Kim ngạch xuất khẩu dầu thô tăng khá cao

Hà Nội (TTXVN 4/3/03) - Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, 2 tháng đầu năm, cả nước đã xuất khẩu trên 2,8 triệu tấn dầu thô, kim ngạch đạt 689 triệu USD.

So với cùng kỳ năm ngoái, lượng dầu thô xuất khẩu chỉ tăng 5% nhưng kim ngạch lại tăng tới 71,9%. Giá dầu thô thế giới tăng đang tạo thuận lợi cho các nhà khai thác và xuất khẩu dầu thô ở Việt Nam. Dầu thô tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu trong 4 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao của cả nước là dầu thô, dệt may, thuỷ sản và giày dép.

Năm nay, ngành dầu khí dự kiến sẽ khai thác 20,86 triệu tấn dầu và khí, xuất khẩu trên 17 triệu tấn dầu thô.

Với sản lượng 19,36 triệu tấn dầu và khí năm 2002, xuất khẩu 16,9 triệu tấn dầu thô; Việt Nam đang đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về khai thác và xuất khẩu dầu thô.

Bên cạnh việc tăng tốc khai thác, xuất khẩu dầu thô, những năm gần đây, ngành công nghiệp khí và hoá dầu Việt Nam đã bắt đầu hình thành và đang phát triển mạnh. Riêng năm 2002, ngành công nghiệp này đã cung cấp 147.000 tấn condensate và 349.000 tấn khí hoá lỏng (LPG) cho sản xuất và tiêu dùng trong nước thay thế hàng nhập khẩu.

Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn với công suất 7 tỷ m3/năm và đường ống đặt ngầm dưới đáy biển dài nhất thế giới là 362 km, vừa được hoàn thành cuối năm 2002 đã đánh dấu bước phát triển mới của ngành công nghiệp khí Việt Nam. Công trình này đảm bảo cung cấp an toàn, ổn định, lâu dài nguồn nhiên liệu, nguyên liệu cho các nhà máy điện, đạm và hoá dầu ở Phú Mỹ (thuộc tính Bà Rịa-Vũng Tàu) có công suất lớn nhất cả nước hiện nay.

Dự án tổ hợp khí-điện-đạm Cà Mau đang được Quốc hội xem xét quyết định cũng là một dự án lớn, khi triển khai sẽ tạo diện mạo mới cho ngành công nghiệp dầu khí và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bằng Cửu Long.

Ngành dầu khí đang hợp tác với các đối tác nước ngoài triển khai hàng loạt dự án lọc hoá dầu để khai thác triệt để tiềm năng dầu khí và cung cấp nguyên-nhiên liệu thay thế hàng nhập khẩu. Tổng Công ty dầu khí Việt Nam đang khẩn trương xây dựng để đưa vào hoạt động nhà máy lọc dầu Dung Quất năm 2005, đồng thời xúc tiến triển khai dự án lọc hoá dầu tại Nghi Sơn-Thanh Hoá với công suất giai đoạn đầu 7 triệu tấn/năm gồm hàng chục loại sản phẩm phù hợp với nhu cầu trong nước.

Tổng Công ty cũng đang lập dự án khả thi để triển khai xây dựng 2-3 trung tâm hoá dầu gắn với nguyên liệu từ các nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn và gắn với nguồn nguyên liệu khí thiên nhiên ở khu vực Đông Nam bộ.

Dự án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất than đen cũng đang được Tổng Công ty Hoá chất Việt Nam xúc tiến triển khai với công suất ban đầu 50.000 tấn/năm từ nguồn dầu cặn sau khi lọc dầu, thay hàng hiện nay đang phải nhập khẩu.

Tại khu công nghiệp Phú Mỹ, ngành dầu khí và hoá chất vừa đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất PVC đầu tiên của Việt Nam; đang xúc tiến dự án đạm Phú Mỹ-dự án lọc dầu lớn nhất Việt Nam-để có thể đi vào hoạt động năm 2004.

Theo dự kiến, sản lượng dầu thô quy đổi của Việt Nam dự kiến sẽ đạt khoảng 30-32 triệu tấn vào năm 2010. Ngoài việc tăng ngoại tệ từ xuất khẩu dầu thô, những dự án khí và hoá dầu nếu được triển khai đúng tiến độ sẽ nâng cao giá trị của ngành dầu khí, phục vụ tốt hơn cho các ngành năng lượng và sản xuất công nghiệp trong nước.