Thực thi BTA là bước tiến lớn để Việt Nam bước vào WTO
(Tuổi trẻ, 10/3/2003)
Ông Jon Huntsman - Phó đại diện thương mại Mỹ vừa tham gia kỳ họp của Ủy ban hỗn hợp Việt - Mỹ về thực thi Hiệp định thương mại song phương (BTA) - cho rằng, thực thi BTA là bước tiến lớn để Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới. Ông cũng cho biết lĩnh vực Việt Nam đã thực hiện tốt cũng như chưa đạt theo mong muốn từ phía Mỹ trong việc thực thi BTA.
Hỏi: Kết quả cuộc họp thế nào, thưa ông? Ông và các quan chức Việt Nam đã đồng ý với nhau những điểm gì và những điểm nào còn bất đồng?
Trả lời: Chúng tôi đã cùng đánh giá những tiến bộ đạt được trong việc thực thi hiệp định, xem những gì hai bên đã thực hiện tốt và những gì cần phải cải thiện. Lý do để hai bên thực hiện việc này là vô cùng quan trọng, vì nó giúp xây dựng sự tin cậy giữa hai nước chúng ta, mà có lòng tin thì mới có giao thương. Chúng tôi cũng đã chỉ ra những thách thức và vấn đề còn tồn tại. Công bằng mà nói, mối quan hệ nào mà chẳng có vấn đề.
Hỏi: Vậy theo ông, những lĩnh vực nào Việt Nam đã thực hiện tốt trong thực thi BTA? Và lĩnh vực nào phía Mỹ trông đợi những kết quả rõ ràng hơn?
Trả lời: Lĩnh vực dịch vụ là lĩnh vực mà chúng tôi thấy Việt Nam đã có nhiều bước đi tích cực, nhưng cũng chính lĩnh vực này chúng tôi muốn thấy nhiều cải thiện hơn. Nói đến dịch vụ nghĩa là tôi muốn nói tới lĩnh vực tài chính. Không có các ngân hàng mạnh thì doanh nghiệp không thể vay tiền. Một thị trường tài chính phát triển là nền tảng tốt để kinh doanh. Tương tự, không phát triển lĩnh vực bảo hiểm thì chẳng thể có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ cá nhân. Chúng tôi tin rằng Việt Nam mở cửa lĩnh vực tài chính sẽ giúp quan hệ kinh tế - thương mại song phương phát triển mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, tôi nghĩ là cần phải hành động nhiều hơn trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thực thi và minh bạch hóa luật lệ.
Hỏi: Nhiều nước, trong đó có Mỹ, đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO. Nhưng có ý kiến cho rằng đàm phán Việt - Mỹ về Việt Nam gia nhập WTO thậm chí còn khó khăn hơn là đàm phán BTA?
Trả lời: Hãy nhớ là Trung Quốc đã mất 16 năm để gia nhập WTO. Trong thời gian đó luật lệ thay đổi rất nhiều, từ lúc Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch (GATT) trở thành WTO, rồi tiếp đó là vòng đàm phán Doha tháng 11-2001. Qua từng năm, hiển nhiên là điều kiện gia nhập WTO, yêu cầu về mở cửa và trình độ thương mại càng khó khăn, chặt chẽ hơn. Ý kiến của tôi là nếu Việt Nam thực thi BTA một cách chắc chắn thì đó là một bước tiến lớn để gia nhập WTO. Tất nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm. Tôi biết vòng đàm phán thứ sáu về việc Việt Nam gia nhập WTO diễn ra vào tháng năm tới sẽ là thời điểm quyết định các yêu cầu được đưa ra như thế nào. Nhưng phải nhắc lại là BTA đã đại diện cho phần lớn công việc rồi.
Hỏi: Ông có nói các vụ tranh chấp thương mại song phương gần đây xuất phát từ khu vực tư nhân của Mỹ. Nhưng thái độ của chính phủ là rất quan trọng?
Trả lời: Sẽ là không công bằng khi nghĩ rằng Chính phủ Mỹ cố tình gây khó dễ. Chúng tôi có một hệ thống luật rất minh bạch và chặt chẽ. Qua các vụ tranh chấp thương mại này, phía Việt Nam có thể hiểu và áp dụng đúng luật lệ của chúng tôi. Các công ty Việt Nam cũng đã có một vài điều chỉnh rồi. Tất nhiên là tôi hiểu tính nhạy cảm của vấn đề và tôi xin chia sẻ. Bây giờ là lúc để các quy trình pháp lý tiếp tục. Tuy nhiên, bất kỳ kết quả có thế nào, xin phải nhắc lại là do khu vực tư nhân khởi xướng chứ không phải từ phía Chính phủ Mỹ.
Hỏi: Trong khi chúng ta bắt đầu thực thi BTA đồng thời cũng xảy ra một vài vết gợn trong quan hệ hai nước: đầu tiên là Hạ viện Mỹ thông qua dự luật nhân quyền ở Việt Nam, gần đây là "dự luật treo cờ ở bang Virginia" và mới nhất hai nghị sĩ Mỹ chuẩn bị trình Hạ viện Mỹ dự luật về "tự do thông tin" ở Việt Nam. Là người đang cố gắng thúc đẩy quan hệ giao thương hai nước, ông thấy thế nào khi có những người đang cố làm suy giảm mối quan hệ này?
Trả lời: Quan hệ hai nước chúng ta không giảm mà đang tiến triển. Cứ nhìn vào trao đổi mậu dịch thì thấy, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng vọt và nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam cũng vậy. Quan hệ hai nước đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Còn nhìn vào hệ thống pháp lý của Mỹ, nó dựa trên sự công khai, thảo luận và tranh cãi. Tôi có nghe về mấy dự luật này nhưng cũng không rành rọt mấy. Những dự luật đó còn phải tranh cãi nhiều trong hệ thống pháp luật của chúng tôi. Nó không thể là vật cản cho quan hệ tổng thể của hai nước chúng ta khi mối quan hệ này dựa trên một nền tảng kinh tế - thương mại vững chắc.
CẨM HÀ thực hiện
(Báo Tuổi trẻ)