Đơn giản hóa các thủ tục đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài

ĐƠN GIẢN HÓA CÁC THỦ TỤC ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI

Ngày 10-7-2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 68/2002 của Chính phủ thi hành một số điều của Luật hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài (gọi tắt là Nghị định 68/2002). Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2-1-2003 và thay thế Nghị định 184/CP ngày 30-11-1994 của Chính phủ quy định thủ tục kết hôn, nhận con nuôi ngoài giá thú, nuôi con nuôi, nhận đỡ đầu giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài (Nghị định 184/CP).

Một trong những điểm mới, quan trọng của Nghị định 68/2002 là việc đơn giản hóa các thủ tục đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài. Đây là yêu cầu có tính nguyên tắc trong quá trình giải quyết các việc đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo Nghị định 68/2002 và được thể hiện rõ trong các quy định dưới đây.

Thứ nhất, về thẩm quyền giải quyết các việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài. Phù hợp Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Nghị định 68/2002 tiếp tục khẳng định thẩm quyền đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là UBND cấp tỉnh). Tuy nhiên, điểm mới của Nghị định 68/2002 là mở rộng thẩm quyền cho UBND xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã) khu vực biên giới đối với việc đăng ký kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam thường trú tại khu vực biên giới với công dân của nước láng giềng cùng thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam. Nghị định 184/CP quy định thẩm quyền này thuộc UBND cấp tỉnh, nên nhiều năm qua không có tính khả thi.

Thứ hai, giấy tờ do cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước ngoài tại Việt Nam cấp cho công dân nước đó để sử dụng tại Việt Nam được miễn hợp pháp hóa lãnh sự theo nguyên tắc có đi có lại; giấy tờ do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước CHND Trung Hoa, CHDCND Lào và Vương quốc Cam-pu-chia cấp cho công dân của họ thường trú ở khu vực biên giới với Việt Nam để sử dụng cho việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi với công dân Việt Nam thường trú ở khu vực biên giới với các nước đó, chỉ cần dịch ra tiếng Việt và có cam kết bằng văn bản của người dịch về việc dịch đúng nội dung của thứ tiếng đó, không cần công chứng bản dịch.

Thứ ba, đơn giản bớt một số thủ tục trong hồ sơ kết hôn, nhận cha, mẹ, con có yếu tố nước ngoài, nhưng vẫn bảo đảm chặt chẽ. Theo Nghị định 184/CP, khi đăng ký kết hôn, các bên đương sự cùng phải nộp bản sao giấy khai sinh - là loại giấy tờ mà nhiều nước không cấp cho công dân của họ, nên gây khó khăn cho người nước ngoài muốn kết hôn với công dân Việt Nam. Nghị định 68/2002 bỏ loại giấy tờ này, nhưng quy định các bên phải khai lý lịch cá nhân theo mẫu quy định (chủ yếu nhằm phát hiện việc kết hôn vi phạm điều cấm của pháp luật). Ngoài ra, trong trường hợp người nước ngoài không có giấy xác nhận hiện tại không có vợ, không có chồng (giấy độc thân), thì có thể nộp giấy tờ tuyên thệ có đủ điều kiện kết hôn, phù hợp pháp luật nước ngoài đó.

Trong việc xin nhận cha, mẹ, con, nếu các bên hoàn toàn tự nguyện, không có tranh chấp, thì không bắt buộc phải có giấy tờ, tài liệu, chứng cứ để chứng minh về quan hệ cha, mẹ, con. Trong trường hợp các bên đều còn sống vào thời điểm nộp đơn, nhưng trong quá trình thụ lý giải quyết, nếu một bên chết, thì vụ việc vẫn được xem xét giải quyết tiếp mà không bị đình chỉ.

Thứ tư, trong quá trình Sở Tư pháp thẩm tra hồ sơ kết hôn, nuôi con nuôi, nếu không có vấn đề gì cần xác minh thuộc chức năng của cơ quan Công an, thì không nhất thiết phải yêu cầu cơ quan Công an xác minh hồ sơ. Theo Nghị định 184/CP thì toàn bộ hồ sơ kết hôn, nuôi con nuôi đều phải qua thủ tục xác minh của cơ quan Công an.

Thứ năm, sau khi đăng ký việc kết hôn, nhận cha, mẹ, con, nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài và ghi vào sổ hộ tịch, Giám đốc Sở Tư pháp có quyền ký các bản sao giấy chứng nhận kết hôn, quyết định công nhận việc nhận cha, mẹ, con, quyết định cho nhận con nuôi và đóng dấu của sở để cấp cho đương sự có yêu cầu. Theo Nghị định 184/CP thì thẩm quyền này thuộc UBND cấp tỉnh, nên rất vướng khi thực hiện, vì yêu cầu cấp bản sao giấy tờ hộ tịch ngày càng nhiều.

NGUYỄN CÔNG KHANH
(Bộ Tư pháp)