Người mẹ Việt Nam trong mắt nhìn của một nhà báo Mỹ
Nhandan.org.vn, cập nhật 19giờ - 21-4-2003
Tuần báo Newsweek vừa giới thiệu bài viết về cuộc gặp gỡ của Ron Moreau với bà Phạm Kim Hỷ - một người mẹ có con trai đã hy sinh vì Tổ quốc trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Câu chuyện của bà đi tìm hài cốt con trong suốt 23 năm đã khiến người phóng viên Mỹ kỳ cựu này nhận ra rằng, anh còn hiểu quá ít về Việt Nam.
Cảm nhận đầu tiên
Năm 2002, tôi đến Hà Nội để tìm hiểu về vấn đề binh linh Mỹ bị mất tích trong chiến tranh Việt Nam (MIA). Những tháng ngày đi tìm tư liệu viết bài đã giúp tôi hiểu rằng, thật là không công bằng nếu người Mỹ chỉ đề cập đến vấn đề binh lính Mỹ mất tích trong chiến tranh mà quên mất rằng đó cũng là vấn đề của người Việt Nam. Họ đâu có biết rằng, dù cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Mỹ đã qua đi gần ba thập kỷ, nhưng hàng ngàn gia đình Việt Nam vẫn chưa thể nào biết được những người thân yêu của họ đang nằm ở nơi đâu Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn vẫn còn không ít những nấm mồ chưa biết tên. Vẫn còn biết bao người mẹ già, vẫn chưa thể nào yên lòng nhắm mắt xuôi tay khi chưa nhận lại được hài cốt con mình. Tôi đã gặp một người mẹ như thế- bà Phạm Kim Hỷ. Hành trình 23 năm đi tìm con của bà đã cho tôi thấy thế nào là tấm lòng người mẹ Việt Nam, thế nào là sự thủy chung, lòng quyết lâm, ý chí không quản ngại khó khăn gian khổ - những phẩm chất mà theo tôi đã làm nên một Việt Nam chiến thắng năm 1975.
Hoài niệm về đứa con thương yêu
Bà Phạm Kim Hỷ nay đã 72 tuổi. Tuổi tác, nỗi đau đã đè nặng lên đôi vai mảnh mai của bà nhưng không làm che khuất nổi những nét thanh tú- dấu ấn của một thời xuân sắc Tôi vẫn thấy trong đôi mắt không còn tinh anh lắm của bà vẫn ánh lên ngọn lửa của niềm tin và hy vọng, cho dù 23 năm qua đi, hành trình đi tìm hài cốt người con của bà vẫn chưa kết thúc. Con người bà, tôi có cảm giác đó là một khối hỗn hợp, được hòa trộn nhuần nhuyễn giữa tình yêu con, ý chí, quyết tâm, cả nỗi buồn nhưng không phải là sự bi lụy. Càng không hề có sự buông xuôi. Nước mắt chảy dài khi bà chỉ cho tôi xem những vật lưu niệm bà luôn gìn giữ như báu vật về người con. Bộ quần áo sơ sinh, đôi giày, chiếc khăn quàng đó những tấm ảnh và những bức thư được viết từ chiến trường. Trong bức thư đề tháng 3 năm 1972, từ mảnh đất Tây Nguyên- có lẽ là lá thư cuối cùng- chàng lính trẻ Hồ Việt Dũng - con trai bà - đã viết: "Mẹ ơi, mẹ không phải lo gì cho con. Con khỏe. Tụi con sắp bước vào một trận đánh lớn mẹ ạ. Bây giờ là mùa xuân, con nhớ mẹ, nhớ Hà Nội nhiều lắm".
Hành trình 23 năm tìm con
Chiến tranh kết thúc. Trong rợp trời cờ hoa, trùng trùng đoàn quân chiến thắng ngày 30 tháng 4 năm 1975 ấy, không có bóng dáng cậu con trai thương yêu của bà. Đơn vị của Dũng cho biết, cậu đã hy sinh anh dũng trong một trận đánh năm đó. Trận đánh thành công nhưng Dũng bị trúng đạn. Trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, đồng đội đã chôn cất anh gần một con suối ven rừng Trường Sơn, rồi lại vội bước vào trận đánh mới. Những đồng đội ấy sau đó cũng lần lượt hy sinh, nên đơn vị cũng không biết chính xác Dũng nằm nơi đâu. Sau những ngày đau đớn, bà quyết tâm đi tìm bằng được mộ con. Với những đồng tiền tiết kiệm và khoản lương hưu ít ỏi, bà và chồng - cũng là một thương binh - khăn gói lên đường vào Trường Sơn. Đồng thời bà cho đăng báo, viết thư, tìm gặp những người cùng đơn vị với Dũng. Hết đi ô-tô, xe máy rồi lặn lội đi bộ, chống gậy băng rừng Trường Sơn, uống nước suối, ăn mì tôm, ngủ trại. Tay chân họ đầy những vết cắn của ong, kiến và những con đỉa nơi các con suối họ lội qua, những vết xước do cây rừng đâm phải. Nhưng nỗi đau thể xác không thể nào sánh nổi với nỗi đau chưa tìm được hài cốt con. "Nhiều lúc tôi kiệt sức, lăn ra ốm, nhưng lại phải vùng dậy, phải tìm bằng được con chứ"- bà tâm sự. Theo những dấu vết chỉ dẫn, họ khai quật hầu hết những ngôi mộ họ tìm được trong rừng "nhưng chẳng có ngôi mộ nào là của con tôi cả. Chúng tôi đưa họ về nghĩa trang". "Thế làm thế nào mà biết được đó là mộ con bà?"- tôi hỏi. "Biết chứ. Nhất là hàm răng. Nó có một hàm răng rất đẹp, rất thẳng"- bà trả lời tự tin "Còn những kỷ vật gì mà chúng tôi còn nghi vấn, tôi đưa về Hà Nội chôn cất, đó cũng là nghĩa cử là nếu có nhầm cũng không đáng sợ lắm". 23 năm trôi qua, vợ chồng bà chưa tìm được một hài cốt trọn vẹn của Dũng. Một ngôi mộ được cất tạm làm nơi hương khói cho anh, nhưng bà Hỷ vẫn không hề nản chí "Còn sức, tôi còn đi tìm. Tôi không thể chịu được ý nghĩ nó phải nằm cô đơn, vô danh nơi xa xôi nào đó".
Và tôi chợt hiểu rằng, mình đã hiểu về Việt Nam quá ít.
HỒNG SÂM
(Theo Newsweek)
(Báo Nhà báo và công luận)