Bất đồng về cá tra làm tổn thương quan hệ Mỹ -Việt

Dưới đầu đề "Bất đồng về cá tra có thể làm tổn thương đến quan hệ Mỹ-Việt", báo "Người hướng dẫn khoa học đạo Cơ đốc" ngày 12-3 đăng bài của phóng viên báo này từ Long Xuyên viết về tác động của việc Mỹ đánh thuế cao cá tra nhập khẩu từ Việt Nam đối với những người nuôi các tra ở vùng châu thổ sông Mê Công và tác động của nó đối với mối quan hệ giữa hai nước.

Bài báo viết: Việc ký hiệp định buôn bán lịch sử với Mỹ tháng 12-2001 đã giúp các nhà xuất khẩu Việt Nam tăng tỷ trọng xuất khẩu sang thị trướng cá tra đông lạnh của Mỹ lên 20% (đạt 590 triệu USD). Mất tỷ trọng xuất khẩu đó trên thị trường Mỹ sẽ là một đòn giáng vào một trong những nước nghèo nhất châu Á. Nó cũng làm tổn thương đến mối quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ sau khi mối quan hệ này được khôi phục năm 1995. Frances Zwenig, một quan chức cao cấp của Hội đồng kinh doanh Mỹ-Việt, nói: "Cá tra là một sự việc đầu tiên xảy ra với người Việt Nam sau hiệp định buôn bán tay đôi . Vì vậy nó gửi đi một thông điệp xấu cho Việt Nam".

Đây không phải là nỗ lực đầu tiên của các ngư dân Mỹ nhằm chống lại nhập khẩu. Họ phàn nàn cá tra Việt Nam không thực sự là "catfish". Họ đã vận động thành công Thượng viện Mỹ thông qua năm 2001 một đạo luật buộc các nhà xuất khẩu Việt Nam dán nhãn hiệu cá "Catfish" là "Tra" hoặc "Basa". Thượng nghị sĩ John Mc Cain đã phản đối chiến dịch này và cũng vận động chống lại vụ kiện chống bán phá giá . Nhưng trong quyết định sơ bộ ngày 27-1, Bộ thương mại Mỹ đã áp đặt mức thuế từ 38% đến 64% đánh vào bốn nhà xuất khẩu Việt Nam mà họ nói rằng bán phá giá cá tra ở Mỹ. Phán quyết cuối cùng dự định đưa ra tháng 6 tới. Những người chỉ trích nói rằng vụ kiện này đầy những bí ẩn với các tính toán không chính xác. Thay vì sử dụng các số liệu từ Việt Nam - như giá các nguyên liệu - để tính toán giá trị đúng thì Mỹ lại sử dụng các số liệu tương đương của Bangladesh và Ấn Độ. Họ nói rằng các số liệu của Việt Nam là không có giá trị bởi vì nước cộng sản này không phải là "nền kinh tế thị trường". Walter Blocker, Chủ tịch Phòng thương mại Mỹ ở thành phố Hồ Chí Minh đã cười vào cách đánh loại này. Ông nói : "Đây là một nền kinh tế thị trường tự do. Cộng đồng kinh doanh Mỹ biết nền kinh tế thị trường tự do khi họ nhìn thấy nó". Ông gọi vụ kiện này là "đạo đức giả". Các nhà xuất khẩu hải sản bác bỏ việc họ nhận dược trợ cấp của chính phủ hoặc bán cá dưới mức chi phí thị trường. Họ nói rằng sản phẩm của họ rẻ là do chi phí đầu vào thấp và có các cơ sở nuôi cá tốt ở vùng châu thổ sông Mê Công. Ông Trương Đình Hòe, Phó Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hải sản Việt Nam, nói: "Nước Mỹ giỏi về sản xuất máy bay Boeing, nhưng về cá tra, chúng tôi giỏi hơn". Hơn nữa, các nhà máy Việt Nam trả cho các ngư dân chưa đầy 30 cent cho 1 pound cá tra. Cá này lại được những công nhân với mức tương chưa dầy 50 USD/tháng chế biến, làm đông lạnh và đóng gói . Kể từ quyết định được đưa ra tháng 1-2003 về việc đánh thuế sơ bộ cá tra nhập khẩu từ Việt Nam, các nhà xuất khẩu Việt Nam nói rằng số lượng cá tra xuất sang thị trưởng Mỹ giảm mạnh . Một số hiện đang chuyển sang các thị trường khác, như Trung Quốc và châu Âu.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Đình Huân, Phó Tổng Giám đốc những người đánh cá An Giang, nói: "Chúng tôi đang tăng lượng cá bán ra các thị trường khác, nhưng tôi tin rằng chúng tôi không thể bù đắp được những tổn thất này". Và trong khi các nhà máy có thể chuyển việc đóng gói các mặt hàng xuất khẩu sang các hải sản khác, thì các ngư dân nuôi cá tra tư nhân ít có sự lựa chọn. Một nghiên cứu của "Actionaid", một hãng phi lợi nhuận làm việc tại Việt Nam, dự đoán đằng việc chế biến cá tra giảm sút sẽ tác động đến hàng nghìn gia đình ở vùng châu thổ sông Mê Công.

MINH TUÂN
(Tin tức, 13/3/2003)