Những người Mỹ có cha tử trận tại Việt Nam nói về Việt Nam


Họ gần 80 người của tổ chức Sons and Daughters in Touch, đến Việt Nam để tìm hiểu về những điều mà cha họ đã làm trong thời gian chiến tranh. Những người họ gặp, những điều họ chứng kiến đã giúp họ hiểu hơn về một dân tộc thân thiện và yêu chuộng hòa bình, giúp những cựu binh Mỹ như chuộc lại lỗi lầm.

Đến Hà Nội hôm trước, hôm sau đoàn SDIT tốc hành đi Lạng Sơn. Nơi ấy, vào một ngày mùa hè năm 1965, chiếc máy bay do phi công Stanley E. Olmstead đã bị bắn rơi và đâm xuống đỉnh núi Phượng Hoàng nằm giữa hai tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang. Mickey R. Olmstead - luật sư tại bang Texas, con trai của phi công Stanley E. Olmstead kể anh thật sự xúc động chứng kiến nơi chiếc máy bay của cha mình đã rơi xuống. Địa phương vẫn còn lưu giữ nhiều mảnh vỡ của chiếc máy bay như một chứng tích của lịch sử. "Những điều tôi đã được nhìn thấy và cảm nhận về Việt Nam thật khác xa với hình dung ban đầu của tôi. Lúc đến gần dãy núi Phượng Hoàng, chúng tôi đã được hai công an Chi Lăng dẫn đường. Họ rất nhiệt tình dẫn chúng tôi lên núi. Tôi chỉ nhớ một người trong số họ tên là Tạc (?). Bố anh ấy là bộ đội hy sinh ở chiến trường miền Nam khi anh ấy mới tròn 1 tuổi. Dù không có chung một ngôn ngữ để nói chuyện, nhưng tôi và Tạc cảm thấy rất đồng cảm vì tôi và anh ấy có chung một hoàn cảnh.

Anh có biết không, khi tôi nâng bức ảnh của cha tôi và lầm rầm cầu nguyện, người hướng dẫn viên Việt Nam mang đến mâm hoa quả, vàng hương. Thật đặc biệt! Thú thực trước đây tôi đã không có thiện cảm mấy với Việt Nam vì tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng cha tôi đã chết trong chiến tranh Việt Nam. Thế nhưng giờ đây tôi đã cảm thấy thật gần gũi với nhân dân Việt Nam".

Cho đến tận trước khi sang Việt Nam, Cindy Rheinheimer vẫn chưa thể hình dung nổi cuộc sống của cha mình như thế nào mặc dù có nhiều người kể cho cô nghe về người cha đã khuất. Lúc cha cô chết trận ở Việt Nam vào năm 1967, Cindy mới lên 3 tuổi. Cindy kể cô không nhớ rõ địa danh nơi cha mình nằm lại, nhưng trong trí nhớ của cô đó là một vùng rừng cách TP Hồ Chí Minh khoảng 50km về phía Đông Bắc. Trước khi sang Việt Nam, Cindy không thể hình dung được rằng người Việt Nam lại có thể thân thiện với cô và bạn bè đến như vậy bởi chính người Mỹ đã đến Việt Nam gây chiến. Cindy khoe với tôi rằng lần sau nhất định cô sẽ đưa hai con gái sinh đôi đến thăm Việt Nam để chúng hiểu rõ hơn về một đất nước thân thiện, hiếu khách nơi ông nội chúng đã sống những ngày cuối đời. "Chuyến đi của chúng tôi mang tên "Hòa bình và hiểu biết". Chúng tôi đã được đón tiếp rất nồng hậu. Chúng tôi đã có cơ hội để hiểu đất nước các bạn hơn. Đây sẽ không phải là chuyến thăm Việt Nam lần cuối cùng. Toni Cordero, Người sáng lập và là Chủ tịch SDIT ngồi kế bên tiếp lời.

Jim Doyle đến Việt Nam từ cuối những năm 60 cùng sư đoàn bộ binh số 1 quân đội Hoa Kỳ. Lúc sang tham chiến ở Việt Nam, Jim mới 21 tuổi, vừa rời ghế nhà trường phổ thông. Đến tận bây giờ ông vẫn nhớ như in những trận đụng độ ác liệt với bộ đội Việt Nam ở Lai Khê, Bình Dương... Năm 1970, đúng 1 năm tham chiến ở Việt Nam, Jim bị thương và phải về nước. Kể từ đó, ông trở thành nhân viên của Công ty viễn thông ở thành phố Fresno (Califomia) nhưng lòng vẫn nặng trĩu tâm trạng tội lỗi.

"Tôi đã thực sự thấy yêu mến đất nước Việt Nam từ khi đặt chân đến đây. Người Việt Nam hiền lành, nhân hậu. Chính vì thế mà tôi đã cảm thấy cuộc chiến tranh mà chúng tôi đang tham gia là một sai lầm lớn. Tôi tự nhủ nhất định sẽ quay trở lại đất nước này để làm điều gì đó chuộc lại lỗi lầm. Và dịp đó đã đến vào năm 1995. Sau đó tôi liên tục đến Việt Nam vào năm 1996, 2002, năm ngoái và lần này đây". Hiện Jim là Thư ký tổ chức Sáng kiến Hòa bình Cựu chiến binh Việt Nam (VVPI). Tổ chức của ông thực hiện dự án nhân đạo cung cấp trang thiết bị y tế và tài trợ cho một bệnh viện nhỏ tại huyện Hòa Vang (ngoại ô Đà Nẵng) tài trợ cho trẻ em lang thang ở thành phố Đà Nẵng.

Về cuộc chiến mà chính quyền Mỹ đang phát động chống Iraq, Jim nói: "Hoàn toàn sai lầm và phi nghĩa. Nỗi lo sợ lớn nhất của tôi là sẽ lại có một thế hệ trẻ Mỹ nữa tiếp tục mất cha mất mẹ trong cuộc chiến này. Và sẽ có nhiều thường dân Iraq nữa ngã xuống... Loài người chúng ta phải làm mọi điều có thể để chống lại chiến tranh".

HẢI HÀ
(Báo Tiền phong)