PTT Vũ Khoan: Phải phấn đấu "kịch liệt" để đạt mục tiêu đề ra

Nhandan.org.vn, cập nhật 18 giờ - 06-05-2003

Đứng trước những bất lợi do ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh ở Iraq, bệnh SARS và hạn hán nặng kéo dài ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, Phó Thủ tướng Vũ Khoan vẫn khẳng định, nếu nỗ lực "kịch liệt", cả nước sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7 - 7,5% trong năm nay.

Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói: Như báo cáo của Chính phủ đã nhận định: tình hình phát triển kinh tế - xã hội bốn tháng đầu năm đạt kết quả khá khả quan. Không chỉ riêng chúng ta mà cả thế giới đều ghi nhận thành tựu này. Thế nhưng Chính phủ cũng rất lo lắng trước ba khó khăn mới nảy sinh và sẽ còn gặp phải trong thời gian tới. Thứ nhất, mặc dù không chịu ảnh hưởng quá trực tiếp từ cuộc chiến tranh Iraq song chúng ta cũng đang bị tác động đáng kể bởi Iraq chính là thị trường xuất khẩu khá lớn của Việt Nam (với hơn 500 triệu USD/năm và nếu cộng tất cả các khoản, kể cả trả nợ thì kim ngạch đạt gần một tỷ USD). Hiện Việt Nam tạm thời chưa khôi phục được thị trường này nên phần nào ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP. Chưa kể giá cả các mặt hàng "nhạy cảm" trên thị trường thế giới như USD, dầu lửa... đang tiềm ẩn những biến động khó lường, khiến chúng ta cần dự phòng những tình huống không thuận "dội" vào nền kinh tế nước ta.

Thứ hai, tuy Việt Nam đã khống chế được SARS nhưng dịch bệnh này đã và đang ảnh hưởng rất mạnh đến du lịch và hàng không: riêng tháng tư vừa rồi doanh thu giảm một nửa so với trước. Kéo theo đó là những tác động dây chuyền tới công ăn việc làm, thu nhập của người lao động và tốc độ tăng trưởng GDP.

Thứ ba, hạn hán nặng nề kéo dài ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ khiến một số chỉ tiêu nông nghiệp không đạt như mong muốn.

Hỏi: Đứng trước những bất lợi ấy, Quỹ tiền tệ quốc tế đã dự báo mức tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể giảm 0,25% so với kế hoạch đầu năm. Nhưng tại phiên họp thường kỳ vừa rồi, Chính phủ khẳng định chưa điều chỉnh mục tiêu GDP, thưa Phó Thủ tướng?

Trả lời: Có dự báo thấp nhưng cũng không ít dự báo ngược lại như của Ngân hàng Phát triển châu Á hay Ngân hàng Thế giới luôn khẳng định GDP Việt Nam vẫn sẽ duy trì được ở mức cao. Chúng ta tham khảo những thông tin này một cách hết sức trân trọng, song điều cốt lõi là cần căn cứ vào khả năng của chính bản thân mình.

Ba nhân tố mới phát sinh có những tác động khá nghiêm trọng như tôi đã nói, nhưng chưa đến mức phải điều chỉnh chỉ tiêu. Tất nhiên những tháng cuối năm đòi hỏi chúng ta cần nỗ lực phấn đấu "kịch liệt" để đạt được những mục tiêu đã đề ra.

Hỏi: Các vị lãnh đạo cao cấp nước ta vừa thực hiện một số chuyến công du nước ngoài. Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về triển vọng của những thị trường này?

Trả lời: Đường lối đối ngoại có tính nguyên tắc của chúng ta là "đa phương hóa, đa dạng hóa". Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã đi thăm Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước lớn nhất châu Á. Và cũng không phải ngẫu nhiên khi Thủ tướng Phan Văn Khải đã dẫn đầu một đoàn doanh nghiệp hết sức đông đảo thăm Nhật Bản. Trong tháng này Thủ tướng Đức sẽ sang thăm ta. Sắp tới Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đi Trung Quốc nhằm cụ thể hóa những việc đã bàn trong chuyến thăm của Tổng Bí thư.

Các chuyến đi ấy ngoài yêu cầu chính trị bao giờ cũng mang tính kinh tế. Ngoài ra chúng ta vẫn tiếp tục các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư ở nhiều nước khác, kể cả Mỹ. Tất cả đều nhằm phục vụ kế hoạch mở mang thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu.

Hỏi: Kỳ họp này Quốc hội sẽ sửa ba luật thuế khiến nguồn thu ngân sách có thể giảm mạnh. Phó Thủ tướng nghĩ sao về vấn đề này?

Trả lời: Có hai con đường cùng nhằm một mục đích tăng nguồn thu: giam thuế để khuyến khích sản xuất, nuôi dưỡng, nguồn thu hoặc tăng thuế. Chúng ta chọn con đường thứ nhất. Khi ấy diện người đóng thuế sẽ tăng lên, doanh nghiệp làm ăn khá hơn, tổng mức thu thuế về lâu dài không hề suy giảm.

Chủ trương cải cách chính sách thuế mặt khác còn nằm trong tiến trình hội nhập. Khi mà thuế nhập khẩu ngày càng phải cắt giảm theo lộ trình (và tiếc rằng, khoản thuế này lại chiếm một tỷ trọng quá cao trong nguồn thu) thì việc điều chỉnh thuế nội địa là cần thiết, bảo đảm bù đắp phần thiếu hụt do cắt giảm thuế nhập khẩu đem lại.

ĐÀ TRANG lược ghi
(Báo Tuổi trẻ)