miếu - Quốc Tử Giám đến mức rực rỡ nhất: Mở rộng quy mô, hoàn thiện việc nâng cao chất lượng học hành thi cử và đều đặn 3 năm một lần thi hội ở kinh đô. Lê Thánh Tông cũng là người cho dựng bia tiến sĩ đầu tiên tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (1484), sáng lập ra Hội Tao đàn, biên soạn nhiều công trình tầm cỡ như "Đại Việt sử ký toàn thư"... Dưới thời Lê Thánh Tông, quốc gia Đại Việt phát triển ở mức cường thịnh nhất: Bộ máy nhà nước trung ương tập quyền đạt đến mức hoàn thiện, Bộ luật Hồng Đức hoàn chỉnh và bản đồ đầu tiên của quốc gia Đại Việt (bản đồ Hồng Đức) đã được hoàn thành. Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An (1292 - 1370) là người tài giỏi, cương trực, đã biên soạn bộ Tứ thư thuyết ước, tóm tắt 4 tác phẩm lớn của Nho giáo làm sách giảng dạy. Ông được tôn xưng như ông tổ, người thầy cao cả vĩ đại của Nho gia Việt Nam. Ông mất năm 78 tuổi, được truy tặng tước Văn Trinh công, ban tên thuỵ là Khang Tiết và được thờ tại Văn Miếu từ năm 1370.

Sau nhiều khảo cứu tại Nam Định, Hải Dương..., các nhà sử học, kiến trúc đã thống nhất về mặt tạo hình, ba vị vua phải mang được tư cách cốt lõi, được làm nghiêm chỉnh theo luật: Đầu đội mũ bình thiên, trên mũ có hình con chim tượng trưng cho uy lực của trời xuống trị dân. Khuôn mặt mang những nét của chính nhân quân tử như lông mày dưới đỉnh tai, tai chảy, mũi thẳng. Theo những bức tượng của thế kỷ XVI thường là những tượng phục trang, ít nếp áo, bởi vậy tượng của ba vị vua được phủ bên ngoài áo long cổ, trên áo có những hoa văn rồng chầu hổ phù. Tượng Vua Lê Thánh Tông có hoa văn thời Lê sơ. Cả ba bức tượng vua đều được thờ tại tầng 2 nhà Thái học, mang tính chất thần thánh. Còn tượng Chu Văn An được thờ ở ngay tầng 1, mang ý nghĩa "gần với chúng sinh" bởi ông là một đại trí thức nhưng lại luôn lo cho dân. Tượng Chu Văn An được đặt trên ghế thờ, đầu ghế có hình đầu phượng, lưng ghế được làm dựa trên mẫu là lưng ghế của thế kỷ XIV, biểu tượng cho sự âm dương đối đãi, có trục vũ trụ cùng các cành thiên mệnh vươn về 10 phương 8 hướng. Các biểu tượng này mang bản chất của người Việt là cầu mong sự bình an. Giáo sư Trần Lâm Điền khẳng định: "Tinh thần làm tượng nằm trong dòng chảy chung của dân tộc, làm tượng là để hướng về quá khứ và bước vào tương lai, một cách để tôn trọng tương lai".