PTT Vũ Khoan: Các doanh nghiệp hoàn toàn chủ động
Hà Nội (TTXVN 6/3/03) - Ngày 6/3, Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước trên cơ sở xác định vấn đề chủ yếu là ở hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp chứ không phải là ở hình thức sở hữu.
Phát biểu trong ngày nhóm họp chính thức đầu tiên của Hội nghị doanh nghiệp Hội châu Á lần thứ 13 tại Hà Nội, Phó Thủ tướng nói Nhà nước chỉ nắm giữ một số lĩnh vực chủ yếu, còn lại sẽ tiến hành cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp Nhà nước hoặc cho phá sản những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, với mục tiêu đến năm 2005 chỉ còn 3.000 doanh nghiệp quốc doanh (năm 2002 là 5.000 doanh nghiệp).
Để khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, theo Phó Thủ tướng Vũ Khoan, Chính phủ sẽ tiếp tục chủ trương xây dựng một mặt bằng pháp lý, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp; các doanh nghiệp hoàn toàn chủ động hoạt động theo tín hiệu của thị trường, Nhà nước chỉ điều hành ở tầm vĩ mô thể hiện ở hệ thống pháp luật, các chính sách thuế... Để phù hợp với các cam kết hội nhập mà Việt Nam đã tham gia, Chính phủ sẽ tiếp tục dỡ bỏ các hàng rào phi thuế, giảm bớt và tiến tới xóa bỏ bảo hộ (trong thời gian nhất định và phạm vi nhất định) nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế, doanh nghiệp và từng ngành hàng.
Trình bày về các giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) dài hạn của Việt Nam, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh chủ trương của Chính phủ Việt Nam coi đầu tư nước ngoài là một bộ phận hợp thành của nền kinh tế, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh cho nền kinh tế.
Ông Phúc cho biết từ nay đến năm 2005, Việt Nam xác định cần khoảng 60-62 tỷ USD tổng vốn đầu tư xã hội; trong đó ĐTNN chiếm 1/3 bao gồm cả viện trợ phát triển chính thức và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ông nói Chính phủ cam kết đảm bảo môi trường chính trị xã hội ổn định, thực hiện minh bạch và nhất quán các chính sách để tạo lòng tin nơi các nhà đầu tư, tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý; từng bước mở cửa thị trường và tham gia vào thị trường vốn quốc tế.
Hơn 800 đại biểu là các nhà lãnh đạo Chính phủ và doanh nghiệp đến từ 25 nước đã tập trung thảo luận hai chủ đề chính là "Các giải pháp hiệu quả lâu dài cho công cuộc cải cách" và "Thu hút đầu tư nước ngoài ở Việt Nam."
Các diễn giả đại diện cho Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) đều nhất trí với chủ trương, đường lối đổi mới của Chính phủ Việt Nam và mong muốn đẩy mạnh hợp tác, hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong vấn đề cải cách hành chính công.
Các đại biểu cũng thảo luận về sự phát triển khu vực tư nhân ở Việt Nam bao gồm các vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vai trò của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đối với sự phát triển của Việt Nam, sự phát triển của thị trường chứng khoán./.