Những người Việt Nam thân thiện
Nhandan.org.vn, cập nhật 11giờ10 - 09-04-2003
Vừa qua, ông Peter Davis, đạo diễn cuốn phim tài liệu "Trái tim và khối óc" ("Hearts and Minds") nổi tiếng về chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, một tác phẩm điện ảnh làm thay đổi suy nghĩ của người dân Mỹ, kéo họ ra khỏi nhà để tham gia phong trào phản chiến, đã đến Việt Nam. Từ Hà Nội, ngày 24-3, ông đã viết bài đăng trên tạp chí Dân tộc (Mỹ). Chúng tôi xin lược dịch và giới thiệu cùng bạn đọc bài báo này.
Tại đất nước này, nơi mà một cuộc tiến công quân sự của Mỹ có tiếng vang lớn hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới, những người biểu tình chống chiến tranh đang bày tỏ thái độ của họ, từ miền bắc qua miền trung Việt Nam tới thành phố Hồ Chí Minh, và tới cả đồng bằng sông Cửu Long. Tình cảm chủ đạo không phải là sự ủng hộ đối với S.Hussein mà bằng trải nghiệm đã qua của người Việt Nam với quân đội Mỹ, là sự cảm thông với nhân dân Iraq.
Tại Hà Nội, chính quyền lên án cuộc chiến tranh là "một sự vi phạm thô bạo những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, kể cả Hiến chương LHQ". Ở những nước giàu có coi Mỹ hầu như ngang tầm về kinh tế, thì lời lẽ như thế là không đặc biệt. Tại Việt Nam, một nước hết sức cần quan hệ thương mại với Mỹ, đang khẩn thiết nỗ lực thu hút đầu tư của Mỹ, thì việc lên án đó là một hành động can đảm. Kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao cách đây gần 10 năm, người Việt Nam đã và đang nỗ lực thân thiện với một nước Mỹ thờ ơ, và thường yên lặng trước bất cứ sự chỉ trích nào của Mỹ. Cuộc chiến tranh Iraq đe dọa ảnh hưởng tới mối quan hệ được tái lập một cách thận trọng.
Tôi đang gặp các quan chức Việt Nam của một tổ chức phi chính phủ khi những trái bom đầu tiên của Mỹ ném xuống Baghdad. Ðó là giây phút đen tối. Các quan chức phi chính phủ đó đều thân thiện với người Mỹ, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, lắc đầu. "Tôi không thể tin được rằng nhân dân Mỹ lại đồng tình với cuộc chiến này", một người nói, tuy nhiên vẫn hào hiệp tách chúng tôi khỏi những trách nhiệm thuộc về các nhà lãnh đạo của chúng ta.
Bà Lady Borton, một tác giả và là đại diện được nhiều người biết đến, phụ trách các vấn đề quốc tế của "Ủy ban Dịch vụ những người bạn Mỹ Quaker" (AFSC - thường gọi là Tổ chức Quaker Mỹ), đã sống ở đây từ cuối những năm 1960 và nói tiếng Việt thành thạo. Bản thân bà phản đối cuộc chiến tranh này như bà đã phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam trước đây. "Có một giọng kiên định xuyên suốt những lời nói của tất cả những người Việt Nam tôi gặp", bà nói với tôi, "đó là nỗi đau đớn và sự kinh hoàng của người dân Iraq. Các bậc trung niên và cao tuổi thấu hiểu. Chính họ đã từng phải chịu đựng như vậy. Giới trẻ Việt Nam thì chỉ nói rằng họ không thể tin được rằng chúng ta lại có thể làm điều như chúng ta đang làm. Một bản tin ngày hôm nay cho biết chúng ta bắt đầu gài mìn tại Iraq. Hằng tuần, các trẻ em Việt Nam vẫn bị các loại mìn vùi lấp cách đây 30 năm làm què cụt. Sẽ chẳng bao giờ chấm dứt khi chúng ta đi theo lối mòn này".
G. Herman, một thương gia và nhà doanh nghiệp Mỹ đã sống ở Việt Nam mười năm nay, nói rằng cái đặc biệt thấm thía về người Việt Nam không phải là phản ứng của họ đối với cuộc chiến tranh ở Iraq mà chính là nỗi cảm thông của họ đối với người dân Mỹ sau sự kiện 11-9. Biết rằng tôi là người New York, mọi người hỏi xem tôi có bạn bè hay bà con làm việc trong tòa Tháp đôi không. Thật là sự thông cảm tuyệt vời và sâu sắc. Giờ thì chúng ta đã hoàn toàn hoang phí nó mất rồi".
Trong khi đó, Ðại sứ quán Mỹ đã ra thông báo nhắc nhở "tránh xa những đám đông và những đoàn biểu tình, và tránh sự chú ý" - điều đó ít ra một phần bao hàm nghĩa là phải nói năng dè dặt nếu như bạn tình cờ cho rằng cuộc chiến này là sai lầm. Người ta có cảm giác an toàn hơn ở đây. Lần đầu tiên trong đời mình, tôi cảm thấy nuối tiếc khi phải lên đường về nước.
Trong Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tại TP Hồ Chí Minh có trưng bày một bộ sưu tập nhỏ về những hành động tàn bạo từ thời chiến tranh Việt Nam, một người dân bang Nebraska đã viết vào Cuốn sổ ghi cảm tưởng của du khách rằng "Xin đừng nhầm chính quyền Bush với nhân dân Mỹ". Tôi không biết liệu chúng ta có thể dễ dàng thoát khỏi khó khăn đó không, hoặc bởi những người dân Việt Nam hết sức thân thiện tôi đã gặp gỡ ở đây trong ba tuần qua hoặc bởi chính bản thân mình vì mỗi một người trong chúng ta xem xét vai trò tham dự của mình trong bối cảnh của những gì đang xảy ra một khi chúng ta đi đến quyết định, theo cách của La-mã cổ đại, từ một nền cộng hòa tới một đế chế.