Doanh nghiệp dân doanh: Cạnh tranh và hội nhập
(Đầu tư - 09/02/2003)
Từ năm 2003 đến năm 2006, việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình AFTA là cơ hội, đồng thời cũng là thách thức to lớn đối với doanh nghiệp dân doanh vốn đang chịu nhiều phân biệt đối xử. Mong mỏi lớn nhất của doanh nghiệp dân doanh trong mùa Xuân mới là Nhà nước tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh...
Việc phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp dân doanh trong 3 năm qua là một hiện tượng mới, rất đáng phấn khởi. Với khoảng 55.200 doanh nghiệp mới thành lập theo Luật Doanh nghiệp và trên 18.000 doanh nghiệp mở rộng đầu tư và quy mô kinh doanh, cùng số vốn đăng ký khoảng 101.400 tỷ đồng, nâng tỷ trọng vốn đầu tư của dân cư và tư nhân trong tổng vốn đầu tư xã hội từ 21% năm 2000 lên 23,4% năm 2001 và 28,5% năm 2002.
Doanh nghiệp dân doanh không chỉ tạo việc làm cho phần lớn lao động chưa có việc làm, mà đáng quý hơn, là đóng góp cho tốc độ tăng trưởng, góp phần chuyển dịch cơ cấu và tạo ra sinh khí mới cho nền kinh tế.
Trước thời cơ và thách thức mới, rất cần những đổi mới về thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh cho bước phát triển mới của doanh nghiệp dân doanh. Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư tìm kiếm thị trường, xuất nhập khẩu, ứng dụng công nghệ mới.
Thế nhưng, sự chuyển động của bộ máy nhà nước để đưa những chủ trương, chính sách đúng đắn của Chính phủ vào cuộc sống, đến dân và doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Ngoài một số cản trở mới trong việc đăng ký kinh doanh, nhiều khó khăn từ lâu vẫn chưa được giải quyết, mà nổi bật nhất là những yếu tố làm tăng chi phí đầu vào đang hạn chế hiệu quả và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: không đủ mặt bằng sản xuất kinh doanh, khó tiếp cận nguồn vốn của tổ chức tín dụng, chi phí về điện, nước, bưu chính - viễn thông, vận chuyển, kho bãi còn cao, thuế má chưa phù hợp, thanh tra kiểm tra tuỳ tiện vẫn còn...
Ðể khắc phục những khó khăn đó, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp dân doanh, phải giải quyết về cả hai mặt: khắc phục tư duy phân biệt đối xử đối với kinh tế tư nhân và cải cách hành chính mạnh hơn nữa.
Cần thực hiện đúng Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Trung ương Ðảng khoá IX coi kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân; phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa; Chủ trương này của Ðảng phải được quán triệt trong nhận thức và nhất là phải trở thành tư duy nhất quán trong việc hoạch định các thể chế, chính sách cụ thể cũng như trong hoạt động quản lý của bộ máy hành chính và cán bộ, công chức.
Công cuộc cải cách hành chính cần được đẩy mạnh, hướng vào doanh nghiệp mà phục vụ, thực hiện sự bình đẳng trong kinh doanh, không phân biệt thành phần kinh tế.
Ðương nhiên, vẫn cần chú trọng cả hai mặt: một mặt, và đây là mặt chủ yếu, tiếp tục đổi mới thể chế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn nữa cho việc đăng ký, tạo thuận lợi cho việc phát triển thêm nhiều doanh nghiệp, xoá bỏ những quy định lỗi thời gây cản trở trong kinh doanh của doanh nghiệp, giảm chi phí trung gian, bớt thủ tục giấy tờ, để góp phần nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của từng mặt hàng cũng như của doanh nghiệp; mặt khác, phải ngăn chặn kịp thời những hành vi trái pháp luật, trốn thuế, lậu thuế, gian lận thương mại, cạnh tranh thiếu lành mạnh của một số ít doanh nghiệp.
Một môi trường kinh doanh lành mạnh, khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phát huy mọi khả năng đầu tư vốn liếng và trí tuệ kinh doanh năng động, sáng tạo, cạnh tranh bình đẳng, đúng pháp luật, là nền tảng cho sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.
Như vậy, cuộc cải cách hành chính phải được đẩy tới với nhịp độ nhanh hơn, quyết liệt hơn; bởi vì, không lĩnh vực nào lại gắn chặt quyền lực với lợi ích như trong cơ quan công quyền còn dai dẳng tàn dư của cơ chế xin-cho, việc xoá bỏ những tàn dư đó không hề đơn giản, không ai dễ dàng "tự đập vỡ niêu cơm của mình", dù biết rằng đó là thứ quyền và lợi không chính đáng.
Cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, khi cuộc cạnh tranh và hội nhập bước vào giai đoạn quyết liệt như hiện nay, các doanh nghiệp dân doanh nước ta, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn nhiều yếu kém, thì rất cần phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp, một trong ba trụ cột của kinh tế thị trường (gồm Nhà nước, doanh nghiệp, hiệp hội).
Hiệp hội doanh nghiệp là nơi các doanh nghiệp hỗ trợ lẫn nhau để nâng cao khả năng kinh doanh về các mặt, như kỹ năng quản lý, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh, tìm kiếm thị trường, thương thảo về giá cả, giúp nhau vốn liếng... tức là trong những lĩnh vực cần thiết và có thể phát huy sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp.
Hiệp hội doanh nghiệp cũng là tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp trong những trường hợp bị vi phạm trên thương trường, bị cạnh tranh bất hợp pháp hoặc bị đối xử không bình đắng.
Hiệp hội cũng là tổ chức cầu nối giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, phát biểu tâm tư, nguyện vọng, đề đạt kiến nghị với cơ quan chức năng trong việc soạn thảo và thực thi thể chế, chính sách để thể chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, phát huy tác dụng tích cực trong cuộc sống.
Hiện nay, cả nước đã có trên 120 hiệp hội doanh nghiệp (dưới các tên gọi khác nhau), cần phát huy tác dụng của các hiệp hội đó về cả ba mặt nói trên.