Một trí thức Mỹ: Hãy từ bỏ cách suy nghĩ một chiều về Việt Nam

(Nhandan online, cập nhật 18giờ30 - 07-04-2003 )

Ý kiến của một trí thức Mỹ: Hãy từ bỏ cách suy nghĩ một chiều về Việt Nam

Ngay sau khi nghị sĩ Chris Smith đề nghị đưa Dự luật Nhân quyền Việt Nam ra thông qua trước Hạ viện Mỹ, Bradley O'Leary, một trí thức người Mỹ hiểu biết sâu sắc về Việt Nam và quan hệ Mỹ - Việt Nam hàng chục năm qua đã lên tiếng: "Tôi điên giận (outraged) đến mức tôi sẽ tự mình làm cho ra nhẽ". Ông là người đã có mặt trong đời sống chính trị Mỹ suốt 25 năm qua, là tác giả cuốn sách bán chạy Presidential Follies và là tay bút chuyên mục cho tờ USA Today Weekend. Ông có chương trình trên Đài phát thanh NBC và tờ "O'Leary Report", một trong những ấn phẩm có ảnh hưởng chính trị lớn tại Mỹ. Ông hiện là Chủ tịch hãng Truyền hình Associated Television News tại Los Angeles, California, Mỹ.

Hỏi: Xin ông cho biết suy nghĩ về đề nghị xem xét Đạo luật Nhân quyền tại Việt Nam của nghị sĩ Chris Smith.

- Ông O'Leary: Tôi đã đọc Báo cáo tiến trình nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ. Và tôi phải nói rằng những dân biểu Mỹ nào không nhìn thấy sự tiến bộ của Việt Nam tức là đang mù tịt về những gì đang thật sự diễn ra tại Việt Nam. Bên cạnh những điểm tiêu cực, báo cáo này đầy những lời khen tặng các tiến bộ nhân quyền mà Chính phủ Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua. Các nghị sĩ ủng hộ ông Chris Smith có thể đã chưa đọc báo cáo này một cách cụ thể. Trước một sự việc, người ta có thể nhìn theo hai hướng: nhìn vào những tiêu cực và nhìn vào những điều tích cực. Và khi luận về "tiến trình" thì phải so sánh giữa quá khứ và hiện tại.

Hỏi: Ông có thể nói cụ thể hơn về các điểm mà báo cáo đề cập về Việt Nam?

- Ông O'Leary: Thứ nhất là về "đàn áp tôn giáo". Tôi là người Công giáo. Mỗi lần đến Việt Nam tôi đều đi nhà thờ Đức Bà. Ở đó, có rất nhiều người đi lễ, và tôi luôn phải đến sớm để có được chỗ ngồi. Rất nhiều nhóm Công giáo nhỏ, thí dụ như nhóm các bà xơ nuôi trẻ khiếm thị, các nhà thờ nhỏ thiếu kinh phí, cần sự trợ giúp để mở rộng hoạt động và liên hệ với tôi. Tôn giáo vẫn đang phát triển tại Việt Nam. Thực tế ở Việt Nam, tôi chẳng gặp ai mà lại không thoải mái nói về tôn giáo của mình, thoải mái công nhận rằng nhà mình có bàn thờ Phật hoặc thờ tổ tiên (một tín ngưỡng mang màu sắc Phật giáo). Và tính về phần trăm dân số thì người có tôn giáo ở Việt Nam còn nhiều hơn số này tại Pháp, Canada hay tại Mỹ.

Hỏi: Ông có thể so sánh tình hình hiện nay với một quá khứ nào đó về khía cạnh này?

- Ông O'Leary: Một thí dụ là thời kỳ chính quyền Ngô Đình Diệm. Diệm được CIA dựng lên, và dùng tiền của Mỹ xây dựng quân đội, đàn áp những người Phật giáo. Nước Mỹ rúng động khi thấy các nhà sư tự thiêu. Diệm thuộc về thiểu số Công giáo ở miền Nam Việt Nam, và ông ta đàn áp đa số những người theo tôn giáo khác. Những người đang nói rằng có sự đàn áp tôn giáo ở Việt Nam phải thừa nhận rằng hiện nay không hề có cái gì tương tự như thế.

Hỏi: Ông có thể nói gì về những điều Báo cáo đưa ra về tình hình "phân biệt tôn giáo" ở Tây Nguyên?

- Ông O'Leary: Trong khi tôn giáo về bản chất đều tốt, vẫn có những nhóm tôn giáo tín ngưỡng bị lợi dụng. Tại Mỹ cũng có những nhánh tôn giáo gặp rắc rối to vì họ làm những việc không hay. Nước Mỹ, trong thế kỷ 20 cũng có những thí dụ về phân biệt tôn giáo và chủng tộc. Người châu Á ở California cho đến tận những năm 1954 vẫn không có quyền sở hữu tài sản lớn. Và tôi cho rằng không thể lấy những gì xảy ra (nếu có) ở Tây Nguyên làm điển hình để kết luận về toàn bộ Việt Nam được.

Hỏi: Còn về "số trẻ em đường phố, nạn mại dâm, tội phạm v.v." mà Báo cáo đã đề cập?

- Ông O'Leary: Phản ứng của tôi là: hãy đưa ra các con số tương tự về nước Mỹ! Tôi tin rằng đa số các nghị sĩ sẽ bị sốc khi biết được những con số về các mục ấy của Mỹ.

Hỏi: Vậy nhận xét chung của ông về Báo cáo là gì?

- Ông O'Leary: Có một điều cần làm rõ là Báo cáo này là báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về rất nhiều nước trên thế giới. Trước Quốc hội, ông Chris Smith làm ra vẻ như Báo cáo ấy tập trung vào Việt Nam, nhưng không phải. Theo tôi, tại Mỹ đang có một sự đàn áp về suy nghĩ chính trị. Nếu như một ai đó trong Quốc hội đọc toàn những điều xấu và tuyên bố cần phải làm gì đó, thì cũng cần phải có ai nói: "Hãy khoan, thế còn bao nhiêu thứ tốt đẹp mà các ngài đang làm ngơ thì sao?". Nhìn trong lịch sử Việt Nam, có thể thấy dân tộc này luôn bị thế lực ngoại bang từ chối quyền tự do. Và trong quãng 150 - 200 năm qua, chưa bao giờ Việt Nam lại có được tự do như ngày hôm nay.

Hỏi: Ông dự định sẽ làm gì khi Dự luật Nhân quyền Việt Nam được đem ra xem xét ở Quốc hội Mỹ?

- Sau 25 năm làm việc ở Washington D.C., tôi có nhiều mối quan hệ. Hơn 50 năm nghị sĩ là khách hàng hoặc bạn tôi. Tôi sẽ viết thư cho họ, sẽ gặp họ và chỉ ra những điều tích cực mà Chính phủ Việt Nam đã làm để cải thiện nhân quyền. Lần trước, tôi nhớ thì có 410 dân biểu ủng hộ đem dự luật này ra Quốc hội. Lần này, trong số 410 người ấy chỉ có 30 người ủng hộ việc xem xét. Tôi rất hài lòng vì việc này, nhưng tôi cũng rất điên giận và sẽ hành động, bởi dự luật này có thể làm phương hại đến quan hệ hai nước, và quan trọng hơn là làm hại đến nhân dân Việt Nam. Phải có ai nói rằng đây là một sai lầm. Trong thư gửi họ, tôi sẽ đề nghị họ bỏ cách suy đoán một chiều đối với Việt Nam. Tôi cũng sẽ liên hệ với các doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư làm ăn ở Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

HÀ NGUYÊN thực hiện
(Báo Thanh niên)