"Việt Nam - Cuộc hành trình của Con người, Tinh thần và Linh hồn"


"Việt Nam - Cuộc hành trình của Con người, Tinh thần và Linh hồn" là cuộc triển lãm lớn đầu tiên của Việt Nam được tổ chức tại Mỹ, khai mạc vào ngày 15-3 tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở New York. PGS-TS Nguyễn Văn Huy – Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đơn vị thực hiện triển lãm, trò chuyện về cuộc trưng bày này...

* Thưa PGS.TS Nguyễn Văn Huy, chủ đề "Những cuộc hành trình" phải chăng là hình ảnh ẩn dụ cho việc khám phá đời sống Việt Nam? Đi theo những cuộc hành trình ấy, sẽ được gặp điều gì?

- ""Việt Nam - Cuộc hành trình của Con người, Tinh thần và Linh hồn " là một hành trình biểu tượng cho cuộc sống đương đại ở Việt Nam dưới con mắt dân tộc học vào thời điểm khởi đầu của thế kỷ 21. Đây là các cách tiếp cận văn hóa Việt Nam thông qua những cuộc đi hiện thực và cả trong tưởng tượng (tinh thần và tâm linh).

Trưng bày gồm một số chủ đề chính: Những cuộc hành trình của thời gian – chào mừng năm mới. Năm mới là thời điểm các thành viên trong gia đình sum họp, tổ tiên ông bà được mời về với gia đình, Ông Táo lên chầu trời để tấu trình những việc xảy ra trong năm, là mùa của những cuộc hành hương và lễ hội... Phần trưng bày chúng tôi sẽ thể hiện cảnh đón năm mới ở thành phố lớn, nông thôn, khu phố xưa, trong mái nhà của những gia đình, và những đám rước của hội làng, nghi lễ thờ cúng... Cuộc hành trình của con người và hàng hóa: Một bài thơ về xe đạp – câu chuyện này sẽ được kể bằng hiện vật gốm Bát Tràng với những chiếc xe đạp chở đầy gốm; Cảnh bán hàng của người dân tộc vùng cao với khách du lịch "ba lô"- cuộc sống của những người dân bản xứ đã thay đổi thế nào khi xuất hiện cạnh tranh của thương nghiệp; Cuộc hành trình vào rừng – đi săn thú và tìm thuốc vốn gắn liền với các nghi lễ, có ý nghĩa sống còn với cư dân miền núi, nhưng hiện nay rừng đang bị hủy họai bởi đời sống văn minh. Những cuộc hành trình tưởng tượng: được biểu đạt qua các đám rước đưa cô dâu về nhà chồng và lễ tiễn đưa người chết sang thế giới bên kia của các dân tộc Kinh, Chăm, Dao, Gia Rai, Thái... Những cuộc hành trình của linh hồn và tinh thần qua lễ hầu đồng của người Kinh và lễ cúng mo trấn áp ma quỷ của thầy pháp người Tày...

Triển lãm này không có cổ vật, những hiện vật dân tộc học đương đại (400 hiện vật và băng hình, ảnh) cho thấy toàn diện về phong tục tập quán, lối sống, nếp sinh hoạt, tinh thần và những đối mặt của người Việt Nam trong nhịp sống hiện đại - hội nhập để phát triển nhưng làm sao bảo toàn được bản sắc của mình.

* Triển lãm của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam bên cạnh phần trưng bày trung tâm thường có các hoạt động bổ trợ, và người xem thu được rất nhiều kiến thức thú vị qua những hoạt động này. Vậy với "Việt Nam - Cuộc hành trình của Con người, Tinh thần và Linh hồn" thì sao thưa ông?

- Phần bổ trợ rất quan trọng, nó giới thiệu được đa chiều các phương diện khác nhau của đề tài trưng bày. Trong thời gian đặt triển lãm ở Bảo tàng lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ sẽ diễn ra đều đặn các diễn đàn rộng rãi thuyết trình giao lưu các vấn đề về dân tộc học; trình diễn múa rối nước Bình Phú, triển lãm tranh khắc gỗ theo phong cách tranh dân gian Hàng Trống, triển lãm mỹ thuật của họa sĩ Lê Quốc Việt, perfomance art của họa sĩ Trần Lương; Xây dựng các chương trình cho học sinh khám phá về Việt Nam... Những hoạt động này giúp người xem hiểu sâu hơn về cuộc trưng bày, và lưu lại những ấn tượng, hiểu biết về văn hóa – con người Việt Nam cả khi triển lãm kết thúc.

* Có một triển lãm lớn và dài ngày ở trung tâm lớn của nước Mỹ, tại một bảo tàng có lịch sử lâu đời và uy tín nhất nước Mỹ - đây hẳn là cơ hội tốt để quảng bá văn hóa Việt Nam ngay trên đất Mỹ?

- Người Mỹ hiểu biết về Việt Nam rất ít, đặc biệt là tình hình về Việt Nam đương đại. Kiến thức về Việt Nam chủ yếu chỉ dừng lại trước 1975 – đó là Việt Nam của chiến tranh, thông tin về Việt Nam ở Mỹ hiện nay còn rất ít, thậm chí bị lệch lạc. Cuộc trưng bày này tham gia việc lấp "lỗ hổng" ấy. Tổ chức triển lãm ở New York trong vòng một năm – nơi lượng khách du lịch qua lại rất nhiều, nên những thông tin về Việt Nam có cơ hội truyền khắp nước Mỹ và thế giới. Điều này rất cần trong bối cảnh hội nhập, giao lưu kinh tế - văn hóa hiện nay.

* Còn bản thân Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam thu nhận được gì qua cuộc hợp tác này? Nghe nói đã có nhiều nước đăng ký đặt triển lãm " Việt Nam - Cuộc hành trình của Con người, Tinh thần và Linh hồn" ở nước họ sau khi triển lãm kết thúc ở New York?

- Chúng tôi làm việc với Bảo tàng lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ trong gần ba năm, khoảng 20 lượt chuyên viên trẻ của Bảo tàng Dân tộc học đã sang Mỹ trao đổi nghiệp vụ với phía bạn. Đây là cơ hội quý giá để tiếp cận với cách làm việc của một bảo tàng hiện đại và có uy tín, chắc chắn cán bộ của Bảo tàng Dân tộc học được nâng cao chuyên môn về trưng bày, xử lý, bảo quản hiện vật.

Triển lãm sẽ trưng bày ở Bảo tàng lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ đến tháng 1-2004, dự kiến sẽ trưng bày tiếp tại Texas, California, Los Angeles, Colorado... Hiện nay bảo tàng Singapore và Australia cũng đang thăm dò để đưa triển lãm về, cụ thể còn phụ thuộc vào hiệu quả và dư luận về cuộc trưng bày này. Nhưng chắc chắn năm 2005, "Việt Nam - Cuộc hành trình của Con người, Tinh thần và Linh hồn" sẽ quay trở về Việt Nam - Bảo tàng Dân tộc học đường Nguyễn Văn Huyên để khép lại chuyến "chu du vòng quanh thế giới" và để chính công chúng Việt Nam chứng kiến sự hiện diện của hình ảnh thu nhỏ nhịp sống mỗi ngày của họ.

* Xin cảm ơn!

QUỲNH HƯƠNG (thực hiện)
(Báo Gia đình và xã hội)